Monday, September 30, 2013

MƯA NỬA ĐÊM – Truyện ngắn Nguyễn Văn Hiến



“Anh có nghe mưa đang rơi ngoài kia”.
Tài đứng dậy, đi về phía cửa sổ. Từ trên cao nhìn xuống, trong ánh đèn vàng lấp loáng, những hạt mưa vẽ đường dài nghiêng nghiêng, rạch lên không gian mấy vết xướt hằn lạnh lẽo. Vệt nước lao rớt từ trời, phớt đè nhành cây trứng cá nhỏ bé xơ rơ rạp lá, co ro nép mình bên góc tường bâng quơ nhìn trời giông kéo tấm bạt ngoài hiên nhà dưới kia run bần bật. Tài nghe tiếng mưa chạm vào đường phèn phẹt, bỏ lại những đau rát loang lổ, nhấn con đường ngợp chìm trong nước, quầy quẫy tìm chút khí thở rẫy đầy trên xa cao.
Tài thở một hơi dài, luồng khí nóng trôi ra, chơ vơ bám vào tấm kiếng cửa sổ một màn hơi mờ mờ, thắp nỗi nhớ quê sáng lờ lờ như ngọn đèn dầu lụn tim. Nhìn hạt mưa kia, nghe tiếng rớt này, Tài nhớ lắm những thanh âm của miền quê đồng cũ. Tiếng lộp độp rơi đều trên lá chuối, tiếng lào xào xuyên qua tàn cây vú sữa nhuộm màu đỏ cốt trầu của ngoại, tiếng con rạch trước nhà lốp bốp hứng mưa nhảy nhót liên hồi trên mặt nước chiều rụi. Ở đó anh có Thu, có những kỷ niệm chạy dài trên bờ ruộng, hôm ngồi câu cá, buổi thả diều chạy trật chân làm Thu ngồi khóc. Ở đó, trên con đường ngơm ngớp sình lầy trơn ướt sau mưa, có đôi bàn tay dìu nhau líu ríu chậm rãi bước đi, mùi bùn lững thững bay theo đến tận trường. Hình ảnh đó giờ xa xôi quá. Chòng chành xa trong đôi mắt của Thu. Chập chờn xa trong suy nghĩ của Thu. Xa thật xa. Tài muốn nhắc đến sông Hậu, nói về mấy ngôi nhà lặng lẽ bên rạch Trà Và ngày cũ, nhưng biết Thu nào chịu nghe và muốn nghe, như bao lần trước.
Thu ngồi bó gối. Lặng im. Cái bóng phết nghiêng lên cửa sổ, nhuộm lên bàn tay Tài một màu xám mờ. Sài Gòn hiện ra trước mắt cô cuống cuồng những ánh đèn lung linh, giăng giăng mấy đường tơ sáng, dệt ra dãy lụa nhiều màu vắt vòng quanh những ngôi nhà nhiều tầng cao sững, bừng bừng hào nhoáng. Dưới kia, thành phố đó. Có ước mơ của Thu. Nơi những cửa hiệu sang trọng sáng đèn niềm nở, dăm chốn vui chơi xuyên đêm dài bất tận quen thuộc. Có Đức trong căn biệt thự màu gạch đỏ, nhởn nhơ với những vật dụng đắt tiền, ngoài cửa, chiếc Audi sáng màu sơn khoe dáng nằm đợi. Chờ chiếc iphone đổ chuông. Thu sẽ ra khỏi căn hộ. Thong dong theo chiếc thang máy thả dần xuống tầng trệt. Chỉ cần lướt nhanh qua hành lang tối Thu sẽ nhìn thấy Đức, anh đang đợi cô dưới đường. Thu sẽ có ngày nghỉ cuối tuần cùng anh, ở đâu đó xa thành phố, Đà Lạt lạnh đông, Vũng Tàu tràn sóng vỗ hay vượt ra tận vùng Tây Nguyên xanh màu rừng thẳm chiều núi.
Thu gặp Đức đã lâu. Lâu đến mức cô không còn nhớ rõ thời gian. Chỉ biết lúc cô sinh viên năm nhất hơi bỡ ngỡ bước vào quán cà phê Dòng Thời Gian, dè dặt chìa hồ sơ xin việc đã bắt gặp ánh mắt nhìn say mê của ông chủ. Làm việc chưa đầy tháng, Đức hỏi em có bồ chưa, Thu lắc đầu. Vài ngày sau những món quà đắt tiền đều đặn được đặt vào tay Thu. Đức bảo: “Yêu anh đi! Em sẽ có tất cả”. Thu ậm ừ. Đức lấn tới: “Yêu anh hay yêu mấy thằng nhải sinh viên cùng trang lứa đều như nhau. Nhưng yêu anh thì em sẽ có tiền, có xe, có nhà…”.
Thu lặng im. Thu nhớ cảnh người mẹ tả tơi bên đứng bên đường tiễn con tụt xa dần tầm mắt. Thu nhớ người cha héo da lầm lũi trên cánh đồng cháy nắng. Thu nhớ cô gái quê vật vờ xốc xếch, ngày đi Sài Gòn trong chiếc xe già thoi thóp run bần bật, đôi tay lo lắng siết chặt chiếc túi vải ngã màu đựng những đồng tiền bán vét mót những bao lúa cuối cùng. Chuyến đi đó kéo những bờ lúa, dòng sông mất hút sau vệt khói xe mờ; những nhà cao cửa rộng, mấy nhộn nhịp phố phường thay nhau lướt ngang qua lớp cửa kính đọng dày khói bụi. Rồi tiếng thắng dồn, xe đậu về bến, thả cô xuống giữa biển người xa lạ. Chân bước chập chờn. Dồn nén mặc cảm đựng đầy trong đôi mắt. Lần đó Thu đi. Thu quyết mình không trở lại. Dù sống, dù chết, Thu sẽ rời bỏ cánh đồng, chạy trốn mùi nắng khét da người chất ngất.
“Thu còn nhớ cánh đồng quê?”
Biết Tài hỏi thăm dò, Thu giả vờ không nghe, chẳng hỏi lại, lặng im nhìn dòng người trên phố. Ngó căn nhà hai tầng mặt tiền nằm dọc theo hàng cau lủng lẳng trái, chậu bông giấy trên sân thượng rũ bông đong đưa. “Biết bao giờ em có căn nhà như thế đó?!”, Thu chuyển đề tài, tay mân mê ly cà-phê đá chảy tan, nước thập thò trên miệng ly. Một trái trứng cá chín tím màu rụng cuốn, va đập trên mặt bàn, lăn tròn, rơi xuống, xuyên thấu vào khoảng không dày đặc. Vọng lên đôi mi dày của Thu, ướp cong một nỗi niềm, một tâm sự nghèn nghẹn. Bao nhiêu lời muốn nói với Tài, những giải bày dồn nén, Thu đã soạn sẵn trong dự định nhưng cuối cùng đành dùng dằng cất lại.
Thu gặp Tài thật bất ngờ, giữa Sài Gòn lớn rộng. Một lần cô lặng lẽ ngồi trước giảng đường đại học, Tài đến ngồi kế bên, hỏi có phải em là Thu, nhà ở rạch Trà Và, chỗ con nước chảy mềm ra miệt sông Hậu. Tháo chiếc kính râm đắt tiền đang đeo, Thu ngờ ngợ nhận ra người quen nhưng không nghĩ ra là Tài. Cô gượng gạo gật đầu. Đã quá lâu cô không trở về sông Hậu, cô quen mùi sôi động của thành phố, chán cánh đồng quê vắng ngắt lã buồn. Thu cũng không muốn trở lại bề ngoài của một cô gái quê xốc xếch, càng không muốn để mấy kẻ quê tò mò nhòm ngó, nghi ngờ một người quá sang trọng lọt thỏm giữa căn nhà nom nghèo khó.
“Chỉ có anh mới giúp đời em thoát nghèo”.
Đức thoả mãn nằm mân mê bầu ngực Thu, lặp lại câu thần chú quen thuộc, vòng dây vật chất dùng siết chặt, ràng buộc lòng chung thuỷ mà Đức biết rõ chỉ là tình hờ. Còn chung thuỷ còn tình, còn tình còn tiền; đến khi nào anh chán sẽ trả tự do. Đó là quy tắc của Đức dành cho Thu cũng như bao cô gái khác. Và Thu luôn giữ mình cô đơn, xa cách mọi mối quan hệ, từ chối mọi lời tỏ tình, săn đón. Cô học cách thôi gượng gạo, niềm nở mọi khi ở cùng Đức. Bao lần nhìn quanh bốn vách tường cao, Thu cảm thấy lẻ loi giữa căn chung cư quá rộng chỉ dành cho một người. Thêm một chỗ dành cho Đức, thi thoảng anh đến, yêu đương vội vàng, thoả mãn xong thì bặt tăm.
Thu biết cái cảm giác cô đơn giữa những bức tường thật đắng. Đắng như vị nghẹn họng chạy lên cổ từ bầu ngực se thắt, trong lòng bàn tay giày vò chao chao của Đức. Từ lúc gặp Tài, Thu nhận ra cảm nhận yêu thương của cô dường như chai sạn, khốc khô như đá sỏi phế hoang trên đồi cao núi dốc. Cô ghét lòng tự trọng quá mức, không thích mấy thói tham vọng của mình, vì chúng giam Thu lạc lõng trong cô đơn nhờn nhụa. Nhưng Thu chưa muốn dừng lại, cô không dám tưởng tượng ra một tương lai thiếu Đức hay thiếu những đồng tiền của Đức. Và Thu chịu đựng, mỗi ngày, mỗi khi ở cùng Đức, như lúc này. Dù mệt mỏi, dù Thu nghe vị đắng đặc quánh dần trong cổ họng, vón cục, se sắt lại. Thu mím môi nhìn lên trần nhà. Đức mồ hôi đầy trán, hừng hực dưới chân Thu. Hai con thằn lằn quấn quýt nhau, say tình, mê mệt, buông tay rơi tọt xuống sàn gạch.
Đức rời phòng đã lâu. Thu vẫn còn cuộn mình trên tấm nệm dệt những chiếc bông màu xanh lơ, cô không muốn ngồi dậy. Đôi mắt Thu thả trôi theo cánh quạt trên trần, dõi những vòng quay đều đặn, lạch cạch xoay tròn như một định mệnh không thay đổi. Thu với tay lấy chiếc điện thoại nằm chỏng chơ trên nền gạch, cô soạn tin, “đi cà-phê với em” và bấm số của Tài, gửi đi.
Thu nhớ giữa cô và Tài từng có một mối tình phớt qua, một rung động của tuổi vừa mới lớn, nhưng nó không có bắt đầu và chẳng có kết thúc. Tài xa quê, học cấp ba trường tỉnh; Thu thì gò mình đạp xe vài mươi cây số, bằng lòng với ngôi trường huyện nhỏ nằm trước cánh đồng cỏ hoang. Kỷ niệm đã dừng lại từ tuổi học cấp hai, nhợt nhạt dần theo thời gian, theo những lần gặp mặt thưa thớt.
Sau lần nhận ra Tài ở trường, Thu thường xuyên gặp anh, cùng cà-phê hay ăn uống. Trong cảm giác của Thu, cảm tình cũ như được nối lại, chút lạo xạo của tình yêu lan ra, bén đọng trên hàng mi, khoé mắt. Lộ ra trong cử chỉ thèm được âu yếm, được gối đầu trên tay Tài, cùng nằm trên bờ cỏ xanh ngắm ánh trăng suông như trong những ngày ở quê xưa làng cũ. Bằng cảm giác tinh tế của một người đàn bà, Thu nhận ra tình cảm của Tài, một vài cử chỉ yêu thương mềm mại từ Tài vẫn chưa đủ, cô cần một lời tỏ tình, một lời nói đủ mạnh mẽ để Thu có can đảm bước ra khỏi căn hộ này. Thu mỏi mòn đợi, ngày qua ngày. Còn Tài, anh vẫn luôn lặng lẽ, dững dưng đi về.
Từ lúc gặp lại Thu, Tài dần nhận ra sự cô đơn không bình thường của Thu. Tài muốn gần gũi hơn, muốn sẻ chia thêm, muốn nối tiếp chuyện tình chưa được bắt đầu của anh và Thu. Đôi lần nắm bàn tay vẫn còn hằn những chai sần từ cánh đồng sông Hậu. Tài muốn nói, mình bắt đầu em nhé, một tình yêu nồng nàn sẽ dắt chúng ta đi tiếp con đường đầy khó khăn này. Ở đó sẽ có anh và em. Ở đó sẽ có tương lai được xây lên bằng những yêu thương. Nhưng mỗi lần nhìn vào đôi mắt rực cô đơn vô vọng của Thu, anh như rớt chơi vơi vào giếng sâu không đáy, hoài công tìm lối thoát. Những suy nghĩ mình không thể nào đáp ứng được một tương lai mà Thu hằng mơ ước luôn giày vò Tài, và rồi, những lời mở về tình yêu, về ngày mai luôn lặng im khép sâu dài sau đôi môi anh.
Tài đến chung cư Hoàng Gia vì nhận được tin nhắn của Thu. Không muốn chọn thang máy, Tài chậm rãi bước đi về hướng cầu thang, mượn từng bậc tam cấp để kéo dài thời gian, muốn nấu chín thêm những quyết định còn do dự của mình. Bước từng bậc, leo từng nấc. Cái không khí ẩm mốc chỗ ít người lui tới làm anh ngợp thở. Nghèn nghẹn như buổi anh đến đây gặp Thu tíu tít cùng Đức, tình tứ chờ thang máy, sóng sánh cùng lên căn hộ đầy sang trọng. Nhìn cảnh đó, Tài chới với như rơi từ tầng cao nhất của khu nhà cao hai mươi tầng xuống đất. Trong khoảng không chơi vơi, giữa loãng khí ù ù bên tai. Óc lảo đảo say, mắt lờ mờ thấy. Chống tay vào bức tường, Tài gục đầu rưng rức.
Tài ngồi lặng im thật lâu. Bóng tối nhấn chìm góc cầu thang hun hút, phủ lên những cửa sổ chung cư vắng hoang đối diện một tấm rèm đen sâu lạnh. Dằn vặt trổi lên cuồn cuộn. Tài muốn leo lên căn hộ của Thu, hỏi em và người kia có quan hệ gì? Nhưng tự ti đã kéo anh đứng lại, anh nhận ra mình là một kẻ muộn mằn, một người chắc gì đáp ứng được những mơ ước của Thu. Trong cảm giác rượi buồn Tài không biết điều Thu làm là đúng hay sai, nhưng điều đó cứ dày vò anh, ngọn lửa uất nghẹn đốt cháy dần dần hi-vọng-tình-yêu của anh, chỉ còn sáng tờ mờ.
Tài chậm rãi bước dọc theo hàng lang chung cư lặng tờ. Căn hộ 307 quen quen hiện ra. Chiếc chuông màu vàng cắm trên bước tường trắng, nằm cạnh cửa vẫn còn mới nguyên. Tài hờ hững đặt ngón tay lên. Một âm thanh ré nghẹn rớt vọng xuyên qua tai, đọng lại thành chuỗi dài rung động buồn quậy cuồng trong óc. Cửa mở. Chiếc áo ngủ màu trắng tô sáng Thu trên nền đèn màu xanh dịu. Sắc màu này làm Tài nhớ đến ánh trăng xưa, nhớ khu vườn cũ, nhớ ngày Thu nằm trên cánh tay mình ngắm bầu trời đêm thẳm xanh. Tài bước vào trong. Anh hơi ngộp bởi mùi nước xịt phòng xa lạ; bởi bốn bức tường cao biết nhốt thiêm thiếp thể xác, biết thâu hồn người không ngọ nguậy.
“Anh Tài đợi em thay đồ một chút nhen!”.
Bỏ Tài ngồi lại ngoài phòng khách, Thu bước vào buồn riêng, ngồi xuống bàn trang điểm. Ngọn đèn trán vẽ một Thu lung linh trong tấm gương, đôi môi gợi tình nung đỏ, đôi chân mày cong dáng vầng trăng vỡ, mái tóc tím màu mịn màng buông dài trên lưng. Thu sờ lên tấm gương, khuôn mặt lạnh băng chễm chệ một nụ cười gượng gạo. Đã quá khác một Thu của rạch Trà Và xưa cũ; một Thu của Đức, của căn hộ sang trọng, của những ngày tháng tươi mới giữa Sài Gòn. Cầm thanh son, Thu dự định vẽ lại chút màu cho đôi môi, chút ngập ngừng thoáng qua, Thu đặt nó trở lại vào túi xách. Bàn tay run run chạm vào chiếc điện thoại vừa run lên báo có tin nhắn đến:
“Mười giờ anh sẽ qua đón em đi bar. Yêu cưng”.
Lại là Đức, Thu lẩm nhẩm. Hơi lạnh từ chiếc máy chạy rè rè trong góc phòng thấm vào da, làm hơi rùng mình. Thu cựa mình, đứng dậy, rạc rời suy nghĩ, lững thững bước ra chổ Tài đang đợi.
Tài ngồi trên ghế, đôi mắt dõi ra khung trời đang xám lại, mờ sau tấm kiếng cửa sổ, mờ trong bầu trời dần tối. Trời sắp mưa. Mưa đêm Sài Gòn thật buồn chán.
“Định rủ anh đi cà-phê nhưng giờ em mệt quá! Hôm khác được không anh?”. Thu gượng gạo giải thích và thăm dò. Cô rót nước, đặt chiếc ly vào tay Tài, hơi lạnh thấm tê tê từng đầu ngón tay. Tài nhìn Thu, chiếc áo ngủ của cô hắt vào mắt anh một màu trắng lạnh. Hơi khẽ gật đầu. Tài nghe cái cảm nhận thân thiết với Thu tuột xa dài. Bối rối xa lạ lớn dần lên trong óc. Tài mím môi cố trấn tỉnh. Nghe những tiếng tiếng mưa lao xao ngoài trời, lớn dần bên tai, Tài lờ đờ bước đến gần khung cửa sổ. Thu lặng im nhìn từng cử động của anh. Cô ngồi co lại giữa gian phòng đang giãn rộng dài hơn.
“Thôi em bận thì anh về”.
“Nhưng trời đang mưa mà”.
“Không sao đâu, anh có đem theo áo mưa”.
Tài bước ngay ra ngoài. Anh đi nhanh theo hành lang. Chiếc thang máy vén mở cửa, nhốt Tài vào chiếc hộp sắt, chập chờn thả rơi anh xuống tầng trệt. Tài rời chung cư. Vòng xe lao đi, lướt xé mặt nước đọng tràn trên đường, rẽ đôi ràn rụa.
Thu đứng bên cửa sổ nhìn xuống, ở dưới kia, cô thấy một bóng người run rẩy rời đi, chiếc xe lao xuyên trong màn đêm, mưa lạnh thấm mềm qua lớp áo.


Nguyễn Văn Hiến (Bạc Liêu)

BÊN KIA SÔNG – Thơ Trần Quốc Tiến

 


 

 

Trần Quốc Tiến
Sinh năm: 1970 tại Đống Đa -Hà nội
Hiện sống ở Hoài Ân - Bình Định
Tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng năm 1996
Nơi công tác:  Hoài Ân - Bình Định

 

 

Bên kia sông 

là bãi lúa, nương dâu,

là cánh cò bay lả bay la trong lời ru của mẹ.

Bên kia sông 

là làn gió thu gọi mùa thật khẽ.

Là cô Tấm, nàng Tiên trong cổ tích diệu kì.

 

Bên kia sông 

là bờ trúc, triền đê,

là "nắng tháng Ba là mưa tháng Bảy"(1).

Là một nắng

mẹ lo mùa hạn cháy,

là hai sương 

khi mùa lũ lại về.

 

Bên kia sông 

là tiếng sáo chiều quê,

là ánh trăng thanh "bên cầu giặt áo"(2).

Những mẩy phù sa hóa mình trong hạt gạo.

Như giọt sữa ngọt ngào nuôi lớn khôn con.

 

Bên kia sông 

là ngày mỏi tháng mòn,

là dáng đứng chờ Cha mỗi chiều trước cửa.

Bàn tay ấm chưa nguội  tàn ngọn lửa.

Mẹ mong cha sẽ trở về.

 

Ôi! sông quê, vẫn thế, muôn đời.

Bên nhớ, bên thương, bên bồi, bên lở.

Ngày hóa tháng, năm dồn thành thế kỷ.

Sông hòa mình, 

sông là Mẹ...

Mẹ ơi!!!


Trần Quốc Tiến


(1) Ý thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ Hạt gạo làng ta.
(2) Ý thơ Phan Văn Tú trong bài hát Nhịp cầu nối những bờ vui.


Sunday, September 29, 2013

THƯ TIN: TRAO GIẢI TRUYỆN NGẮN HAY 2013 TẠP CHÍ TIẾP THỊ & GIA ĐÌNH




Tác giả Lê Thùy Vân và nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên

Tác giả Nguyễn Thị Diệu Hạnh và chị Trần Nguyễn Thiên Hương (Tổng thư ký Tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình)
Ông Đào Văn Lừng (bên trái), Trưởng cơ quan đại diện ban Tuyên giáo Trung ương khu vực phía Nam, vợ ông Nguyễn Quang Ba, tác giả Song Ngư
Ông Đào Văn Lừng
Tác giả Lê Thùy Vân đọc thơ giao lưu
Nhà văn Đoàn Thạch Biền 
Biên tập Yến Lê, tác giả Minh Vy và Ngô Thúy Nga

Cuộc thi viết Truyện ngắn của Tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình, bắt đầu từ năm 2004 đến nay đã trải qua bốn lần tổ chức, từ ngày 1/12/2012 đến ngày 30/4/2013, Ban tổ chức đã nhận được hơn 800 tác phẩm gửi về tham gia dự thi. Buổi lễ trao giải cho 11 tác giả đoạt giải thưởng lần IV, đã diễn ra vào ngày 27/9/2013 tại Riverside Palace
Trong 11 gương mặt đoạt giải thì chỉ có 10 tác giả nữ: Võ Thu Hương (truyện ngắn Mùa xuân quanh đây); Vũ Thị Huyền Trang (truyện ngắn Mặt trời vừa rụng); Phạm Hương Giang (truyện ngắn Pan); Hoàng My (truyện ngắn Con nhện ôm trứng); La Thị Án Hường (truyện ngắn Mạng khuyến mãi); Minh Vy (truyện ngắn Cõng mặt trời trên lưng); Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (truyện ngắn Căn hộ ước mơ); Lê Thùy Vân (truyện ngắn Sương có mùi gì); Nguyễn Thị Diệu Hạnh (truyện ngắn Mùa điên điển cuối); Song Ngư (truyện ngắn Phản bội); tác giả nam duy nhất là Nguyễn Quang Ba (truyện ngắn Kiếm ăn thôi mà).
Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên nhận xét: “Văn chương không phải là trò chơi và viết là một cái nghiệp đau khổ, đã bước vào rồi thì khó lòng rút lui một khi bạn đánh giá được tầm ảnh hưởng của mình với người khác. Vì thế hãy khen ngợi và động viên những người dám thử thách mình trong công việc này…”
Sau khi 11 tác giả nhận giải thưởng, thì ban tổ chức đã tặng Tập truyện ngắn hay 2013 của cuộc thi đợt 4, sách do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ cùng Tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình liên kết xuất bản.
Trong buổi trao giải Truyện ngắn hay 2013 tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình, có sự tham gia của ông Đào Văn Lừng (Trưởng cơ quan đại diện ban Tuyên giáo Trung ương khu vực phía Nam), các nhà văn như: Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Bùi Anh Tấn,… Đại diện Tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình có bà Trần Nguyễn Thiên Hương, Phạm Thị Ngọc Liên, Hoàng Diệu Thu,…
Với 11 truyện ngắn đoạt giải, độc giả có thể cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc, thấy được những góc cạnh cuộc sống quanh mình hoặc chưa bao giờ thấy. Tuy nhiên với một cuộc thi viết truyện ngắn trên tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình thì những “hạt vàng văn chương” vừa được chọn cho giải thưởng Truyện ngắn hay 2013 thì cũng đáp ứng phần nào về sự thiếu hụt những tác giả viết truyện ngắn hay trên mặt bằng chung của các báo, tạp chí hiện nay.
Hy vọng rằng những tác giả đang thể hiện khả năng, đam mê và muốn làm đẹp cuộc sống bằng văn chương sẽ có nhiều hy vọng vào con đường sáng tác ở tương lai phía trước… 

(Tin và ảnh: Nguyễn Đức Quyền)


TA MÃI ĐI TÌM NHAU - Thơ Trần Thuận

                                                         Trần Thuận
DUYÊN TÌNH(*) 

Vì kiếp trước duyên tình mình không trọn
Nên kiếp này sợi tơ ấy vấn vương…

Ta mãi đi tìm nhau
Quên lãng theo thời gian
Chạy đua theo mặt trời
Đến nửa vòng trái đất
Ta dừng chân bến đợi
Thả cả đời hồn trong biển xa xăm…

Ngày vẫn trôi… đời ta như ngược lại
Bến mộng chảy về
Biển trở lại sông

Ta tìm nhau trong tiềm thức
Chim én lạc loài hóa cánh hải âu
Vượt biển khơi xa
Giữa đại dương mênh mông
Nhóm đóm lửa tình nóng bỏng
Ấp tan lớp băng dày
Tràn ngập cả thu yêu
Tỏa lấp trùng khơi xa
Nồng men vang đỏ ửng má đào
Say ngất hoa hồng thấm giọt… giọt tim!

Sài Gòn... 26/8/2012

(*)Bài thơ này đã được Nhạc sỹ Nguyễn Vinh (Pháp)  phổ nhạc


THÈM GIẤC XƯA

Ta thèm nụ cười ni
Thèm ánh nắng mai bất chợt
Bên thác cuộn dòng bọt khói nhả hơi sương

Ta thèm đi 
mát tận kẽ chân trong lòng vách núi
Ta thèm về 
vòng tay ấm ôm trọn biển xanh

Ta nhớ 
cái nhìn hôm nao?
trong đôi mắt ấy
Ẩn quanh khúc tình 
một kiếp đa đoan
Rồi phải lụy sông vắng bóng con đò
 Để chìm nổi bão giông miền xa tít…

Ta lại thèm về
xóm nhỏ xưa
 Gió lùa qua cửa sổ nắng chiều
Văng vẳng tiếng trẻ thơ đùa nghịch ngợm
Tung tăng chạy ùm  nghịch sóng biển vung lên
 Rồi lại thèm nồi cá kho ngon ngót
Quẹt  mắm cà, cơm nóng ngạt hương quê

Ta thèm lắm
mùi hương gói trọn vòng tóc nhớ
Tàn trăng, giấc mộng ủ say nồng…

 06/2013
Trần Thuận (TP. HCM)


NGÀY MUỘN MÀNG – Thơ Huỳnh Ngọc Phước

                                                        Huỳnh Ngọc Phước

Ngày ba đi theo cuộc tình mới
Mẹ tôi trở thành người đàn bà góa bụa
Tôi cạn nước mắt trong cái nôi đời
Bất hạnh!

Ngày tôi lên ba
Tôi hỏi: “Ba đâu rồi mẹ?”
Mẹ không trả lời
Quay sang ôm tôi vào lòng
Thút thít.

Ngày tôi trưởng thành
Tóc mẹ trắng như chạm cùng sương gió
Áo mẹ bạc màu vì cõng nắng cõng mưa
Nước mắt đã cạn dần trong sâu thẳm
Mẹ tôi - và - thời gian!

Ngày ba trở về
Chái bếp xưa không còn người đàn bà cặm cụi
Chỉ khói đen bám vào mái lá. Nhện giăng đầy!

Ngày muộn màng
Lá khô rơi dày thêm mộ mẹ, cỏ mọc tràn
Giọt nước từ mắt ba ngậm ngùi
Rơi...
Ướt rong rêu!

Huỳnh Ngọc Phước (An Giang)




GIÓ BẤC VỀ LẠI NHỚ QUÊ – Tuỳ bút Trần Duy Đức


“Gió bấc mang về nỗi nhớ nhung/ Bờ lau xơ xác dưới mưa phùn...”, tôi không nhớ là hai câu thơ của ai, nhưng cứ đến đông về thì càng nhớ quê, nhớ gió mùa đông- bắc mang hơi lạnh từ phương Bắc tràn vào phương Nam, đặc biệt là miền Trung. Cái lạnh như cắt da cắt thịt, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe, nhất là đối với trẻ con và người già là đối tượng có sức đề kháng yếu. Mùa đông mưa phùn gió bấc, có năm lạnh đến cóng người, súc vật cũng không chịu nổi, vì thế mà cứ mùa này thì người già chết nhiều, nên cuối năm có nhiều ngày giỗ.

Tôi chưa có dịp sống ở miền Bắc vào mùa đông rét, nên chưa hình dung được cái rét đến cá dưới nước cũng phải nhảy lên bờ, trâu bò cũng ngã lăn ra chết. Người miền Bắc gọi mùa gió tràn về từ phương Bắc khoảng độ tháng chín, tháng mười âm lịch năm trước đến tháng giêng, hai năm sau là gió mùa đông- bắc. Người miền Trung lại gọi là gió bấc, có lẽ do từ gió bắc mà trại thành gió bấc chăng! Ở Nam bộ, nhất là miền Tây còn gọi là gió chướng.

Đã gần bốn chục năm rồi, tôi cư trú ở cái phố huyện, nay đã là trung tâm thị xã, dưới triều Nguyễn là tỉnh thành Bình Định. So với những người đồng hương tha phương ngoài tỉnh, ngoài nước thì nơi tôi ở gần quê nhà hơn, vậy mà cứ mỗi mùa đông đến kèm theo gió bấc, mưa phùn rét mướt tôi lại nhớ quê. Nhớ cái rét ngọt giữa mùa làm ruộng cấy, quê tôi là nơi bắt đầu sông Côn rẽ nhánh, nằm lọt thõm giữa hai dòng sông, ba bề là sông nước ôm gọn xóm làng, đồng ruộng, đến mùa đông thì gió từ hai nhánh sông càng thổi mạnh vào làng. Những dáng nông dân đi làm đồng, người cày thì con trâu đi trước, cái cày cái bừa theo sau, kẻ gánh mạ non, phân chuồng ra ruộng, đàn bà khom lưng đi chà lui dưới mặt ruộng theo luống mạ cấy, trẻ con theo những đàn bừa để bắt cá, bắt cua.v.v...Ai nấy cũng mặt mày lấm lem bùn đất, chân cẳng mốc thếch, đầu đội nón cời, mang tấm ni lông mỏng, một ít người lớn tuổi choàng cái áo tời chằm bằng lá cứ run bần bật, trống trước hụt sau. Quần xắn quá gối, dáng người cứ như nhỏ bé trên cánh đồng mênh mông mưa dầm, gió dãi, thân hình nghiêng nghiêng trên cái bừa có hàng răng sắt vài chục chiếc nhọn hoắt, những người gánh gồng kẽo kẹt đi trên bờ ruộng càng mong manh, không ít người bị gió hất tung xuống mương, xuống ruộng. Những con người lam lũ bán mặt bán cho đất, bán lưng cho trời, đầu đội nón cời cứ chúi về phía trước, từng đợt gió rét cứ đẩy tấm lưng còm ướt đẫm về phía sau như một dấu chấm hỏi đặt ngược, mà đã bao nhiêu năm rồi tôi không dễ gì quên hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng quê mình vào mùa gió bấc, cùng với bao day dứt.

Hình ảnh những người phụ nữ kẽo kẹt gánh rau cải, bầu bí dưa củ, gạo, bắp... qua sông đi chợ lúc gà còn gáy. Những cô cậu học học trò, ngày hai buổi qua lại trên con đò nang giữa dòng nước bồng bềnh, gió bấc thổi ào ào làm cho đò cứ chao nghiêng, chòng chành, nước mấp mé mạng xuồng, bao phen mất hồn, hú vía. Những ngư dân ngồi trên chiếc sõng câu nhỏ trông như chiếc lá nổi trên mặt nước cứ nghiêng nghiêng trước gió. Ngày chủ nhật tôi cùng lũ bạn trong xóm thả bò ra gò, đứa nào cũng co ro trong chiếc quần cộc cuộn lên sát háng và áo mỏng phong phanh, chân mốc meo, cùng nhau tìm nhặt phân bò khô nhúm lửa rồi xúm tụm lại cho ấm, khi về nhà quần áo, tóc tai đứa nào cũng bay mùi khói phân bò ngai ngái.

Làm sao quên được những mái nhà tranh vách đất, vào mùa đông gió giật cuốn ngược đuôi tranh, có lúc tốc mái, nước thấm vách sạt lở. Đến hoàng hôn về, từng cơn gió lùa mang cái rét vào tận ngôi chùa đầu làng, nghe tiếng chuông ngân vang như cứ rưng rưng. Cái lạnh ùa vào nhà, vào bếp, vào những bữa cơm chiều của bà con ở quê, đang lúc cả nhà quây quần mâm cơm bên bếp lửa với nồi cơm thơm lựng mùi gạo giã lúa “Trì trì, Ba trăn, Ba triên...” với trách cá mòi hay cá trích kho muối tiêu, đĩa rau lang luộc chấm mắm cua đồng, đôi lúc có vài con cá rô nướng dằm nước mắm. Tối lại, bà nội bảo mẹ rang bắp nổ lúp búp rồi rưới nước mắm ớt có pha tý đường cho lũ trẻ tôi vừa ăn bắp vừa học bài đỡ buồn ngủ. Bắp rang vừa dòn dòn, vừa có vị mặn và ngọt, ngoài trời mưa bay gió dãi, tối đen như mực. Có hôm, ban ngày mẹ bưng gạo sang xay nhờ cối nhà bên đem bột về đúc bánh xèo, ngoài trời mưa tí tách cùng với những cơn gió lùa, trong nhà nghe tiếng xèo xèo của bánh vừa đổ bột lên khuôn trên cái lò đỏ lửa. Rau thơm, rau húng, khế chua chua ngọt ngọt có sẵn trong vườn, cả nhà quây quần ăn bánh xèo nóng hổi.

Dẫu ngày nay đời sống ngươi dân từ miền quê đến phố thị đã khấm khá. Nhưng ở nước ta, nhất là miền Trung, thì vẫn theo chu kỳ mưa- nắng- bão- giông- nóng- lạnh. Khác với gió nồm ngọt lịm của mùa xuân; gió tây nam nóng rát, khô hanh của mùa hạ; gió heo may- gió mà như không gió giữa thu; thì mùa đông tuy mỗi năm mức độ có khác nhau, nhưng vẫn gió bấc mưa dầm, vẫn rét mướt, vẫn là khoảng thời gian dành cho ta bao trăn trở, lo toan về những tháng ngày cuối năm khắc nghiệt, để rồi có được một mùa xuân ấm áp, đất trời quang đãng.

Dù sống ở phố thị, nhiều người có đời sống khá hơn, nhà cao cửa kín, nệm ấm chăn êm... nhưng sao khỏi chạnh lòng khi những cơn gió bấc mùa đông buốt giá làm lạnh run một tiếng rao khuya hàng rong, tiếng trở mình của kẻ không nhà trú tạm đâu đó dưới mái hiên, vỉa hè, lều chợ, sân ga... càng liên tưởng đến mùa đông gió giật, lũ dồi ở vùng sông nước làng quê. Bởi, dù ngày nay là người sống ở thị thành thì phần lớn cũng xuất xứ từ nông dân, từ đồng quê gốc rạ, nên càng có cuộc sống đủ đầy càng không thể quên ký ức một thời ở làng quê khi đông về, bấc đến.

Đã đi qua bao mùa mưa dầm gió giật, lạnh cắt da cắt thịt, tôi nhận ra dòng sông quê đã biến đổi cạn dần, bên lở bên bồi. Dù có giấu diếm những bất trắc tai ương thì mùa mưa lũ, gió bấc tràn về dòng sông cũng quặn thắt, cùng với quặn thắt lòng người dân lam lũ quê tôi để rồi sẽ có một sớm chớm xuân, những tia nắng vàng ấm áp nhảy nhót trải dài hai bờ sông, ùa vào từng ngõ ngách xóm làng, cùng với màu xanh của lúa non đang dậy thì, màu vàng của hoa cúc, hoa mai... và cả hoa cải đón xuân.

Tháng 10. 2012
Trần Duy Đức (Bình Định)



Saturday, September 28, 2013

THƠ PHỔ NHẠC: TÌNH CA MÙA THU (sáng tác của nhạc sĩ Phú Xuân)

                                                                                     
                                                                                  Nhạc sĩ Phú Xuân      
                                                                                 


Trình bày: ca sĩ Huỳnh Lợi

BÌNH DƯƠNG TRONG TÔI – Tuỳ bút Trịnh Huy

          Tôi không phải nhà văn, một tác gia hay một cây bút lớn. Tôi chì là đứa học trò. Tôi không có cái vinh hạnh sinh ra trên mảnh đất này, mà đơn thuần chỉ được lớn lên ở đây, trong vòng tay của mẹ.
          Bình Dương ư?
          Đơn giản thôi!
          Trong tôi, Bình Dương là ngày đầu tiên mẹ con tôi dắt díu nhau về đây thăm ngoại, quãng đường 25 cây số đã mòn bánh xe suốt 16 năm qua mà tôi chẳng thể nào nhớ nổi. Tôi vậy đấy, chẳng hiểu thế nào mà tôi có thể thuộc làu lịch sử của các quốc gia xa lạ, nhưng chẳng thể nào nhớ được ngày sinh nhật của mẹ mình. Vì với tôi, có lẽ… những thứ đó không quan trọng chăng???
          Trong tôi, Bình Dương là khu vườn nhà ngoại! Khu vườn nhỏ với cái hồ be bé nằm cạnh lối đi, mà có lần tôi tôi suýt ngã xuống đó. Khu vườn nhỏ của bà tôi có đầy cây cỏ, nào mít Tố nữ thơm lừng, nào sầu riêng béo ngậy, lại có chôm chôm, nhãn, xoài, mận, bưởi và cả măng cụt nữa. Khu vườn nhỏ xinh của ngoại nằm lọt thỏm trong tổng thể khu miệt vườn lớn Lái Thiêu nổi tiếng cả nước trong nhiều thập kỷ qua, với diện tích hàng ngàn héc ta. Từ lâu đã được coi như là lá phổi xanh của hàng chục triệu người dân sống ở khắp các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Nhưng lạ, giống như trong chuyện cổ tích mà bà hay kể tôi nghe, khi mụ phù thủy ác độc phù phép vào nước suối, khiến cây cối trong vườn cứ lụi dần. Tôi còn nhớ có lần cầm dao chặt phăng nhánh mít cản lối đi, mà bà đã rầu cả ngày, nay lại bị mụ phù thủy ác độc làm hại tới cỏ cây cả khu vườn, ắt là bà buồn lắm .
          Bình Dương trong tôi là chút nắng nhẹ và lá rơi giữa mùa ổi chín, khi mà tôi bắt đầu đi học. Biết bao nhiêu trò quậy phá thầy cô, biết bao lần bị phạt đứng. Ít ra trong mấy năm liền, tôi cũng có được vài đứa bạn thân cùng sẻ chia hoạn nạn, những đứa đó tôi vẫn chơi chung tới bây giờ… tuy là… có vài thứ không còn như trước.
          Bình Dương có tiếng với lễ hội Chùa Bà và món bánh bèo bì Mỹ Liên, khi mà khách thập phương đổ về dự hội, kể cả những ngày nghỉ khác hằng năm. Khỏi phải nói, lũ chúng tôi vui nhất, mừng nhất rồi, không phải vì hội hè gì, chỉ là vì giao thông hôm đó thường tắc nghẽn nên chúng tôi được nghỉ học một ngày.
          Bình Dương ư? là bà cụ cứ tầm 9 giờ sáng lại gánh thúng trái cây ra ngồi gốc cây sát tường trường Trần Quốc Toản ở Lái Thiêu. Thú thật, nhìn bà cụ, tôi chẳng rõ tóc bà bạc hay không, vì bà đội nón lá và cúi lưng quá thấp, tôi  lại nghĩ tới cảnh bà tôi, mẹ tôi… vào độ tuổi đó thì sẽ thế nào!!! Mỗi sáng đi học, tôi đều thấy có một cụ ông và một cụ bà, ông ngồi xe lăn còn bà đẩy phía sau, họ cầm trên tay tập vé số và mặt họ ánh lên nụ cười, luôn luôn là như vậy …
          Bình Dương là những ngày mùa mưa lạnh tôi ngồi co mình trên hiên nhà, dù có thể vào trong được, nhưng tôi vẫn thích ngồi ngoài hiên, cốt chỉ để đợi chị bán bắp xào đi ngang qua… Cảm giác chút chút gì nóng len lỏi vào trong cơ thể sau cơn lạnh, khiến cho tôi cảm thấy có phần khoan khoái hơn thì phải… Đó cũng là lí do tôi thích uống sữa nóng hay trà nóng sau khi cố tình dầm mưa …
          Bình Dương lại là những hôm bão, mưa lớn. Quanh năm suốt tháng không rời miền Nam ấm áp, thật tình đây là lần đầu tiên tôi biết bão là thế nào. Gắng gượng lắm tôi mới ra khỏi quãng hương lộ vừa mới xây, trong khi gió và mưa cứ liên tục quất vào mặt và cản chiếc xe của tôi lại. Khu tôi ở cúp điện, cả ba mẹ con thu mình bên ngọn đèn cầy le lói gió… thu mình… thu mình …
          Bình Dương là những tòa nhà chọc trời mới xây ở Thành phố mới, kéo theo bao khát vọng của người dân nơi đây, cũng như người dân xứ lạ. Càng lúc càng dày các khu công nghiệp, hy vọng kinh tế – xã hội Bình Dương sẽ không ngừng phát triển, nếu chúng ta biết xây dưng và bảo vệ. Ngược lại thì hàng ngàn héc ta miệt vườn cây trái Lái Thiêu, trong đó có khu vườn nhỏ xinh của bà tôi sẽ dần tàn lụi, bởi lẽ tôi biết: Mụ phù thủy ác độc lẩn trốn trong ống khói, ống xả của những nhà máy kia! Thế mà tôi nghĩ lâu đài hắc ám của mụ phải to hơn, lớn hơn và không luồn cúi như thế!
          Bình Dương là ngày 8-3 vừa rồi, tôi vịn tay mẹ lại… nhưng không thể thốt thành lời: Con yêu Mẹ… và để câu nói ấy lịm dần… rồi tan vào quên lãng…
          Bình Dương là nắng ấm tình người…
          Bình Dương là mưa chan hạnh phúc…
          Bình Dương là ngọn lửa yêu thương…
          Bình Dương là màu xanh hoa trái…
          Bình Dương là hoa văn gốm sứ…
          Bình Dương là cá hóa thành rồng…

          Nhưng trong tôi, Bình Dương là Mẹ!

 Trịnh Huy
( Lớp 10D, trường PTTH Trịnh Hoài Đức, Bình Dương)

          

TRANG THƠ CHỦ NHẬT: SAO TRÁI TIM MÌNH CỨ RỐI TUNG – Thơ Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan)


1.
hôm qua mộng thấy tôi cười
nửa vành nguyệt rạn bước lùi hiên sau
thấy mùa thu cánh lá nâu
lá rơi nhiều 
chỉ một màu riêng tư…

hôm qua mộng thấy tôi như
loã thể 
đứng
tay ôm khư 
hình hài

ôi trăm tiếng
đợt thở dài...

 2.
đau thân co quắp hình thù
ngó con gián nọ bay vù vào trưa
ngó băn khoăn, ngó lọc lừa
ngó điều không thực có thừa nỗi oan
(nghĩ mình con mắt lăng loàn)

 3.
làm sao tỏ rõ nguồn cơn
nghe ra trăm khúc sông lòng chạy quanh
buồn len vào trang thơ anh
cứ theo người nhé âm thầm làm đuôi
còn ta…
chết tự nào rồi!

 4.
em dỗi hờn em tự cao
vui buồn vì những chuyện không đâu
như mưa như nắng như mây gió...
một thoáng rồi qua đi rất mau


vẫn viết hoài lời thơ nhớ nhung
mơ hồ một cõi những mông lung
cho em, cho cả đời trăm mắt
sao trái tim mình cứ rối tung


Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan)





THƠ PHỔ NHẠC: BÀI KHÔNG TÊN NGÀY XƯA (thơ Nguyễn Hữu Duyên, nhạc Phạm Minh Thuận)


+ Nhạc sĩ Phạm Minh Thuận (ảnh trên) trình bày ca khúc Bài không tên ngày xưa trong buổi họp mặt kỷ niệm 2 năm Ngày thành lập Hương Quê Nhà tại Cà phê Vista, Ngã Tư Bình Hoà, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngày 22.09.2013.

SÁCH BẠN VĂN TẶNG HƯƠNG QUÊ NHÀ



Friday, September 27, 2013

SỰ ĐƠN GIẢN THƯỜNG NGÀY – Thơ Hồ Thanh Ngân


Ta có phải như con bổ củi
          Lập trình chỉ có gật đầu
          Trước cuộc sống, trước nghịch cảnh
          Trước áp lực, trước trớ trêu

          Có phải chỉ có gật không?
          Hay lắc! trước những cám dỗ
          Trước những đổi thay
          Trước cái cũ tầm thường, trước cái mới vô nghĩa

          Ly trà sóng sánh khói mỗi ban mai
          Điếu thuốc lập lòe góc khuất tối
          Thản nhiên hay dửng dưng điều có lỗi
          Phần mềm phải là chính tôi.


Hồ Thanh Ngân (Cà Mau)

VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC TIỂU LUẬN ĐỒNG CẢM VĂN CHƯƠNG CỦA LÊ BÁ DUY – Bài của Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoà


           Nhà thơ- nhà giáo Lê Bá Duy là một cái tên không còn quá xa lạ với những người yêu văn chương nước nhà. Phải khẳng định một điều rằng anh là người có nhiều tâm huyết và nặng nợ với văn chương, nguyên là người sáng lập và là chủ trang vanthoviet.com- một trang điện tử được nhiều người yêu mến, quan tâm, cộng tác. Dù mới hoạt động từ năm 2010 nhưng đến 12. 2012 đã có hơn 9 triệu lượt người truy cập. Có lẽ tình yêu và duyên nợ với văn chương đã thấm vào anh, vào từng hơi thở, vào trong huyết mạch mà anh không thể nào xa nó. Mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng hàng ngày anh vẫn dành khá nhiều thời gian cho văn chương, cho bạn văn của mình. Trong vai trò chủ trang vanthoviet anh phải liên tục cập nhật để biên tập và đăng bài. Và cũng vì lẽ đó mà anh có dịp tiếp xúc, được đọc, được biết nhiều tác phẩm và tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Vốn là một con người tinh tế, nhạy cảm và có năng khiếu với văn chương; Lê Bá Duy phát hiện và tìm thấy trong những tác phẩm của thi hữu, văn hữu của mình nhiều cái hay, cái độc đáo và hấp dẫn. Anh nhìn nhận, mổ xẻ nó dưới con mắt của một nhà thơ, một nhà văn, đồng thời là cái nhìn của người viết lý luận phê bình. Đọc những bài nhận định, những bài cảm nhận, phê bình của anh ta thấy rõ được điều đó.
Đồng cảm văn chương là cuốn Tiểu luận tập hợp 48 bài nhận định, đánh giá của Lê Bá Duy. Chừng ấy bài trong tập này cũng đủ cho thấy sự lao động nghệ thuật cần mẫn, tỉ mỉ, sự cẩn trọng và yêu thích văn chương của anh như thế nào.
Là người sáng tác, hơn ai hết anh hiểu được cái nhọc nhằn, vất vả, sự lao tâm khổ tứ đối với nghiệp cầm bút. Sáng tác đã khó, làm ra được đứa con tinh thần của mình làm sao nó sống được với thời gian, nó trụ lại trong lòng người đọc, được người đọc chấp nhận là điều không phải người nghệ sĩ nào cũng làm được. Với người viết phê bình chân chính để đánh giá tác phẩm của người khác cũng không phải là điều đơn giản. Vì sao vậy? Để chỉ ra cái hay, cái dở của tác phẩm đòi hỏi anh phải đọc, phải biết, phải hiểu và phát hiện ra tại sao nó hay, tại sao nó dở, nó chưa đạt ở những điểm nào, khía cạnh nào … Do vậy khi nhận định, đánh giá tác phẩm của người khác thì người viết không thể đọc một cách hời hợt, phán bừa phán ẩu theo cảm tính mà phải đọc tác phẩm, tìm hiểu khá kỹ về tác giả, và những gì có liên quan. Lê Bá Duy là người có nhiều ưu thế, vì anh là người có năng khiếu văn chương vừa làm thơ, vừa viết văn và cả viết lý luận phê bình nữa. Cho nên hơn ai hết, anh ý thức sâu sắc những yêu cầu, phẩm chất, điều kiện… của người làm nghiên cứu văn chương cần phải có.
Trong lúc nhiều người đang quay lưng lại văn chương, người ta đang tự ca tụng những điều viển vong, hư ảo thì anh lại tìm đến nó như một sự trải lòng. Ngoài việc làm thơ, viết văn, anh không tiếc thời gian và công sức, anh đam mê tìm tòi, chịu khó đọc và đưa ra  những nhận định khá thú vị và xác đáng về những bài thơ, tập thơ, các tác phẩm văn xuôi của nhiều tác giả. Vì vậy, nhìn chung tập tiểu luận này của anh là tập sách có giá trị về mặt văn chương và học thuật
Lê Bá Duy là người có một vốn từ ngữ giàu có, sử dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt, nhận định- bình giá khá kỹ lưỡng, nhiều chỗ sâu sắc và có nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo.
Chẳng hạn một đoạn ngắn của anh bình bài thơ Làng tôi đất bán sạch rồi của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn: " … Cái kết của bài thơ chỉ hai câu: "Bàng hoàng nắng quái chiều hôm/ Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn …”. Còn phảng phất, mà đúng hơn là nỗi bàng hoàng đến độ không ngờ trước sự thay đổi; tiếc nuối về hình ảnh làng quê yên bình thơ mộng cùng hình ảnh con trâu, cái cày, những câu hò vang vọng, nhường cho tiếng nhạc xập xình, những tiếng xe chạy nhức óc, xả khói và bụi trên cái không gian vốn yên tĩnh ngày xưa.
Sự hoài niệm và tiếc nuối của bao người nông dân được Thanh Trắc Nguyễn Văn nói bằng những hình ảnh rất thơ, qua lối diễn đạt giàu cảm xúc bằng thể lục bát đã để lại trong tôi những suy nghĩ, những trăn trở như tác giả đã từng trăn trở. Biết rằng sự vận động của quy luật, của xã hội; biết rằng đổi mới nông thôn lên thành phố có thể là điều đáng vui, đáng mừng, nhưng dẫu sao con người ta vẫn thấy xót xa tiếc nuối, thấy như hụt hẫng thiếu vắng một cái gì đó đã ngấm vào máu thịt của người nông dân tự bao đời nay!.
Hay một đoạn khác trong bài bình Nhớ về cô giáo cũ của Phạm Ngọc Thái: "Cô giáo ngày xưa "thôi không còn lên lớp nữa” gợi người đọc một liên tưởng đa chiều. Cô đi đâu trong cõi người? Hay cô đã đi xa? Cô về hưu? Hay cô … Mà thôi, "cô không còn lên lớp nữa” là quy luật. Quy luật muôn đời của thời gian. Cậu học trò của cô ngày xưa đã đi vào cuộc chiến. Cuộc chiến vĩ đại của một dân tộc kiên cường chống giặc ngoại xâm, giờ đã trở thành nhà thơ. Nhưng vẫn đau đáu xót xa oằn rơi giọt lệ khi "sương trên mái tóc cô rơi xuống đầu em …”. Đời người ngỡ như một giấc mơ. Mới nghe tưởng chừng vô lý, ngẫm lại có lý. Bạn đọc cứ nhìn lại xem, nhìn lại chặng đường đời đi qua, ta thấy ngắn ngủi vô cùng
Nhìn chung, đọc tập sách này tôi có nhiều thiện cảm, được đọc nhiều bài, nhiều đoạn viết khá chặt chẽ, phân tích, lý giải thấu tình đạt lý, khơi gợi nhiều xúc cảm từ nơi người đọc.
Tôi rất thích cách anh bình bài thơ Ráng chiều của Nguyễn Kim Huy, đó là cách bình ngắn gọn, súc tích nhưng giàu tính phát hiện: "Trong khí quyển có gì nhiều sắc thái và biến đổi nhanh bằng thời tiết? Còn trong đời thường có lẽ phụ nữ được coi là sự hội tụ của những rắc rối đáng yêu. Từng yêu thương và cả chiêm nghiệm, nhà thơ Nguyễn Kim Huy đã viết: "Em lơ lửng tựa ráng chiều/ Ẩn trong sắc đỏ vẫn nhiều bão giông/ Lòng anh nghiêng một cánh đồng/ Mưa rào xanh biếc bão giông úa sầu”.
Câu thơ âu yếm và nâng niu "Em lơ lửng tựa ráng chiều”. Gần mà xa, gần trong mắt nhưng chấp chới ngoài tầm tay. Em đẹp mong manh biến ảo như ráng chiều. Từ ngàn xưa người ta đã nhìn ráng chiều để đoán thời tiết và em cũng lửng lơ trong cuộc đời ta để dự báo cho ta về số phận. Người ta có thể so sánh người với nhiều sự vật nhưng một khi đặt người yêu lên cao cùng với bầu trời thì có lẽ vị trí người yêu cũng cao như vậy. Câu thơ như có tiếng vọng từ hình ảnh đẹp: Yêu em ta chỉ là mặt đất theo dõi bầu trời chấp nhận bão giông để chờ đợi "cơn mưa rào xanh biếc”. Đọc câu thơ thứ ba "Lòng anh nghiêng một cánh đồng” tôi thấy nao nao bởi hồn thơ chân thật và tình yêu mãnh liệt quá. Có gì thật và ấm bằng đồng lúa? Và em bây giờ không chỉ là dự báo "ẩn trong sắc đỏ” nữa mà sẽ quyết định số phận của cánh đồng anh. Chỉ cần em giận không mưa, anh sẽ khô héo, nếu em hờn khóc anh sẽ ngập úng cho xem. Hai hình ảnh thơ đã nâng sự so sánh thành khát khao hòa nhập. Anh và em như đất và trời. Cái ráng đỏ xa xôi yêu kiều ấy lại là nơi chứa đựng nhiều bão giông. Nhưng sẽ ra sao nếu mặt đất không còn mưa giông sấm chớp? Đến với em lòng anh tách thành hai nửa. Một mưa rào "xanh biếc”; hai bão giông "úa sầu”. Hai hình ảnh khép lại bài thơ đẹp như mỗi lòng người đang yêu: sẵn sàng đón nhận từ phía tình yêu dù đó là ngọt hay đắng, bình yên hay giông bão …
Ở đời này cần lắm những tình yêu như thế!”.
Tôi đánh giá rất cao những bài viết kiểu như thế này. Bởi Lê Bá Duy đã có cái nhìn rất tinh tế, phát hiện ra những điều mới mẻ mà có khi chính người sản sinh ra những đứa con tinh thần ấy chưa chắc đã nghĩ đến được như vậy.
Người đọc cũng có thể tìm thấy nhiều bài viết khá công phu, viết rất chắc tay của anh như: Đứa con sống sót của Nguyễn Huệ trong "Tây Sơn Ai Tư Vãn Truyện” của Vũ Đình Ninh, Hoa Tâm trong "Hương đời quê mẹ”, "Hỏi lại chính mình”- Tập truyện giàu triết lý nhân văn, Vị đắng thời gian, "Trong mắt em”- Một tình yêu nhân bản …
Để có được tập Tiểu luận này, nhà thơ – nhà giáo Lê Bá Duy phải đọc rất nhiều, rất kỹ không chỉ những bài thơ- tập thơ được anh bình giá, nhận định mà anh còn đọc rất nhiều những tác phẩm khác, tài liệu khác; cộng với năng khiếu và vốn kiến thức được anh tích lũy lâu nay.  Đọc như thế, anh mới có đủ những căn cứ, lý lẽ để viết được bài cảm nhận hay như vậy.
Đọc những bài viết của Lê Bá Duy trong Đồng cảm văn chươngcũng là cách để chúng ta  đi vào thế giới thơ, thế giới truyện, đi vào khám phá những cung bậc khác nhau của tình yêu và sự sống. Người đọc sẽ thấy ở đó những cái hay, cái đẹp, cái kỳ diệu của văn chương. Tất cả những gì của cuộc đời này cũng đều được chuyển tải, gửi gắm qua thơ bằng những cách thức diễn đạt khác nhau thông qua hình ảnh, ngôn ngữ, các biện pháp nghệ thuật. Đây cũng là dịp để chúng ta biết thêm được nhiều bài thơ hay và những tập thơ có giá trị. Độc giả có thêm một cách nhìn mới về sự cảm thụ, phân tích, bình giá thơ.
Đồng cảm văn chương là một cuốn tiểu luận mà độc giả - những người yêu thích văn chương và các em học sinh, sinh viên  nên tìm đọc. Ở đó, chúng ta sẽ thấy được giá trị đích thực của văn chương. Bằng vốn hiểu biết và sự trải nghiệm của cuộc đời, Lê Bá Duy đã có một cách viết khá sâu sắc về những vấn đề thế sự nhân sinh. Vấn đề tình cảm, những mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình bạn, vấn đề đạo và đời được anh mổ xẻ dưới những khía cạnh, góc nhìn khác thông qua thơ và các tác phẩm văn xuôi của những tác giả khác nhau. Đây không phải là điều đơn giản mà ai khi cảm nhận, thẩm thấu tác phẩm văn chương cũng chỉ ra được.
                                                                                                                    Phú Yên, 8. 2013
Nguyễn Văn Hòa