Thursday, October 31, 2013

Thursday, October 17, 2013

VIẾT Ở QUÁN QUEN - Thơ Vĩnh Thông



Tặng Nguyễn Ngọc Đặng, Huỳnh Ngọc Phước

Có nỗi buồn xa lắc phía cuối sông
Có niềm vui chạm bãi bờ hửng nắng
Ta lạc em giữa bến chiều áo trắng
Vòng nhân gian quá rộng để đợi chờ.

Có màu hoa mất hút giữa vườn đêm
Để nụ gió chờn vờn không điểm trú
Ta tìm em giữa con đường thu cũ
Chốn hẹn hò quen lạ lẫm nhau rồi.

Chốn hẹn hò xưa làm cho ta vui
Chút ký ức cuối mùa như mây khói
Mỏng mảnh quá, xin đừng rời ta vội
Giữ giùm nhau một cõi nhớ xa vời.

Bình Thủy, 3.8.2013
 Vĩnh Thông (An Giang)

TRÍCH TIỂU THUYẾT “LẦN ĐẦU THẤY TRĂNG” CỦA VÕ DIỆU THANH



Chương 20  

-   Tại bà chằng mỏng mép. Cũng tại tao một phần. Nhưng ông thầy nghỉ dạy là may đời ổng.  Tới giờ mấy ổng còn nhắc tên tao hả.
-  Nhắc một lần, bữa già Hai nói vụ cô giáo Hoàng dạy bạt mạng có nhắc tới thầy Minh.
-  Tao nổi tiếng quá hén. Mà mày cũng không vừa. Tao cũng biết tên mày.
- Sao ông biết?
- Tao để ý.                                 
- Để ý chi vậy.
- Đặng … Mà sao mày buồn hiu vậy.
- Chán quá. Sạch túi rồi. Chiều lấy tiền đâu mà trả cho thầu.
- Nhiêu?
- Năm trăm ngàn.
- Mày muốn trả hết nợ liền hông?
- Khùng hả. Trả hết nợ ai mà không muốn?
- Vậy mày theo tao, có tiền trả nợ mà còn dư để xài xả láng nữa.
- Làm gì?
- Nhẹ hều hà.
- Nhẹ cỡ cọc vé số này không.
-  Nhẹ hơn, là bán trinh đó.
- Là bán gì?
- Là bán cái này lần đầu- Anh ta chỉ vào chỗ cấm kỵ- Mà mày có làm vụ đó với ai chưa?
- Vụ đó là vụ gì?
-Là người đàn ông, đàn bà ấy ấy… như vợ chồng.
- Biết rồi, giống trong phim chớ gì. 
Có lần bán ế ghé quán coi tôi có thấy. Mà toàn mấy người đẹp làm vụ đó không hà. Bán vé số đen thui ai thèm.
- Vậy có người mua mày bán không?
- Mà được cỡ nhiêu.
 - Đen như mày thì năm… à bốn triệu. Nhưng phải đảm bảo còn gin à. Nếu không bị thường đó nghe.
Tôi không biết thế nào là gin. Chỉ biết hồi nào tới giờ chưa biết vụ đó. Tôi có nghe nói mấy đứa học trò cỡ tôi cặp kè nhau kiếm chỗ làm vậy vậy. Có khi tụi nó làm trong lớp học những buổi không người. Một lần ông bảo vệ bắt được tại trận, la um sùm. Nhưng tôi thì không sánh như tụi nó. Tụi con gái còn đi học, nhìn đứa nào cũng ăn dọn, dưỡng da, tắm trắng tươi tắn, duyên dáng như mấy diễn viên trong phim. Hễ nữ diễn viên trong phim để tóc kiểu gì, tụi nó để y kiểu đó. Mười bốn mười lăm như tôi, kem dưỡng da đã phủ đầy từ tóc tới gót chân. Nhìn tụi nó vậy con thằng trai thằng nào hổng thèm. Nhìn tôi chỉ có mấy thằng xỉn mới muốn đè. Có một lần đi bán, gặp một thằng  xỉn  chặn đường kiếm chuyện. Nhưng tôi mà sợ cái thằng khùng đó sao. Tôi bóp… một cái, nó trợn tròng rồi bỏ chạy. Tôi không ưa bọn con trai. Có lẽ vì vậy bọn nó cũng không ưa tôi. Hễ gặp tụi nó, xắn tay áo đánh lộn thì tôi làm. Còn chuyện khác thì không đời nào.
  Tôi nói vậy thì được. Bốn triệu dư trả tiền vé số cho mấy đại lý. Nhưng mà người nào lại chịu một con nhỏ đen đúa dơ dáy như tôi? Có phải là một thằng say không? Hay là một thằng khùng?
- Không. Hiền lắm.
 Hỏi vậy thôi. Khùng cũng được. Đằng nào cũng xấu đui ai mà cưới. Ai lỡ có muốn, thấy cái ông già tía tôi, tối ngày ôm chai rượu đi xà quênh xà quang, nói tục nói tĩu, rồi một bầy em nheo nhóc giỏi nghề giả tật nguyền ăn xin. Có nước họ vắt cổ lên giò hay là vắt giò lên cổ chạy không kịp thở.
Chiều đó Đực đưa trước cho tôi năm trăm ngàn.

Người tôi gặp là một ông già bảy mươi. Nghe nói ông ta có một đại lý nước đá bự. Cháu nội cháu ngoại có bầy. Nhiều tiền trong túi, cũng muốn chơi bời nhưng sợ si đa. Nghe vụ mua trinh mà con nhỏ mới mười lăm cũng ham. Ngoài ham vụ lạ còn ham vụ hên. Nghe đồn mấy ông buôn bán hễ phá được một con nhỏ còn nguyên thì buôn đâu trúng đó. Chắc cái ông nước đá này mong là sau khi phá nát đời con gái của tôi rồi thì làm gì trúng đó, mua số trúng số. Hay là sau đó trời sẽ nắng quanh năm suốt tháng. Để nước đá ông bán không kịp thở. Nước đá bọt, nước đá bọng, nước đá có lợn cợn mấy chiếc dép, mấy quần xi líp người ta cũng giành nhau mua rồi ực ào ào.  Ông trời nào mà độ ác nhơn vậy không biết. 
Ổng cũng hiền chỉ có điều da nhăn hết trơn. Nhưng ổng không hiền chút nào khi lột quần ra.  
Lúc nhận lời bán tôi tưởng dễ dàng lắm. Nhưng nhìn từ đầu tới chân ông ta, tôi không tài nào tới gần được. Nhất là nhìn thấy cái thứ… mà tôi không quen nhìn. Tôi từng có coi một số phim, thấy họ ôm nhau, cắn nhau nhưng tôi như quên mất người ta muốn làm chuyện đó với nhau thì phải lột ra và phải thấy hết. Tôi không mắc cỡ. Nhưng, phải nhìn nó thật sao? Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó là của một thằng khùng. Nó ở trần trùi trụi đi nhong nhỏng ngoài đường. Nó đi sát bên tôi. Tôi tưởng một người muốn mua vé số. Khi quay lại tôi thấy nó cận cảnh, nguyên con. Tôi nghĩ chúng nó giống y nhau.   Tôi không nhìn tới ông ta.
Ông ta lại nhắc tới bốn triệu. Một con số lớn đối với tôi. Giờ chỉ cần tôi nhắm mắt chút xíu thôi sẽ có bốn triệu. Còn bỏ ra ngoài thì lấy gì trả nợ.
Nhưng ông ta không muốn tôi nhắm mắt. Ông ta buộc tôi phải  nhìn. Đó là cái tật của ông ta. Nếu người đàn bà trước mặt không nhìn nó, nó buồn, nó ngủ…  Chưa nhìn được một phút tôi đã muốn ói. Có ai đó thấy sợ dơ mà còn phải cho tay mình thọc sâu là một đám phân thối tha. Mắt mình nhìn thấy nó tràn trên da thịt. Nó không làm mình đau nhưng có thể làm mình nôn mửa. Nhưng lần này thì không phải là thọc tay vào một đống phân mà là người ta đổ phân vào miệng, biểu  nhai, biểu nuốt. Còn không thể ói được thì lại bị ai đó lại lòn tay vào, cầm miếng thịt bên trong người, ngắt, tước, bứt, xé. Ngấu nghiến cào cấu. Như đang trút căm thù, trút oán hờn. Tôi rùng mình, tôi kinh hãi… Buông ra. Tôi không cần tiền. Mấy triệu cũng không cần… Nhưng tôi chỉ kịp hét lên một tiếng. Gương mặt ông ta kê sát mặt tôi, ghì sát vào tôi, chết trên tôi. Nhìn như một mảng da gốc me nước già. Đầy những lớp sần sùi tróc lở…
Tôi cầm bốn triệu và thề sẽ không bán trinh nữa, nhất là bán cho cái thằng già nước đá. Thằng Đực cười mắc chết. Mày bán sạch bách còn đâu nữa mà bán. Những lần sau ít tiền hơn nhưng sẽ không đau như vậy.
Tôi không cần biết là đau hay không. Tôi sẽ không bán nữa. Tôi đã trả nợ xong rồi. Tôi sẽ bán vé số tiếp, hay kiếm gì đó làm.

Võ Diệu Thanh (An Giang)



CỐ HƯƠNG ƠI! – Thơ Nguyễn Thái Huy



XIN LẠI MỘT THỜI

Ráng chiều chưa tím cuối thôn
Mà sao sương khói đầu cồn mãi bay
Gió thu lành lạnh vai gầy
Để đôi mắt ướt cay cay mất rồi
Cố hương ơi - chốn xa vời 
Cho tôi xin lại một thời bình yên!

GIẬN MÌNH

Đêm qua mưa suốt, trời thêm gió
Nên nước ngoài sông lại dâng đầy
Chẳng biết quê nhà nơi xóm nhỏ
Mẹ già côi cút sống sao đây
Giận mình không thể làm chi được
Ai hiểu giùm cho một chút này.


Nguyễn Thái Huy (Huế)

GỬI CHA YÊU - Tùy bút Nguyễn Thị Chi


Nguyễn Thị Chi
Sinh năm 1991
Quê quán: Phú Yên
Năm lớp 9 và năm lớp 12, em đã đạt được giải nhì "Học sinh giỏi văn cấp tỉnh"
Hiện đang làm việc tại Bình Dương

Lời giới thiệu của Đào Văn Đạt: Vô tình tôi gặp được Nguyễn Thị Chi trong bộn bề công việc. Chi đang làm thư ký tại một trung tâm Hoa Ngữ. Chi yêu văn chương như yêu cuộc sống của chính mình. Em rất thích viết nhưng có lẽ vì chưa tiếp cận được nhiều nên còn hơi rụt rè. Thế nhưng em vẫn âm thầm viết để trải lòng mình những cảm xúc rất thật. Đọc những bài tùy bút của Chi tôi nhận ra nơi cô bé nhỏ nhắn này có cả một tâm hồn lãng mạn và đầy nghị lực. (ĐVĐ)





Cha ơi,
          Có lẽ nào con có còn là con gái của cha nữa không, có lẽ nào mọi người cha cao thượng và giàu đức hi sinh lại có một người con ngang ngạnh, ương bướng như con? Năm nay con mười tám tuổi, nghĩa là mười tám năm trước con sống đều nhờ vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ. Mười tám năm rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, lớp bụi gió sương đã làm cho mái tóc cha thêm bạc mà con nào có biết? Cuộc sống mưu sinh đã ngăn hai cha con mình thành hai thế giới khác nhau. Ở đó, con chỉ biết học và gọi thầm "cha" trong những giấc ngủ. Con chẳng hề nghĩ gì tới nỗi lo toan, vất vả đằng sau những đồng tiền mà cha kiếm được từ chính mồ hôi, nước mắt của cha để nuôi con ăn học.
          Chỉ vì con, hằng ngày cha phải lặn lội dưới bùn để mày mò từ con ốc, con cua. Ngày nắng cũng như ngày mưa cha đều xách trên tay cái giỏ với đôi chân đen sạm vì nắng, vì gió. Đôi lúc con đâm ra chán ghét cái nghèo vì nó làm cha khổ mà con cũng khổ theo. Con biết lúc đó nhà ta còn khó khăn nhiếu lắm.
          Có những lúc con quá vô tư mà không nhận ra nỗi vất vả sớm hôm của cha. Và những lúc con trót vô lễ với cha. Cha giận con nhiều lắm. Bênh vực cho con, thế là cha mẹ cãi vã nhau. Rồi tình cảm cha mẹ bị tổn thương. Đã có lúc con nghĩ giá như cha mẹ đừng sinh con ra trên cõi đời này thì mọi chuyện đã không như thế! Nhưng con đã sai và sai rất nhiều.Với cha, con là niềm hạnh phúc vô bờ. Vậy mà hạnh phúc đó lại được đáp đền bằng sự bất hiều và vô lễ của con.
          Từ trước tới giờ con chưa từng ngồi tâm sự với cha. Tình cảm cha con cũng vì thế mà ngày càng xa cách. Mười tám năm trôi qua, sương gió càng làm gầy đi thân xác gầy guộc của cha vậy mà con chưa một lần nhổ cho cha một sợi tóc sâu nào cả.
Con thật đáng trách phải không cha?
          Hôm trước vì giận con mà cha đã đập vỡ cái bình, kỉ vật quý nhất mà ông nội đã để lại cho cha. Cha đập nó vì không nỡ đánh con, cha đành trút giận lên nó. Cái bình mà cha vẫn luôn yêu quí và dùng nó để uống trà mỗi ngày. Nhìn những mảnh vỡ tung tóe khắp nơi, dòng nước mắt của con đã rưng rưng chảy. Nó chảy vì lần đầu tiên con cảm nhận được sự yêu thương của cha và lỗi lầm của mình. Con khóc vì lần đầu tiên con nhận ra con cũng biết xúc động chứ không phải là một đứa con gái ngang ngạnh, ương bướng như trước kia.
          Cha ơi!
          Con rất mong nhận được sự tha thứ nhưng con không đủ can đảm để thốt ra những lời xin lỗi. Bởi lẽ đứng trước cha, con thấy mình thật nhỏ bé và ích kỉ. Giờ đây con mới hiểu được rằng cái nghề nông quí giá đến chừng nào! Khi chính cha đã làm nên hạt gạo nuôi con khôn lớn. Mỗi hạt giống cha gieo là một niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của con mình. Cha ơi, con yêu cha nhiều lắm!

Nguyễn Thị Chi (Bình Dương)



CHÙM THƠ DÂNG LÊN ĐẠI TƯỚNG




NGƯỜI HÓA VÀO LINH THIÊNG SÔNG NÚI – Thơ Nguyễn Thuý Quỳnh
 
(Một nén tâm nhang kính tiễn Đại tướng)

Xin đừng khóc, để Người bay thanh thản
Người giã biệt chúng ta về cõi Bác thôi mà
Cây Nhân -Trí - Dũng một đời Người vun xới
Đã vươn cành tỏa nắng đến muôn xa

Dân tộc có Người, sử xanh thành huyền thoại
Nhân loại có Người lừng lẫy một Tướng quân
Tên Người hóa vào linh thiêng sông núi
Dựng vĩnh cửu tượng đài ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN! 

N.T.Q     

                  
                        
 TÊN TUỔI NGƯỜI VĨNH VIỄN VỚI NON SÔNG – Thơ Nguyễn Xuân Tư                                          

 Kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

              Trong biển người viếng Đại tướng tên “Văn”
              Muôn triệu con tim xích gần nhau lại
              Trước anh linh vị tướng tài huyền thoại
              Suốt cuộc đời vì nước, quên thân

              Người trở thành tượng đài tạc giữa lòng dân
              Bình dị, khiêm nhường mà vô cùng vĩ đại
              Đức, Trí, Dũng, Mưu và giàu lòng Nhân ái
              Trước vận mệnh dân tộc mình luôn vững chãi niềm tin

              Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 
              Người ra đi nhân loại nghiêng mình đưa tiễn
              Nơi Người nằm dạt dào sóng biển   
              Tên tuổi Người vĩnh viễn với non sông.

              Quảng Bình đêm 13/10/2013    
                  N.X.T
                                                                          

THƠ TIỄN ĐƯA NGƯỜI – Thơ Phạm Trung Tín

Khi vận nước suy  - cần và có anh hùng hào kiệt
Hồ Chí Minh anh minh trao kiếm báu đúng người
Đúc kết tinh hoa Hưng Đạo Vương - Quang Trung - Lê Lợi
Dựng nước Việt ngoan cường vững thế kỷ hai mươi.

Tổng Tư Lệnh  Võ Nguyên Giáp tài ba thao lược
Dưới cờ Đảng quang vinh lập kỳ tích Điện Biên Phủ lẫy lừng
Thực dân Pháp cúi đầu ký hiệp định Giơnevơ lịch sử…
Lầu Năm Góc bàng hoàng: Ba mươi tháng tư -  đại thắng vẻ vang.

Đất nước thêm một lần  khóc, đại “Hồng tang”
Lay động nhân tâm sau bốn mươi ba năm Hồ Chí Minh vĩnh biệt
Võ công tâm đức Đại tướng mãi ngàn sau bất diệt
Ta tiễn đưa người, cõi vĩnh hằng, sáng mãi giữa ngàn sao.
                                
TP. HCM, 8/10/2013.

P.T.T

THƠ PHỔ NHẠC: MẸ TÔI (thơ Phạm Bá Nhơn, nhạc Nguyễn Phú Yên)

Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên