Wednesday, October 9, 2013

NGƯỜI NGOÀI CUỘC - Truyện ngắn Đào Văn Đạt

                                                  Đào Văn Đạt

      Uống với mấy thằng bạn có vài ly, vậy mà về nhà nằm không yên với gia đình. Ông già đi ngang phòng thấy tôi nằm dật nằm dựa lại cằn nhằn: “Suốt ngày cứ nhậu nhẹt, già cái đầu rồi mà không biết lo gì hết!”. Má tôi thở dài than thân trách phận: “Thiệt là khổ, gia tài có hai thằng con trai. Thằng anh nó hiền hậu bao nhiêu thì nó là thằng phá nhà phá cửa bấy nhiêu. Buồn một chút là bỏ nhà đi bụi, rầy la riết mà chứng nào tật nấy, sao nó không biết học thằng anh nó để nên người”. Nghe có chịu nổi không? Đi chơi vài ngày với bạn bè mà nói là đi bụi. Thiệt, má tôi sao hay nói oan cho con trai mình quá trời. Nhỏ Út nghe vậy xía vô vài câu nịnh anh Hai nghe mà phát tức. Tôi bật dậy ra khỏi phòng, đóng cửa cái rầm, bỏ đi thụt bida.
     Thà là mắng chửi tôi cỡ nào cũng chịu, chứ đừng đem cái gương anh Hai ra mà dọa tôi, không ăn thua gì đâu. Dưới mắt gia đình, anh Hai tôi một cũng tốt, mà hai cũng tốt. Không phải gì riêng tôi mà cả cái xóm này mỗi khi mắng chửi con cái người ta thường lấy gương của anh Hai tôi ra mà dạy con. Lần nào nghe bà Mười nhà bên dạy thằng Tí bằng cách đó tôi ngồi cười mũi một mình rồi vội đứng dậy đi khỏi nhà để đừng nghe những lời so sánh vô lý ấy. Ừ, mà xét cho cùng thì ông anh tôi cũng tốt thiệt. Đã gần ba mươi rồi mà đêm đêm không bao giờ thấy anh đi “quạt” gái, trà không uống rượu không chơi, suốt ngày chỉ thấy anh làm với làm. Gái công nhân các nơi tụ về đây ở trọ đi làm, đông thấy mà phát ham, vậy mà chưa bao giờ thấy ông anh tôi ghẹo một tiếng. Nhất là mấy đứa miền Tây, thấy anh Hai tôi đẹp trai có đứa dạn dĩ mở lời ong bướm. Tôi mà được cô nào mở lời trước như vậy kể như cô gái ấy xấu số. Vậy mà ông anh tôi mặt đỏ như trái gấc vội chạy vào nhà mở sách ra đọc. Tôi biết, chỉ mở cuốn sách trước mặt để che đi nỗi lúng túng chứ đọc được gì trong tình huống này. Kinh nghiệm trong tình trường tôi rành quá mà, ai biểu không hỏi thằng em này chỉ cho vài chiêu. Mà ví dụ, có một ngày đẹp trời nào đó ông anh quí hoá hỏi tôi về kinh nghiệm chinh phục con gái tôi cũng không bao giờ truyền đạt, cho bỏ ghét những ngày làm thầy bất đắc dĩ của tôi.
          Ra đường tôi là người có đầy bản lĩnh trước bạn bè cùng lứa, bao giờ cũng ra tay nghĩa hiệp với những kẻ yếu thế. Vậy mà, về đến nhà tôi liền trở thành đứa không ra gì, ăn rồi chỉ biết phá. Hôm nay, sau khi giải quyết êm xuôi chuyện tình tay ba của thằng bạn, tôi về nha mang tâm trạng của một người vừa làm xong một việc nghĩa, vừa đi vừa huýt sáo véo von. Bỗng tôi nghe trong nhà có chuyện gí đó hơi lộn xộn. Ba tôi nét mặt hầm hầm đi xuống đi lên. Còn má tôi ngồi chống cằm rầu rĩ. Thấy con Út mặt tái xanh chạy ra cửa. Tôi nắm tay lại hỏi: “Có chuyện gì quan trọng vậy Út?”, nhỏ em nói trong hơi thở: “Anh Hai đòi vợ”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên và hết hồn hơn khi biết anh Hai đòi cưới liền tay một cô gái Cà Mau, nếu không sẽ doạ tự tử cùng cô gái ấy. Chà, chẳng lẽ anh Hai tôi hôm nay dám uống mật gấu vậy cà, hay là cô gái mà anh Hai tôi yêu có một sắc đẹp nghiêng thành đổ nước. Chỉ choáng vài giây thoi, chứ với tôi đây là chuyện hết sức bình thường và nếu cần tôi thừa sức giải quyết. Bởi yêu là một chuyện còn cưới làm vợ là chuyện khác, nếu có gì cản trở thì rủ đi ở bụi một thời gian rồi cũng chán nhau thôi. Vậy mà với gia đình tôi sự việc được đẩy lên thành hiện tượng, mà là một hiện tượng động trời. Cũng phải thôi, vì anh Hai tôi xưa nay phong cách đâu bốc đồng như thế. Tôi không có ý kiến, lặng lẽ lẻn vào phòng ngồi nghe diễn biến của gia đình. Ba tôi thở hắt: “Phải chi nó vá víu với ai gần đây thì tôi cũng chịu vậy. Đằng này nó yêu một đứa con gái ở tận cuối bản đồ xa tít thí mù, thân thế gia cảnh thế nào mình còn chưa biết nữa là”. Má tôi ngồi thừ ra rồi nói : “Xa thì xa cũng phải ráng mà đi chứ chẳng lẽ bỏ con người ta coi sao được, vả lại nó doạ tự tử ông nghe không? Ai chứ thằng này nghĩ chưa tới, dám làm lắm”. Tôi ngồi im trong phòng nghe toàn những câu trách móc anh Hai chứ không nghe lời khen tốt đẹp nữa. Tự nhiên tôi cười thầm nghĩ đến câu “Khen trăng từ lúc trăng tròn, đến khi trăng khuyết có còn khen không…”. Chắc có lẽ trong lúc quẫn trí, ba tôi chợt nghĩ đến tôi, nên ba gọi: “Thằng Nhân đâu ra đây ba biểu!”. Lúc này nghe ba gọi danh từ ba nghe sao mà ngọt quá (vì trong lúc giận, ba tôi thường xưng tao vơi tôi). Tôi lầm lì bước ra khỏi phòng. Tém mớ tóc phủ trước mặt, tôi ngồi xuống ghế đối diện với ba. Trước khi nói chuyện đàng hoàng với tôi, ông già mắng thêm một câu nữa: “Tóc tai gì như du côn, mày có còn là con tao nữa không Nhân?” Như không để ý đến câu phàn nàn của ông già, tôi vào đề bằng một câu cụt ngủn: “Ba cần gì con nói đi!” Ba tôi hơi bực trước thái độ có phần hỗn xược của tôi, nhưng chắc nói hoài đâm ra nhàm nên ông bỏ qua.
-         Con có biết chuyện của anh Hai chưa?
-         Mới biết cách đây mười lăm phút.
-         Vậy con có ý kiến gì không?
Tôi bậm môi nói lẫy:
-         Con mà biết gì ba ơi!
Ba tôi nhẹ giọng:
- Ba muốn nói chuyện nghiêm túc với con.
    Tôi lầm lì. Nghiêm thì nghiêm, chuyện cũng đâu đến nỗi phải động não, Tôi ngồi ngay ngắn lại nghe ba nói chuyện của anh Hai. Sau một hồi nói chuyện đàng hoàng tôi mới biết ý định của ông già muốn nhờ tôi tìm nhà trọ Ngọc Lan, nơi mà bạn gái của anh Hai ở trọ đi làm để biết cho thật rõ thân thế của cô ấy như thế nào. Kể cũng lạ, chuyện này sao ông già không đi hỏi anh Hai mà hỏi tôi. Anh Hai là người biết rành đường đi nước bước, rành từng cọng cỏ bờ rào và còn biết rành nhiều chuyện khác nữa. Chứ nếu không thì con gái người ta đâu có nặng tình hẹn ước như vậy. Tôi định nói ra ý nghĩ của mình thì ba tôi lên tiếng:
-         Ba muốn hỏi con vì con lanh lẹ hơn. Còn anh Hai con coi vậy chứ nó còn khờ lắm.
         Đến nước này ba mới thừa nhận tôi là người có ích. Trước đây trong ánh mắt ba lúc nào tôi cũng là người không ra gì. Còn anh Hai theo ba nghĩ là khờ khạo, ngu đần. Hổng dám đâu, lù khù vác cái lu mà chạy thì có. Đôi khi cha mẹ còn chưa hiểu hết từng đứa con mình huống hồ người dưng.
       Nói gì thì nói, tôi cũng nghe theo lời ông già đi tìm nhà trọ Ngọc Lan. Đâu xa la, chứ mấy nhà trọ trong khu này chỗ nào tôi cũng biết. Tôi còn biết nhà trọ nào có gái đẹp nhiều, nhà trọ nào chứa toàn du côn. Hỏi thăm, tôi biết được cô gái anh Hai tôi quen đang ở phòng số năm, gõ cửa bước vào, trước mặt tôi là một cô gái hơi khiêm tốn về chiều cao, có gương mặt hình “chữ bầu”, lỗ mũi hơi to như mũi lân, nước da bánh ít đường hạ. Theo đánh giá của tôi cô gái này không đẹp, ước chừng ba nút trở xuống. Nhìn sơ qua cặp môi đầy đặn, cái lưng hơi khom tôi biết ngay đây là thứ người chung tình loại bậc nhất mà còn một mực chiều chồng. Sau một hồi quan sát tôi tự giới thiệu tôi là em của anh Tình, nghe vậy mắt cô ta mở to nhìn tôi trân trân. Gì mà nhìn khiếp vậy, chắc  cô ta đang ngỡ ngàng trước nhan sắc của tôi. Vì nếu so sánh giữa tôi và anh Hai, tôi phong độ hơn anh ấy nhiều. Sửng sốt một hồi, cô cũng mời tôi được một ly nước. Câu đầu tiên tôi hỏi cô ta:
-         Chị ở trọ đây với ai?
Cô ta trả lời:
-         Tôi ở có ên hà.
Tôi cười vì nghe cái từ “ên” là lạ.
-  Ên có nghĩa là ở một mình đó phải không?
Nghe tôi đính chính chữ “ên” cô ta cười đỏ mặt gật đầu.
-         Động lực nào mà khiến cô có ý định quyết sống chết với anh tôi dữ vậy?
Cô ta ngước mặt đầy vẻ tự tin:
-         Tại tụi tôi yêu nhau dữ trời lắm!
-         Yêu “dữ trời” là là yêu nhiều đó hả?
Nghe tôi đính chính tiếp chữ “dữ trời” một lần nữa cô ta đỏ mặt gật đầu.  Trò chuyện như  thể chất vấn vài câu tôi biết cô ta có cái tên rất đơn giản Nguyễn Thị Bé Ba đang làm công nhân giày da cho công ty Đài Loan, quê nhà ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tưởng nơi khỉ ho cò gáy nào, chứ vùng này tôi có đến rồi. Vài lần theo mấy thằng bạn về quê nó chơi mà tôi mang tiếng là đi bụi. Nơi này trước đây bà con cũng làm ruộng rồi coi bộ không khá họ chuyển qua làm vuông nuôi tôm, gặp thời tiết bất ổn nên con tôm cũng èo uột. Thiệt khổ, chỉ có mỗi nghề nuôi trồng mà cũng không yên với trời đất. Dân ở đây không giàu có lắm, nhưng họ sống hết sức thật thà và mến khách. Tôi có nhậu tôm nướng vài lần ở bờ vuông, nghe mấy đứa địa phương tâm sự cái nỗi cực khổ bần nông, làm không dám nghỉ tay vậy mà thu nhập không thấm vào đâu. Trai gái trong xóm bỏ quê lên các tỉnh miền Đông làm công nhân sống rất nhiều. Nghe nó kể mà tôi nghĩ lại mình coi vậy mà còn có phước, tuy không giàu hơn ai nhưng không phải dãi nắng dầm mưa như dân ở vùng này. Lần nào tàn sòng nhậu tôi cũng say tình say nghĩa đến chúi nhủi. Thấy tôi là người miền Đông lâu lâu xuống chơi mấy dì hay nấu bún nước lèo, cháo cá rau đắng đãi khách. Ăn đã lâu vậy mà giờ nghe đến tên vùng này mùi mắm lóc, rau đắng đất vẫn còn thơm lựng ở trên môi. Nhưng liệu cô gái mà anh Hai tôi chọn có đức tính thật thà, hiền hậu nhưng sẵn sàng vượt qua khó khăn như cây bần, cây đước  ở vùng đất này không?. Để rõ ràng những ghi vấn tôi hỏi:
-         Nếu ba tôi chưa đồng ý chị với anh Hai tôi thì sao?
Cô ta trả lời tỉnh rụi:
-         Chúng tôi sẽ thuyết phục
Tôi hỏi:
-         Nếu mọi thuyết phục đều bị ba tôi từ chối?
Thoáng chút bối rối nhưng rồi có vẻ quyết đoán cô trả lời:
-         Chúng tôi yêu nhau thật tình, giả sử có mọi rắc rối hay cấm đoán nào chúng tôi nguyện cùng nhau vượt qua để được đến với nhau một cách trọn vẹn. Nếu phải hy sinh vì tình chúng tôi sẵn sàng.
       Gan vậy à, dám cùng nhau chết vì yêu! Rất tốt, có dũng khí đấy!  Ít ra khi yêu phải có chút lửa như vậy mới đáng mặt chứ. Thôi, như vậy cũng vừa rồi, tuy không đủ để hiểu hết một con người nhưng với tôi cái gì mãnh liệt mà kín đáo tôi đều tán thành. Khi tôi từ giã ra về chị ta không quên gởi cho tôi vài củ khoai lang nướng rồi dặn:
-         Gửi cho anh Tình giùm tôi, cái nầy lâu lâu ăn ngon dữ trời lắm!
Lại dữ  trời, tôi cười thầm với những từ dân dã mà cô ta hay dùng trong cách nói chuyện.
             Về nhà tôi kể gia cảnh cũng như tánh tình của cô ta cho ba nghe, ông gật gù có vẻ hài lòng. Rồi đôi ba ngày ông lại kêu tôi đến nhà trọ Ngọc Lan một lần. Đến riết rồi không còn chuyện gì để hỏi, hai đứa ngồi nhìn nhau hoài. Trong khoảng lặng im vô tình ấy tôi chợt nhận ra rằng bên trong vẻ sơ sài, thô mộc của cô gái này là cả một bầu trời hồn nhiên, trong trẻo và vô cùng hài hước. Bởi trong cuộc cuộc trò chuyện, bao giờ cô cũng mang đến cho tôi một nụ cười. Tôi cười cái thật thà chất phác của cô hay từ đâu trong cõi lòng tôi bắt đầu rộn lên những tiếng cười cảm mến trước một cô gái hiền như đất này. Chắc tôi quen với các cuộc tình dễ dãi xin là cho, cần là có nên trước những gì kín đáo, chân thành tôi trở nên lúng túng…
           Một hôm, trên đường đến nhà trọ Ngọc Lan tôi bị mắc mưa. Đến phòng, áo quần ướt nhem, Bé Ba lấy khăn lau cho tôi, mùi hương đồng nội, hoang sơ trên chiếc khăn làm cho tôi ngây ngất. Về nhà mất ngủ mấy đêm, tưởng tượng đủ thứ. Lẽ nào chỉ vì mùi hương trên chiếc khăn tay mà tôi phá đi một niềm hạnh phúc đang nẩy mầm, chẳng lẽ hành động của Bé Ba lau nước mưa cho tôi mà tôi nỡ nào nói sai sự thật về Bé Ba cho gia đình tôi biết. Tôi hèn đến thế sao? Không, không bao giờ. Tôi tự đặt cho mình luôn ở vị trí cao trong tình trường, vậy mà sao trong lòng tôi dường như đang sụp đổ trước mối tình đơn phương này.
         Rồi đột ngột ông già bảo tôi ngưng không đến nhà trọ Ngọc Lan nữa mà để ông tự  dò xét ý kiến anh Hai. Tự nhiên tôi thấy hụt hẫng, nỗi hụt hẫng không rõ nguyên nhân nó khiến cho tôi một thằng hay đến với những cuộc ồn ào, náo nhiệt nơi vũ trường  trở nên suy tư trầm tính thích đi một mình trên những con đường vắng, thích nhìn hoàng hôn tím ngắt phía chân trời. Rồi một chiều bước chân lãng tử của tôi vô tình đi ngang qua khu nhà trọ Ngọc Lan. Dãy nhà ọp ẹp, đơn sơ vậy mà giờ đây sao mà thân thương quá, dường như nó đang chứa bên trong cả những gì rất thật của tâm hồn tôi. Nhìn vào phòng số năm thấy đôi dép của anh Hai nằm kế bên đôi dép của Bé Ba, tôi biết họ vừa đi chơi đâu mới về. Tự nhiên tôi ghét đôi dép của anh Hai tôi đến cháy lòng.
     Rồi gia đình cũng bàn tính đến chuyện đám cưới anh Hai. Lúc này má hay kêu tôi ra nói chuyện. Một hôm bà hỏi tôi:
-         Từ Bình Dương đến Cà Mau đi khoảng bao lâu vậy Nhân?
Tôi định nói không biết với má, nhưng nghĩ lại biết đâu nhờ vào dịp này má hiểu tôi nhiều hơn. Tôi trả lời
-         Ba giờ khuya đi khoảng bốn, năm giờ chiều tới.
Rồi má nói:
-         Sao má nghe người ta đồn người vùng này họ hay thách cưới lắm.
     Từ trước tới giờ chuyện gì má tôi nói cũng đúng và không bao giờ tôi cãi lại mặc dù đôi lúc má nói oan cho tôi. Nhưng trong chuyện này má tôi hoàn toàn sai. Đâu phải người Cà Mau nào họ cũng thách cưới, mà ngược lại nếu đã yêu họ sẵn sàng hy sinh tất cả, lấy thiệt thòi về phần mình. Những lần đi chơi ở Cà Mau và nhiều lần trò chuyện với Bé Ba tôi mới ngẫm ra điều này. Tiếc là tôi chưa có cơ hội, hay nói đúng hơn là tôi không có duyên để được làm rể vùng đất này, cái gì của Cà Mau tôi cũng yêu cũng quý vậy mà lâu nay tôi cư xử với Cà Mau như người ngoài cuộc. Giờ ngó lại sao thấy mình vô tình quá đỗi.
     Những ngày sắp làm chú rể, anh Hai hay lân la trò chuyện với tôi. Anh hỏi tôi đủ thứ chuyện, từ chuyện mặc veston màu gì cho hợp mốt đến chuyện quay phim chụp hình sao cho đẹp. Thậm chí anh còn hỏi tôi đêm tân hôn phải làm thế nào để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông. Anh hỏi tôi tới tấp như thể tôi là người trong cuộc. Ừ, cứ coi như tôi là người trong cuộc đi, vì làm cho gia đình hiểu Bé Ba cũng do tôi, gia cảnh tánh tình Bé Ba như thế nào cũng do tôi nói tốt với ba cho đến những món quà đơn giản nhưng chứa đầy tình cảm của Bé Ba chuyển cho anh Hai cũng chính tôi là cầu nối, khó khăn lắm mới có được ngày vui hôm nay. Ai biểu tôi tài lanh, tài  khôn chi mà giờ coi như người ngoài cuộc!
       Lần đầu tiên ba má tôi làm sui nên đám cưới của anh Hai được tổ chức lớn đến không ngờ. Làm hai con heo một con bò, đãi khách một trăm bàn có nhạc sống, ca sĩ rình rang. Ai nấy đẹp như hoa háo hức nâng ly chúc mừng. Thấy tôi vẫn với cái quần soọc áo thun ông già cằn nhằn: “Sao con không đi thay bộ đồ mới mà mặc với người ta. Đám cưới của anh Hai, con là người cho ba nhiều ý kiến chính xác nhất đó. Tôi không nói gì, ra cái bàn ngoài cuối rạp nhậu rượu đế với mấy thằng bạn. Bên trong, ai đó ca mấy bản nhạc sến nghe mùi bí tỉ, vốn tôi không ưa loại nhạc này vậy mà sao giờ đây nghe nó hay một cách lạ lùng, hay đến nỗi  ly rượu đế  lên môi tôi nồng cay đến chảy nước mắt…
    
     Đào Văn Đạt (Bình Dương)



No comments:

Post a Comment