Wednesday, August 28, 2013

BỨC THƯ TÌNH THỨ 901 – Truyện ngắn Nguyễn Thị Việt Hà

                                        Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà
 
   Trúc Hạ không bao giờ biết trước được rằng Nam sẽ đi…
   Nam không bỏ trốn khi Trúc Hạ đang ngủ rồi để lại một nụ hôn trên trán nàng như cảnh chia tay thường thấy của phim Hàn. Namcũng không chán ngán nàng như chán một món phở nguội nhiều dầu mỡ. Nam đi sau nụ hôn dịu dàng buổi sớm, sau cái ôm nghiến đôi thân thể, sau lời thì thầm: “Em phải thật đẹp xinh vào nhé…”!
    Trúc Hạ mỉm cười bước nhẹ qua làn sương Lancôme Namphun lên không trung. Nàng thường thích thế, để nước hoa rơi nhẹ qua tóc, hương vừa đủ thoảng cho một ngày.
    Nhưng Nam đã đi, ngay lúc tình yêu của họ mặn nồng nhất!
    Như thể hương Lancôme bốc hơi sau một ngày…
    Nàng không thể tìm thấy anh ở bất cứ nơi đâu dù chỉ là dấu vết nhỏ. Nàng điên cuồng xới tung mọi chốn. Hỏi bất cứ ai có thể. Không ai nhận ra Namđã tồn tại hay biến mất. Như thể anh bị xóa trắng khỏi trí nhớ của họ. Ngay cả số điện thoại của Namcũng đột nhiên biến mất trong điện thoại của nàng. Nàng luống cuống bấm dãy số đã ghim vào tim rồi lẫn vào mạch máu như thể chính hơi thở của Namtrong ngực nàng. Kì lạ, số điện thoại bất động, không thể thực hiện được với mọi loại máy. Dãy số đứng im đó, thách thức như thể bắn vào mặt nàng trăm ngàn mũi tên rồi sau đó giãy giụa cười nhấp nháy liên hồi trước khi biến mất. Khổ sở và rồ dại. Lý trí chỉ còn là một điều gì đó tồn tại trong định nghĩa. Điều quý giá nhất trong cuộc đời nàng là tình yêu lại trở thành cơn thịnh nộ như được trút ra từ âm phủ.
    “Dù anh có biến thành khói, em cũng sẽ gom khói lại đặt trái tim em vào hình nhân khói ấy”. Nàng viết bức thư thứ nhất cho anh như thế. Nàng khóc. Nước mắt không lau, tự nó khô. Nàng tự xỉ vả mình sao không cắn vào vai anh hoặc bất cứ đâu thành vết sâu để làm dấu. Vết thương ấy biết đâu không tan được và nàng sẽ tìm được Nam? Những cơn đau quặn lên dâng đầy ngực rút đi chút sức lực trong nàng. Nàng nằm bẹp. Một tháng sau Trúc Hạ đặt lên bàn vị Tổng biên tập đơn xin nghỉ dài hạn không lương. Tổng biên tập khẽ nhíu mày giương mục kỉnh. Không đợi ông ta hỏi thêm điều gì cũng không cần biết cái đơn có được giải quyết không, nàng xách valy lên tàu.
     Mùa đông kéo lê những trận rét dài và khó chịu như một phụ nữ ế chồng luôn càu nhàu các cô gái trẻ đang yêu. Chuyến tàu cuối năm nặng trịch mang những kẻ tha hương về quê hưởng những ngày tết ít ỏi trước khi lao vào cuộc vật lộn mới với tiền bạc và thủ đoạn. Và mang một cô gái luôn thấy mình yêu dù bao nhiêu cũng chưa đủ về phương Bắc xa xôi…
      Nàng không dừng ở Hà Nội. Nàng đến Đồng Văn. Đồng Văn treo giữa trời với đá tai mèo và hoa. Rất nhiều hoa: tam giác mạch hồng, trắng, phớt tím, cải vàng, cải trắng, thun tu đỏ, mộc miên rừng rực cháy cheo leo giữa vách núi đá tai mèo…  Còn đường mang tên Hạnh Phúc vắt qua những dẫy núi thẳng hệt sóng mũi con ngựa mềm mượt như một dãi lụa màu sữa. Tưởng đứt hơi, phải bỏ dở hành trình để về lại Hà Nội, ánh mắt Namnhư xuyên qua vách núi nhìn theo bước chân nàng. Có chút gì như giễu cợt, có chút gì như động viên, cũng có thể anh đang ở đỉnh Mã Pí Lèng đợi nàng. Trúc Hạ mím môi cùng bạn đồng hành dấn bước. Đỉnh núi ngủ giữa mây mù, Ngọc Lan nắm chặt tay Trúc Hạ trấn cơn gió lộng giáng từ đỉnh đầu xuống mũi cay xè, mắt mờ đi vì lạnh. Bạt ngàn tam giác mạch, sắc trắng, tím, hồng long lanh như cố vắt những hạt nắng hiếm hoi từ trời rót xuống.
     Trên đỉnh Mã Pí Lèng. Mọi ngôn ngữ trở nên vô nghĩa. Trập trùng. Huyền ảo. Lộng lẫy. Thăm thẳm sâu của vực...  Trúc Hạ xoa mây lên mặt, thấy nước mắt của mình cũng xốp lên như mây. Đường chân trời bị núi đá che khuất. Dòng Nho Quế  biếc xanh ép mình lặng lẽ chảy qua cái khe nhỏ dưới đáy vực sâu. Mã Pí Lèng che khuất ánh mặt trời, con đường Hạnh Phúc mờ nhòe như một nét mi. Dãi biên cương xa xôi vào mùa này không còn vắng, lữ khách có khi là những đôi nam thanh nữ tú tìm đến để chụp ảnh cưới hoặc săn hình. Còn nàng, đơn giản đến để… khóc… khóc cho hết nước mắt… cho đến khi trái tim là một hòn cuội nhỏ lăn từ trên đỉnh và vướng vào một khe bất kì…  Nàng đi chợ phiên ăn món thắng cố và uống rượu ngô. Rượu uống chưa vơi thì nàng khóc. Giữa chợ, đôi ba cặp mắt tò mò nhìn người phụ nữ dưới xuôi ôm bát rượu nghẹn ngào. Người phụ nữ bán quán ngơ ngác nhìn rồi cười. Mấy anh thanh niên dân tộc xì xào với nhau bằng tiếng bản địa mà sau này nàng hiểu được rằng: “Giàng ơi, nó không ăn được cỏ khô và phân tươi rồi”. Thắng cố nấu nguyên thủy không chỉ là mùi cỏ khô, phân tươi trong “lục phủ ngũ tạng” của các loài động vật trong chảo  mà còn có cả mùi chuột chết, thịt thối… Tất cả tạo nên mùi thắng cố ăn một lần không thể quên được.  Buổi chiều ấy đi ngang cuộc đời, nàng tìm ánh mắt anh trên khuôn mặt bất kì người đàn ông nào lướt qua… Nhưng không thấy… Chỉ thấy trong bát rượu méo mó gương mặt chính mình. Chủ quán không còn nhìn lữ khách, ánh mắt chị thả theo đoàn người lục đục trở về… Nàng vì một bát rượu ngô mà ngã xuống, trầy trụa mãi vẫn thấy run rẩy khi tự mình đứng lại trên đôi chân của mình. Yêu anh không bao giờ là một phút ngông cuồng của tuổi trẻ và đam mê. Trúc Hạ cuối cùng đã uống rượu bằng bát, uống xong trào nước mắt, nhưng không gục ngã, không dị ứng cơm cháy, nhưng cũng không làm tan đi được những đau đớn cuộn lên trong lòng như những đợt sóng ngầm.
     Nam ở đâu trong những người đàn ông ở chợ hôm đó? Namở đâu trong những cơn say…
***
      Ngày đi khẽ như chiếc lá rung. Nàng bớt những cơn nhói ngực khi lướt qua  gương mặt có nét hao hao giống Nam. Phạm Nguyên hơi giống Nam, nhất là ánh mắt và nụ cười. Nguyên nhỏ hơn nàng 7 tuổi, trẻ trung, tài năng và tươi ròng cảm xúc.
-         Em vẫn hay nằm mơ thấy chị đấy!
-         Thế à? Một phù thủy lòe loẹt với bộ quần áo lông gà bẩy màu chăng?
-         Không! Em mơ thấy mình nắm tay chị… Dạo này chị đẹp hơn nhiều… Nhiều lúc em mệt mỏi, những chuyến đi và công việc, em xem chị như một chíếc phao. Và thỉnh thoảng chị cho em vịn vào chiếc phao ấy, giả vờ cũng được, giả tạo cũng được, nếu không em chìm mất.
 Trúc Hạ ngoảnh mặt đi tránh cái nhìn của Nguyên. Ở trong đôi mắt ấy có lửa, không phải một đốm nhỏ mà là một ngọn lửa như tách ra từ mặt trời. Vài lời dị nghị ác ý sau những chuyến tác nghiệp chỉ có Nguyên và nàng. Buồn cười. Nàng đủ tự trọng để biết thân thể mình không phải là thứ dễ để người khác chạm vào.
-         Chị không có chút cảm xúc nào với em ư?
-         Chị cũng không biết nữa. Cái thứ cảm xúc ấy màu gì?
      Trúc Hạ giật nẩy mình. Nàng lặp lại đúng câu nói của Namkhi trước. Nàng tê tái nhìn Nguyên. Sóng mắt nồng nàn kia giống Namquá…
      Tin nhắn của Nguyên thường đến vào khoảng 0 giờ.  Thường là những chuyện rất linh tinh. “Chị ngủ chưa?” “Sắp…”. “Em nghe nói phụ nữ ngủ sau 10 giờ da mặt sẽ rất xấu?”, “Chưa bao giờ thấy mình đẹp nên không lo điều ấy”., “Chị đang làm gì”, “Viết” “Chừng nào chị lên Hội”. “Không biết”, “Vậy em chạy xuống uống café với chị xíu rồi về hen?”, “Làm chi khổ vậy?, “Em nhớ chị….”… Tin nhắn cuối của Nguyên không bao giờ được nàng trả lời. Để rồi sáng hôm sau thế nào trong máy của Trúc Hạ cũng lơ lửng một tin nhắn của Nguyên “Em đi làm mà mắt em đầy tóc chị…”. Nhiều lúc nàng thấy mình tham lam, hoặc nói phứt với Nguyên rằng nàng không ưa gì “phi công trẻ” để mang tiếng là “bà già”, rằng Nguyên đừng tơ tưởng gì đến nàng nữa, mọi ngóc ngách tâm hồn nàng thuộc về Nam, rằng nàng cảm thấy phức tạp phiền lụy bởi tình cảm của Nguyên, rằng những tin đồn về mối quan hệ giữa nàng và Nguyên đã đủ viết tiểu thuyết ba xu nên hãy để cho nó có hồi kết trong sự suy diễn của nhiều người, rằng Nguyên chẳng đáng trăm gram nào trong cảm xúc của nàng cả… Nhưng nàng im lặng, nàng để sự chiều chuộng chăm sóc có phần lụy của Nguyên như một sự mơn trớn cho vết thương Nam để lại.
-         Đây! Người đàn ông của chị - Nguyên  đưa cho nàng một xấp ảnh và một tờ giấy đặc thông tin.
Mắt nàng mờ đi… Đúng là Namđây rồi… Anh ấy không là khói…
-         Làm thế nào em tìm được anh ấy?
-         Cũng không khó đâu…
        Nàng bỏ vội một vài bộ quần áo vào va ly. Nguyên hoảng hốt:
-         Chị định đi tìm Nam à?
        Không trả lời, nàng không nhận ra tất cả những điều xung quanh, trong đầu nàng chỉ có Nam, nụ cười ấm áp, hơi thở luồn sau gáy… Nguyên lao đến níu chặt tay nàng ghìm xuống, ánh mắt dữ dội.     

        Nàng hất tay Nguyên. Nàng không nói gì, thậm chí một câu an ủi, khoác áo, xe lao về phía trước mù mịt bụi…
      Trúc Hạ xếp gọn vài bộ đồ và một ít đồ dùng cá nhân dùng cho dân phượt. Nàng không hiểu rồi mình sẽ đi đâu, chẳng phải tam giác mạch lấp lánh ở Đồng Văn quyến rũ tới mức nàng muốn quay trở lại, chẳng phải vì rượu ngô say đắm khiến má nàng hồng lên như thời thiếu nữ làm đôi ánh mắt loạng choạng của bạn đồng hành sóng sánh phiên chợ chiều, cũng không phải món Thắng Cố nguyên thủy vừa ngon vừa khó chịu nhưng không thể khiến người ta quên được gọi bước chân nàng, càng không phải buổi chợ tình có nước mắt của những người từng yêu nhau rồi chia ly, mỗi năm gặp nhau một lần chỉ để khóc, để hôn, để san lấp cái lởm chởm cuộc đời như dốc núi tai mèo kia khiến nàng chôn chân giữa chợ …
        Ngập ngừng… Trúc Hạ với lấy bức tranh thêu Namtặng nàng đặt vào giữa lớp quần áo. Nghẹn. Từng cơn cuồn cuộn. Xót xa chực trào khỏi khóe mắt. Chẳng ai hiểu cái điều giản đơn rằng chỉ cần nhìn thấy Nam, biết rằng anh không là khói, biết anh khỏe thế là nàng yên tâm. Vẫn khổ đau nhưng an tâm. Thà như vậy còn hơn mường tượng ra Nam chỉ là khói… Khói rực rỡ vẫn chỉ là khói…Thế là đủ. Thật đơn giản như điều Nam thường nói “Em sẽ làm được mà… Nhất định sẽ được!” mỗi khi nàng cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi…  Nam là ai? Như thế nào? Nàng không quan tâm. Chỉ biết khi có thể yêu, nàng chỉ yêu anh… Điều đó không phụ thuộc vào thời gian… Không cố gắng để có Nam cho bằng được… Cho dù có thể nàng đem cả lớp sương mù tình yêu và những ẩn khuất của cả đời nàng sang thế giới bên kia. Nàng bức thư 901 bắt đầu bằng câu “Yêu anh! Đó là quyền của em…”
    

Cà Mau đêm ngày 4 tháng 2 năm 2013
Nguyễn Thị Việt Hà


No comments:

Post a Comment