“Em tôi đang khóc. Em tôi đứng cười. Em tôi xa xôi. Em tôi biến mất…
Một giấc trưa… một giấc trưa…”
Tôi có một thói quen được hình thành từ khi chuyển về thành phố tỉnh nhà công tác, đấy là thói quen ngủ trưa. Mà đã gọi là thói quen thì có nghĩa tôi không bỏ được nó, nên ngày nào cứ đến giờ đó là hai mắt tôi díp lại, giấc ngủ dần dần ập xuống. Khi đó tôi hai sáu tuổi, thời gian gạn dần cả chút sôi nổi cuối cùng để biến tôi thành người trầm lặng. Tôi sống trong một căn nhà cấp bốn thuê dài hạn, nằm ngay trên mặt đường lớn trục quốc lộ 2. Tôi dám chắc nếu từng đi qua đó bạn sẽ phải trầm trồ vì giàn hoa tầm xuân bao quanh khu nhà đẹp như một vườn cổ tích. Thú thực tôi thuê căn nhà cũng chỉ vì điều đó. Hai sáu tuổi, tôi chưa lập gia đình và cũng chẳng thương nhớ một ai. Tôi không có tham vọng gì, đi làm cũng chỉ là cho có công việc để ngày tháng bớt rộng dài. Tôi càng chẳng có nhu cầu kết thân hay trò chuyện với ai, có lẽ những giấc ngủ trưa cũng bắt nguồn từ đấy. Những giấc trưa… những giấc trưa…
Do đã liên hệ từ trước nên vừa chuyển về thành phố, tôi may mắn được nhận công tác ngay. Công việc biên tập tạp chí của hội văn học tỉnh nhà phù hợp với chuyên ngành tôi theo học nên cũng không quá khó khăn để bắt đầu. Ở hội văn học thường chẳng có người trẻ. Một phần vì các cụ quen giữ cái ghế của mình, cho con cháu về thì nhấp nhổm không yên. Một phần vì người trẻ họ cũng chẳng ham hố về xó vườn ngồi dưới chiếu mấy ông già lạc hậu và bảo thủ đến hòm mail điện tử cũng không biết sử dụng mà suốt ngày thích nói chuyện toàn cầu hóa (Ấy là họ nghĩ thế. Họ trẻ họ thường tự cho mình cái quyền ngông cuồng). Thế nên việc tôi về hội cũng gây bán tín bán nghi. Họ thường có một câu cửa miệng khi nói về tôi, “nó trẻ quá”. Vậy mà tôi cứ nghĩ mình già…
Ban đầu tôi thường nằm ngủ gục trên bàn làm việc giữa những lời to nhỏ xì xào. Đàn bà khoe con chửi chồng, đàn ông nói chuyện “con nuôi”, bồ bịch. Thi thoảng họ cùng ngồi nói chuyện đạo văn thơ ở tỉnh này tỉnh kia. Cũng có khi họ cùng bàn về chuyên môn theo kiểu tổ chức trại sáng tác lần này nên đi đâu cho đổi gió. Mọi khi lên rừng leo núi mãi mỏi chân rồi lần này nên đi tắm biển cho nó mát. Tôi cứ thế chìm vào giấc ngủ, mớ ngôn từ hỗn tạp vỡ vụn rồi tan biến. Tôi mơ thấy mình nằm co ro trong xó nhà đổ nát trong đợt bão đầu những năm chín mươi ở quê tôi. Chân tay tôi bị thương nhức nhối ruồi muỗi bâu đầy. Tôi đuối sức đến nỗi không thể khóc, chỉ đủ nghĩ là bố mẹ đi buôn chuyến xa, đứa em trai lúc sáng chạy đi chơi giờ chắc bão đã vùi ở một xó xỉnh nào đó trong làng. Tôi nghĩ là mình đang chết dần vì không còn cảm giác, chết đến chân, đến bụng rồi sắp đến tim, đến tim là sẽ hết. Đúng lúc ấy có một bàn tay đỡ lấy tôi, xoa đầu tôi, bế tôi lên nhẹ bẫng. Rồi rất nhiều tiếng khóc, rất nhiều bàn tay sờ nắn xoa bóp cho tôi. Họ nấu cháo cho tôi ăn, kiên nhẫn bón cho tôi từng thìa thuốc đắng, đắng đến mức chưa kịp nuốt vào họng đã phải nôn ra. Em trai tôi cũng được dân làng cứu sống và chăm sóc tận tình như thế. Người góp manh áo ấm, người góp bát gạo đầy, có người mẹ buổi đêm vừa u con mình vừa chia hơi ấm cho hai anh em tôi đỡ lạnh. Hơn một tuần sau cha mẹ mới nghe tin làng gặp bão liền vội vã trở về, thấy nhà cửa đổ nát mẹ ôm chúng tôi vào lòng khóc không thành tiếng.
Rồi những buổi trưa tiếp theo tôi mơ thấy tuổi thơ mình. Như nhiều đứa trẻ khác, chúng tôi rất thích trò đồ hàng. Cái Quỳnh bán hàng cực đắt, thằng Phương thì láu cá vô cùng, còn cái Tẹt suốt ngày mắng tôi ngu dại vì bán cái gì cũng rẻ. Rồi thoắt cái lại thấy cái Quỳnh tay đếm tiền miệng ngoen ngoét chửi ở chợ cửa khẩu. Quỳnh nhìn tôi từ đầu đến chân bảo học hành làm quái gì để đến nỗi ốm nhom ốm nhách, đói hử? Tôi chưa kịp cười với Quỳnh đã thấy va phải Phương ở cầu thang một công ty truyền thông khi tôi vác đơn đi xin việc. Phương nháy mắt bảo có gì cứ ới Phương một tiếng dù gì cậu cũng là trợ lý giám đốc rồi. Tôi đứng ngẩn ngơ ở cầu thang, sau một cái chớp mắt lại thấy mình đang đứng giữa cánh đồng làng. Mùi hương đòng đòng cứ dẫn dụ tôi đi mãi, đến khi nghe thấy tiếng của cái Tẹt ngồi chõng ru con. Nó nhìn tôi mặc bộ váy hoa mà xuýt xoa khen da sao mà trắng, người sao mà trẻ. Tôi nhìn bạn rưng rưng sắp khóc thì tỉnh. Thế là xong một giấc trưa…
* * *
Một hôm, cơ quan liên hoan ngọt vì sự kiện do gì đó tôi không còn nhớ. Mọi người tổ chức bia bọt ngay tại nơi làm việc khiến tôi không có chỗ ngủ trưa. Tôi đi lang thang và phát hiện ra gần cơ quan có một ngôi chùa. Đi rẽ từ đường lớn vào một đoạn thì gặp chùa. Thoạt đầu nếu không nghe thấy tiếng chuông ngân vang thì có lẽ tôi không nghĩ lại có thể tìm thấy một ngôi chùa yên tĩnh giữa thành phố bán mua bát nháo này. Tôi như bị tiếng chuông chùa dẫn dụ, từng bước chân nhẹ bẫng, vườn chùa tĩnh lặng khẽ ngân lên vài ba tiếng chim ríu rít. Tôi nghe thấy lá rụng sau lưng, thấy mùi hương trầm tỏa lan trước gió. Mắt tôi bắt đầu díp lại, tiếng lá khua vào giấc mơ xào xạc. Tôi mơ thấy mẹ. Mẹ ôm tôi trong lần cuối cùng rồi sau đó mẹ không bao giờ dậy nữa. Nhiều đêm sau đó tôi rất lạnh, cha chấp vá những hơi ấm mỏng manh còn sót lại để chăm chút cho chị em tôi. Thoắt một cái đã thấy tôi đứng giữa cánh đồng khóc cha, giọng khản đặc chỉ còn nghe thấy tiếng gào thét trong lồng ngực. Những vòng tang trắng bung khỏi hai mái đầu xanh rồi bay lên trời, chấp chới một trời vải trắng.
Em tôi đang khóc. Em tôi đứng cười. Em tôi xa xôi. Em tôi biến mất…
Lúc tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm bên chiếc chõng tre nhỏ đặt ở gốc cây bồ đề bóng tỏa xum xuê. Đầu óc tôi nhẹ bẫng, cảm giác như những hình ảnh trong giấc mơ đang thoát ra khỏi khối óc, bầy chim trên tán cây bồ đề cặp từng kỉ niệm bay đi mất. Điều đáng ngạc nhiên là trong vườn chùa có rất nhiều chõng tre, một vài người cũng đang ngủ một giấc trưa giống như tôi. Một cụ lão râu tóc bạc phơ nằm gác tay lên trán, lá cây rụng phủ đầy người. Một người đàn ông trung niên vẻ mặt khắc khổ nằm nghiêng mình tránh vài tia nắng lọt qua vòm lá. Một đứa trẻ chân tay còn bám đầy vôi vữa nằm co người, chim chóc nhảy nhót xung quanh trên nền cỏ xanh mươn mướt. Tôi cúi nhìn bộ váy hoa mình mặc, đôi giày màu cam mình mang và màu son môi đỏ chói tự nhiên thấy mình sặc sỡ… Sặc sỡ mà tàn lụi.
Tôi bước ra khỏi cổng chùa, cảm giác hụt hẫng như mình vừa bước ra khỏi thế giới cổ tích. Thế giới thực tại mà tôi sống suốt mấy chục năm qua tự nhiên trở nên xa lạ. Tôi hoảng sợ nó. Tôi muốn chạy trốn. Nhưng tôi kịp nhớ ra còn một đống công việc đang đợi mình ở cơ quan. Cuộc vui ở đó có lẽ đã tàn, tôi bước trở về quét dọn đống rác bày la liệt khắp phòng làm việc. Tôi thấy chán ngán công việc tôi đang làm, những con người hàng ngày tôi gặp. Tôi đã từng cam chịu và chấp nhận họ nếu như tôi không gặp một giấc trưa ở vườn chùa… Tôi muốn nổi loạn. Tôi hoang mang chạy trốn trong từng ý nghĩ dồn đuổi. Cuối cùng chúng hành hạ tôi bằng một cơn ốm kéo dài và những giấc trưa mụ mị tại ngôi nhà có tường rào hoa tầm xuân nở rộ.
Ở thành phố này tôi không có bạn. Những ngày ốm lê lết một mình lại tưởng như đang sống giữa sa mạc toàn gió nóng. Gió hầm hập thổi tứ phía rồi như tập trung rọi thẳng vào đầu óc tôi tạo cảm giác đau đầu điên đảo. Giấc mơ tôi nhớ em. Nhớ cái thuở em lên chín lên mười em thường kêu đau đầu, trán em giật mạnh từng hồi. Em hay đòi nằm kê đầu lên đùi tôi, để tôi khẽ xoa nhẹ hai bên thái dương cho em rồi em thiêm thiếp vào giấc ngủ. Mỗi ngày cơn đau đầu thường kéo đến hành hạ em lâu hơn, những lúc ấy trông em vật vã đến tội nghiệp. Em gọi mẹ trong vô thức. Em đi loanh quanh nhà tìm bố. Đi cho đến mệt rã rời thì lại đổ gục vào lòng tôi rồi lịm đi trong cơn co giật.
Nghe lời người lớn, tôi hái lá ngải đắng vắt nước cho em uống. Nhưng thuốc chưa chạm lưỡi em đã nôn thốc ra ngoài. Lúc ấy tôi ao ước có mẹ quá. Giá mà mẹ còn sống mẹ biết cách dỗ dành em như mẹ đã nhiều lần dỗ dành tôi uống thuốc đắng cho mau khỏi bệnh. Nhiều lúc thương em quá mà tôi bảo:
- Ước gì chị đau được thay em.
Em cười, nụ cười méo xệch:
- Chị bé ơi em muốn được ra biển.
- Để làm gì?
- Để trầm mình xuống biển cho đầu đỡ đau.
- Nhưng em đã bao giờ nhìn thấy biển đâu mà biết sẽ bớt đau?
- Vì hôm ấy mẹ bảo mẹ rất thèm được về thăm biển. Khi đó mẹ cũng đau như em vậy. Mẹ nghĩ về biển và mẹ khóc. Rồi mẹ ngủ. Em thấy môi mẹ cười. Mẹ không bao giờ tỉnh dậy em đoán cũng vì nụ cười đó. Như thế có phải là mẹ đã được về với biển rồi không chị bé?
Trong giấc mơ của mình tôi thấy tôi khóc. Nước mắt nhạt nhòa. Tôi từng nghĩ tôi yêu mẹ lắm. Yêu như máu đang chảy trong huyết quản. Như nhịp tim không ngừng đập thôi thúc, rộn ràng nơi ngực trái. Yêu như ánh sáng soi rọi và sưởi ấm vạn vật. Vậy mà tôi không hề biết về những cơn đau của mẹ. Không hề biết cách mẹ đã ra đi như thế nào. Càng chưa khi nào chạm đến những mơ ước mỏng manh của mẹ. Đến tận lúc này tôi mới thấy là mình đã mất mẹ. Mẹ đã tan biến khỏi trái tim nhỏ bé cố níu giữ bằng những nhịp đập mỏng manh này.
Mười lăm tuổi. Em đi…
Em tôi đang khóc. Em tôi đứng cười. Em tôi xa xôi. Em tôi biến mất…
Tôi đi tìm em trong những giấc mơ dài chắp vá sau bao hành trình lặn lội tìm kiếm đó đây mà vẫn biệt tăm. Người làng ai cũng bảo em tôi bị bệnh giống mẹ nên thể nào cũng không sống được lâu. Tôi hỏi bệnh gì? Những người đàn bà cúi đầu im lặng. Đàn ông họ bảo mẹ tôi bị não. Tôi không muốn tin họ. Thậm chí muốn căm ghét họ mà lòng ngập nỗi hoang mang. Tôi đi tìm em trong những cơn đau tim khủng khiếp. Tôi không muốn mất em như cách đã để mất mẹ. Tôi không cam chịu cái cách họ rời xa những yêu thương của tôi tàn nhẫn đến như thế. Tôi muốn tìm em chỉ để hỏi một câu tại sao em ai lặng lẽ rời xa tôi không một lời nhắn nhủ. Tôi chỉ còn mình em. Học cách yêu thương mình em mà sống. Tại sao em đi?
Tôi từng đến biển rất nhiều lần. Một nửa quãng thời gian sống trên đời với tôi là các cuộc hành trình tìm đến biển, kể từ khi em ra đi. Tôi thường ngồi rất lâu trước biển. Ngồi nghe sóng vỗ từng đợt vào tim xem nỗi đau có biến mất như em nói hay không. Ngồi trong tư thế ngồi thiền. Cố quên tất cả mọi thứ xung quanh, cố cắt đứt những mọi mạch nguồn suy nghĩ. Nhưng lần nào cũng bị từng đợt sóng ồ ập tràn ngập đến ngẹt thở. Cảm giác như một thế lực vô hình nào đó đang muốn bóp ngạt sự sống của tôi. Sau này tôi vẫn thường gặp lại cảm giác ấy khi đang đi giữa dòng người đông đúc, khi một mình ướt sũng đường mưa, khi mở cửa bước vào ngôi nhà cổ tích… Tất cả dường như xuất phát từ cảm giác đơn độc, bị bỏ rơi lại giữa cuộc đời đầy bất trắc này.
* * *
Tôi sút cân thậm tệ sau đợt ốm kéo dài, người nhẹ bẫng như một chiếc lá khô lúc nào cũng sợ bị nhấc bổng lên trời. Tôi trở lại làm việc trong cái không khí vừa ảm đạm vừa ầm ĩ. Công việc chồng đống như thể nó đã ở đấy cả nghìn năm để đợi tôi. Tai tôi có biểu hiện không nghe rõ mọi tín hiệu. Bằng chứng là những câu chuyện đàn bà nơi đây cứ ù ù bên tai tôi giống tiếng của những con bọ hung thường đi lạc vào nhà không tìm được lối ra. Tôi thấy may mắn khi không phải nghe họ nói nhưng lại lo sợ không còn nghe được tiếng chim ở vườn chùa. Tôi cứ chờ mãi một giấc trưa… Một giấc trưa…
Tôi đếm từng bước chân khi bước vào cổng chùa. Tim như muốn reo vui khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang từng khoảng trong lòng, chim chóc vẫn hót tràn ngập tim, nắng vẫn tỏa vàng mùi hoa ngọc lan e ấp. Tôi tiến về gốc bồ đề ấy, chiếc chõng tre ấy phủi đi những chiếc lá khô rồi nhẹ nhàng nằm xuống. Tôi không ngủ ngay mà nằm im nghe tiếng sư thầy gõ mõ tụng kinh, nghe mấy chiếc lá cựa mình dưới cỏ và nghe thấy cả bước chân rón rén của cậu bé chân tay còn dính đầy vôi vữa. Tự nhiên nhớ mong em quá đỗi. Giá mà tìm thấy em, nhất định tôi sẽ đưa em đến đây để không gian này, cảnh vật này xoa dịu những cơn đau đầu điên đảo của em. Tôi sẽ chăm sóc em, yêu thương em hết lòng. Thậm chí sẽ cùng em đi suốt chiều dài của biển dẫu tôi thừa biết biển chẳng có bờ. Tôi thiếp đi trong nỗi nhớ nhung và dằn vặt…
Tôi mơ thấy em đi trên một con thuyền nhỏ có cánh buồm trắng. Em vẫy tay chào tôi, nhoẻn miệng cười khi con thuyền dần dần trôi vào biển lớn. Tôi đứng đó nhìn cánh buồm trắng mất hút giữa đại dương mênh mông, tuyệt nhiên không khóc dù cảm giác cô độc đang tràn ngập. Hình ảnh em nhoẻn cười lấp lóa trên từng cánh sóng. Em đã về với biển. Biển của em…
Từ đó tôi không bao giờ nhớ nổi giấc mơ của mình nữa. Dù ngày nào tôi cũng ngủ một giấc trưa trong vườn chùa tĩnh lặng…
Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội)
No comments:
Post a Comment