Saturday, August 31, 2013

GIÓ CHIỀU LỒNG LỘNG – Truyện ngắn Đào Văn Đạt

                     
                                                               Tác giả Đào Văn Đạt        
                                          
Lời giới thiệu của Nguyễn Trí: Tôi có cơ hội được gặp Tác giả truyện Gió Chiều Lồng Lộng ở ngoài đời. Đào Văn Đạt là một người trực tính và rất hết lòng vì anh em. Thoáng, có thể nghĩ Đạt vô tư. Nhưng tiếp xúc và đọc những gì anh viết mới biết Đạt là một người có tầm nhìn cuộc sống khá sâu sắc. Là một người đàn ông mà diễn tả sâu và sát tâm trạng của một phụ nữ có chồng bị mất trí - tương đối gọi là có tài.  Niềm yêu thương tha thiết với chồng, cái thiếu thốn nhục cảm của con người được tác giả diễn tả một cách thần tình như mình là người trong cuộc. Truyện như vầy ta vẫn thường gặp đâu đó ở ngoài đời. Một người vợ yêu chồng hết mực. Chồng là một người lấy nhân ái làm trọng, cả hai cưu mang một cơ nhỡ, người chồng bị nạn, cơ nhỡ từ cảm kích đem lòng yêu… Thường tình thôi, nhưng qua ngòi bút của Đạt bỗng lung linh bảy sắc cầu vồng. Đây là một truyện ngắn hay, đáng để độc giả bỏ thời gian để đọc.
       Tôi nghe nói truyện nầy đã được chuyển thể thành phim. Không biết phim ra làm sao? Hy vọng phim chuyển được cái thần của truyện.

         Nguyễn Trí  (Hội viên Hội VHNT tỉnh Đồng Nai)




         Đút cơm cho thằng Bùm xong, chị vào trong vác búa ra phía sau chẻ củi. Mỗi lần đưa cái búa nặng trịch lên cao, tay chị run bần bật và những nhát búa bổ xuống khúc củi cứ trầy trật, nhọc nhằn hệt như cuộc đời của chị.
Mấy bà đi chợ sớm, thấy chị một thân một mình làm những việc của đàn ông, ai cũng xót thương. Số phận nghiệt ngã đã đưa đẩy chị vào con đường khốn khó. Anh Toàn, chồng chị, sau khi bị tai nạn giao thông, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa anh mới sống được nhưng hoàn toàn mất trí. Người điên điên dại dại, suốt ngày chạy tưng tửng theo lũ trẻ cười nói vô hồn. Ra chợ gặp cái gì thì lượm cái nấy, có khi là vài cọng thun khoanh, bịch nilon, lon bia... thậm chí anh còn lượm cả vỏ chuối, vỏ xoài mang về bỏ lênh láng từ ngoài sân cho đến trong nhà, có khi còn bỏ cả trên giường ngủ. Chị Phụng suốt ngày vất vả với gánh tàu hủ trên vai rao bán khắp xóm, chiều về lo cho má chồng già yếu, rồi cơm nước cho con cái đến tận chạng vạng tối. Đã vậy, chị còn dọn dẹp cho sạch mớ phế thải mà anh Toàn mang về. Nhiều lúc mệt quá, chị ngồi xuống bậc thềm khóc mướt. Nước mắt có chảy riết rồi cũng khô, chứ số phận “có chồng mà như không” thì không dừng đeo bám chị chẳng biết đến bao giờ. Thấy chị cực quá, má anh Toàn nói: “Mấy chuyện nặng nhọc vậy sao con không nhờ thằng Sơn nó làm cho!”. Nghe má chồng nói vậy, chị kéo vạt áo lau mồ hôi trên trán, đứng tần ngần hồi lâu. Anh Sơn là bạn thân của anh Toàn, lúc chưa bị tai nạn, thấy gia cảnh anh Sơn nghèo khó lại mồ côi cha mẹ, anh Toàn thương nên cho anh ở nhờ nhà mình để đi làm thuê cho xưởng mộc. Tiền chợ hàng tháng, anh Sơn đều phụ cho chị, có khi còn cho tiền thằng cu Bùm. Chuyện nhỏ nhặt trong nhà cái gì cũng nhờ người ta coi sao được. Chẻ xong củi, mặt trời lên khá cao, anh Sơn đi làm ca đêm cũng vừa về đến nhà, thấy chị ướt đẫm mồ hôi, anh cằn nhằn: “Sao không để đó tôi về chẻ cho! Làm việc nặng nhọc tay chân phồng hết còn gì!”. Chị không nói gì, vào trong xếp mớ chén vào gánh tàu hủ, quảy ra chợ.
Chiều, trước khi đi làm ca đêm, anh Sơn xách nước đổ đầy các lu, ôm mớ củi vào bếp xếp gọn gàng. Xay đậu nành cho chị Phụng xong, anh dặn dì Hai: “Ở nhà, má đừng đi lại chỗ giếng nước nhen! Nó trơn, dễ té lắm!”. Rồi quay qua thằng Bùm dặn đủ thứ chuyện, mà bé Bùm biết gì mà dặn với dò, nói đây là để chị Phụng đang rửa chén dưới nhà sau nghe: “Ở nhà, đừng cho mẹ chẻ củi xách nước nghe con!”. Như sợ chị Phụng không nghe, anh lặp đi lặp lại hai ba lần với thằng Bùm giọng thật lớn. Chị đâu có điếc nên dù ở nhà sau, chị vẫn nghe rõ, chị còn thấy anh ngồi xuống ôm thằng Bùm vào lòng hôn nhẹ lên trán nó rồi âu yếm như thể con mình. Nghe, thấy vậy thôi, chứ chị Phụng nào có quan tâm. Mấy tháng nay, ngày nào chị cũng nghe anh nói với thằng Bùm mấy câu ấy, nhưng thằng Bùm là con nít mới biết nói bập bẹ, đâu hiểu gì những lời từ tim anh gởi gắm, anh đi rồi, ở nhà chị làm rã mồ hôi mà nó có cản tiếng nào đâu. Chị chỉ lo giờ này sao anh Toàn đi đâu chưa về. Đám con nít cả xóm đã về nhà bưng cơm ăn hết rồi mà sao tiếng cười hoang dại của anh chưa vang ngoài đầu ngõ. Chị thương cho thân anh. Hồi nào tới giờ không quen sương gió, bây giờ vì bệnh tật mà dãi nắng dầm mưa. Hồi mới phát bệnh, ngày nào chị cũng đi tìm anh. Hỏi thằng Tèo thì nó nói thấy anh đứng nhai mía ở dốc Đình, chạy xuống dốc Đình không thấy anh đâu. Hỏi thằng Tí thì nó nói mới thấy anh đội cái bao bố lên đầu đi ra hướng chợ, chị chạy ra chợ, bà con nói thấy anh cười ha hả chạy theo đàn bò của chú Hai mới đuổi lên xóm trên, chị lại chạy lên xóm trên… Đôi chân chị mỏi nhừ vì chồng, tai chị nghe đầy những câu nói suông thương hại. Tất cả những thứ đó sao bù lại được những gì mà anh Toàn trước kia dành cho chị. Bởi vậy, chị không hề than khổ với ai. Ngay cả anh Sơn, người ở chung nhà gánh vác hết mọi chuyện phụ chị, anh cố làm vơi đi nỗi cô đơn, nỗi trống vắng trong chị, vậy mà chị vẫn một lòng chung thủy với tiếng cười hoang dại của anh Toàn. Ngày cũng như đêm, chị chăm lo thật tươm tất từ trong ra ngoài cho anh, mặc dầu chưa khi nào anh Toàn nhận ra chị là vợ mình.
Chủ nhật, anh Sơn sửa lại chỗ dột trên mái nhà. Chị đi bán về, thấy anh một mình lúi húi móc liếp tranh lên cây tầm vông bỏ lên nóc nhà, rồi bắc cái thang trèo lên cột lạt. Sợ anh té, chị đến vịn cái thang, anh Sơn ngoái đầu nhìn xuống cười ấm áp. Mấy người hàng xóm đi ngang thấy chị vịn, anh trèo thật tình tứ liền che miệng nói nhỏ với nhau: “Coi hai đứa kìa, hổng mấy xúi con Phụng bước thêm bước nữa với thằng Sơn cho đỡ khổ!”. Họ chỉ nói nhỏ với nhau vậy thôi, chứ chị Phụng cũng biết bụng dạ mình như thế nào mà. Nhưng làm vậy coi sao đặng, anh Toàn tuy điên điên, dại dại nhưng vẫn còn sống sờ sờ trước mặt. Làm vậy chị tội cho người đàn ông trong anh, tuy bây giờ anh mất trí nhưng thân xác trần trụi kia liệu có tha thứ cho chị khi đầu ấp tay gối với anh Sơn. Nghĩ đến đó, tự nhiên chân chị muốn trèo lên nóc nhà kêu anh Sơn xuống để chị cột lạt. Ngồi trên nóc nhà thấy chị bước lên thang, anh hốt hoảng: “Ê ê, coi chừng té! Mà làm cái gì vậy?  Để đó cho tui!”. Chị  vẫn trèo lên rút sợi dây lạt bó liếp tranh đang tấp tả phất phơ như thách thức phận tay yếu chân mềm. Hiểu tính chị, anh Sơn chỉ còn biết âm thầm trèo xuống lấy cây dù lên che cho chị. Anh sợ chị nắng, chị đen chứ chị mà có cần gì đến anh!
Càng ngày bệnh anh Toàn càng nặng. Ban đầu, anh có đi đâu chăng nữa thì chiều cũng về nhà cho chị Phụng tắm rửa thay đồ, riết rồi nửa đêm anh chưa về, rồi sáng đêm anh vẫn biền biệt. Chị Phụng đi tìm hoài mà không gặp, đêm về chị trằn trọc lo cho anh, nghe tiếng thở dài của anh Sơn dưới nhà sau, lòng chị chao đảo. Nghe anh Sơn trở mình, cái giường tre kêu lét két chị càng thương anh Toàn nhiều hơn. Chị nhớ ngày mới cưới, anh Toàn tay ngang đóng cái giường tre không chắc, hai đứa nằm mà nó cứ kêu kèn kẹt, má chồng nằm bên trong lãng tai tưởng nhà hôm nay nhiều mọt. Đêm nay, tiếng động quen thuộc đó lại vang lên từ giường anh Sơn, cộng với tiếng mưa đêm rào rào ngoài mái hiên, chốc chốc lại vọng lên tiếng tằng hắng cô độc của anh Sơn, càng làm cho chị Phụng lạnh thấu xương. Căn nhà trên, chỗ chị nằm, sao mà rộng quá, trống trải quá! Ôm thằng Bùm vào lòng, chị ứa nước mắt. Nằm bên trong dì Hai cũng trăn trở, bà ngồi dậy ngoáy trầu, mắt nhìn ra hiên trông ngóng: “Tụi bây đi kiếm thằng Toàn lần nữa coi, mưa lớn quá, tao lo!”. Chị Phụng vội ngồi dậy, thằng Bùm khóc thét, anh Sơn ở nhà sau cũng vội chạy lên. Với tay lấy cái áo mưa trên vách, anh Sơn nói với chị: “Ở nhà với thằng Bùm, để tôi đi!”. Anh Sơn đi rồi, chị Phụng lặng lẽ ẵm thằng Bùm vào trong với bà nội, rồi cũng nhẹ nhàng bước ra cửa.
Mưa rát rạt, trời tối đen, anh Sơn đi tìm một vòng từ dốc Đình ra đến chợ, rồi rảo bước lên đến xóm trên mà cũng không thấy anh Toàn đâu. Anh ngồi xuống lề đường nhìn màn đêm mà nghĩ đến chị Phụng ở nhà lo lắng rồi mất ngủ. Nhờ tia chớp của mưa đêm, anh phát hiện mờ mờ cái áo trắng của chị Phụng ở phía xa. Anh vội chạy lại, chị Phụng hứ một tiếng: “Sao không đi tìm anh Toàn mà quay lại với tôi chi?”. Anh Sơn không nói gì, choàng áo mưa qua đầu rồi kéo chị sát vào người nói khẽ: “Sao không ở nhà, ướt hết rồi, trời lạnh lắm!”. Chị Phụng thoáng rút vai lại định chui ra nhưng vòng tay anh Sơn rộng quá, vững chắc và ấm cúng quá, đã kéo chị bước đi như người mộng du. Chị đi mà như không định hướng được mình đang đi đâu, bàn tay rắn chắc của anh Sơn đã đưa chị rẽ vào căn chòi vịt hoang ngoài đồng vắng. Mặc anh Toàn giờ này đang ở đâu, mặc cho những lời dao búa của dư luận, lúc này chị chỉ còn thấy ngã nghiêng, bồng bềnh trong vòng tay trần săn chắc của anh Sơn. Dưới làn mưa đêm mù mịt, căn chòi nhỏ xíu trên đồng không che đủ hai thân thể đang cuồn cuộn khát khao tình cảm, họ gần nhau trong ngổn ngang trăm mối tơ vò... Ngoài trời, mưa vẫn ào ào, gió giật từng cơn làm ngã nghiêng những tàn cây trên đồng. Từ một khúc quanh phía xa, dáng anh Toàn thấp thoáng trong mưa đêm, vừa đi anh vừa nhảy tưng tửng. Một hồi lâu có lẽ vì thấm lạnh, vô hồn bước chân anh tìm đến căn chòi. Trời tối quá, anh lần từng bước nhẹ nhàng vào chòi. Bỗng tia chớp loé sáng, trước mặt anh hai cơ thể trần trụi đang mơn trớn lấy nhau, anh bước tới gần hơn rồi bất thần vỗ tay cười ha hả, tiếng cười của anh Toàn như xé tan màn đêm vốn tối tăm huyền bí. Chị Phụng đẩy anh Sơn ra, vội chạy vào màn mưa. Chị chạy thật xa. Xa lắm. Vậy mà tiếng cười ngây dại của anh Toàn vẫn văng vẳng bên tai.
   Sau lần đó chị Phụng cứ lầm lũi, cảm giác phạm một tội tày trời choáng lấy chị. Anh Sơn vốn ít nói, nay càng im lặng hơn. Suốt ngày, cứ lao vào những công việc nặng nhọc, gặp nhau trong nhà mà như người xa lạ. Còn anh Toàn, vẫn với tiếng cười hoang dại. Chị Phụng nghe tiếng cười ấy hàng ngày, vậy mà giờ đây tiếng cười ấy cứ xoáy vào tâm can như muốn nhàu nát ruột gan chị. Phải chi, anh đánh đập chị thì có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn. Chị nhắm mắt, những dòng nước tự do chảy dài xuống má, xuống môi để cho chị nếm hết cái mặn chát, đắng cay của một người vợ phản chồng.
   Đọc lá thư đoạn tuyệt và những lời từ sâu thẳm trái tim của chị Phụng, anh Sơn không nỡ làm người tình phải khổ đau và bị giày vò thêm nữa. Gom đồ đạc bỏ vào ba lô, cũng chẳng có gì đáng giá để mà gom, chỉ vài cái quần đùi, một bộ đồ bạc màu mà trước giờ anh vẫn mặc đi làm trong xưởng gỗ. Chỉ có đôi dép là mới vì tháng trước chị Phụng đi chợ thấy người ta bán đại hạ giá mua về cho anh. Anh không mang mà đem cất, định Tết này đem ra mang rồi chở thằng Bùm đi coi múa lân. Anh Sơn ngồi nhìn đôi dép nằm lẫn lộn với mớ đồ hồi lâu, cuối cùng anh móc nó ra khỏi ba lô đem để ngay ngắn dưới đầu giường chị Phụng, rồi trở xuống khoác ba lô lên vai. Trước khi đi, anh dúi vào tay thằng Bùm vài tờ bạc: “Chú cho con ăn bánh, ở lại nhớ ngoan nghe lời mẹ với bà nội nghe con!”. Anh bước ra ngoài trong cái nắng vàng hoe của một buổi chiều gió lộng. Chị Phụng đi bán về đến đầu ngõ, đứng nép mình bên bờ rào nhìn theo bóng anh Sơn khuất dần sau hàng tre. Chị đứng tần ngần thật lâu, màu hoa tím bên bờ rào như tràn ngập trong gió chiều lồng lộng. 

Đào Văn Đạt (Bình Dương)

                                                                             

No comments:

Post a Comment