Lời giới thiệu của Đào Văn Đạt: Tôi biết đến Nguyễn Thành Công trong một bài viết dự thi “Chuyện bây giờ mới kể” do báo Người Lao Động tổ chức cách đây không lâu. Rồi tiếp theo là những bài viết trên trang “phiếm đàm” của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Văn của Công mộc mạc mà sâu sắc mang đầy tính triết và thiền. Tôi thích cách hành văn của Công - không ủy mị mà mềm mại, không cầu kỳ mà chắc tay đến lạ kỳ. Rồi hai anh em có dịp gặp nhau tại chân cầu Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu trong chuyến đi thực tế sáng tác của Hội VHNT tỉnh Bình Dương. Ngoài đời nhìn Công có vẻ phong trần không có dáng vóc gì của một nhà văn, thế mà trong con người có vẻ “xù xì” kia chứa cả một bầu trời văn thơ lãng đãng. Hiện tại Công còn mở một nhà sách tạm gọi là “nhà sách dã chiến” phi lợi nhuận tại quê nhà để phục vụ cho trẻ em đường phố, một công việc thầm lặng mà đầy tính nhân văn. Chúc bạn tôi gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp văn chương.
Đào Văn Đạt – Hội viên Hội VHNT Bình Dương
Khi tập tành viết báo, tôi lúng ta lúng túng rất tội, mà có lẽ ai trong cảnh ấy cũng thế thôi. Cô bạn xinh đẹp là nhà báo có thẻ hẳn hoi, tốt nghiệp khoa báo chí Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM, trở thành người hướng dẫn tôi kiểu cầm tay chỉ việc, do đó trong lòng (không nói ra) tôi gọi cô ấy là thầy. Thầy nghiên cứu để có cách dạy đặc biệt kiểu đo ni đóng giày, cho riêng tôi. Nhớ lại thấy mắc cười, khi tôi hỏi: “cái gì quan trọng nhất”, thầy đáp: lạ. Một thời gian sau tôi lại hỏi y chang như thế, song có đáp án khác: “ngắn”; “nhập vai điều tra”; “viết cho ai”… Như vậy mà nhào nắn mãi rốt cuộc tôi cũng viết được mấy bài báo!
Đúng là cái gì lạ thì hấp dẫn. Quê tôi từ cha sinh mẹ đẻ nước mặn chát quanh năm, gần ngay cửa biển Gành Hào, nước ngầu đục phù sa ngày đem cuồn cuộn chảy ngang thị trấn nhỏ, ròng lớn lên xuống như kiếp người. Nước chảy xiết đến nỗi ai yếu bóng vía lần đầu nhìn từ cầu xuống sẽ chóng mặt, xuồng ghe bơi ngược nước bằng chèo là không thể, còn gắn máy nhỏ cũng chật vật. Khi bé có lần tụi tôi xăn quần lội ngang sông rộng cho biết, kết quả là sang được bờ bên kia trong tình trạng tơi tả, nhưng nhìn lại đã bị nước đẩy đi rất xa “bến nước” lúc “khởi hành”, thấy mà phát ớn.
Tác giả Nguyễn Thành Công, sinh năm 1969, quê quán Bạc Liêu
Nước mặn đắng, đụng tay đụng chân rít chịu không nổi, ngứa ngáy khó chịu lắm. Độ mặn cao, là vùng đất lý tưởng để các loài sinh vật nước mặn phát triển. Vùng đất quê tôi có thời rất dễ kiếm ăn, ra đồng một chút xíu có cua có cá, ngay con sông ngầu đục gần nhà cũng quăng câu thả rập được, có miếng ăn. Cua biển nhiều đến độ lấy gạch nấu bánh canh, tôm đất lột vỏ nấu cháo theo kiểu tép nhiều cháo ít. Nghèo mà dân quê tôi “giàu dinh dưỡng” do thức ăn phong phú, toàn loại bây giờ người ta gọi là đặc sản có vị trí trong nhà hàng.
Nước mặn, dân quê tôi quen mắt với những con đường khô khốc trong nắng gió nhiệt đới, bụi bay mù trời, nước mưa táp mặt, mảnh đất trùi trũi ít được che chắn. Ngay từ bé chúng tôi không được biết đến con đường làng rợp mát dưới những tán lá, cánh còn dập dờn, hay giọng hò trên sông đọc “thấy trong sách”, đấy là cảnh miền nước ngọt.
Bây giờ thì có sự lạ. Người ta làm cống ngăn mặn trong một chương trình hoành tráng tầm quốc gia. Lần đầu tiên từ thuở khai thiên lập địa, dân quê tôi thấy lục bình trôi dập dờn trên sông, đấy là khi người ta mở cống, những dòng lục bình xanh um lũ lượt theo khối nước ngọt khổng lồ tràn vào vùng nước mặn. Người đi ngang cầu chậm chân, cúi nhìn những cụm lục bình xanh um trôi ngang, ở gần ở xa… Những chiếc vỏ lải xé nước, tách những cụm lục bình ra, nước tung trắng xóa, trên cầu nhìn xuống thấy thật lạ, lý thú…
Hình như lục bình chết nhanh trong môi trường nước mặn, những rồi lại có những đợt xả nước khác, dòng sông vẫn có lục bình thường xuyên.
Miền nước mặn đã xuất hiện một vẻ đẹp mới. Quê không chỉ có chầm gọng, lức, dừa nước… mà trong danh sách “cư dân” xuất hiện người bạn mới: lục bình. Nắng oi ả, đi bộ hay chạy xe ngang cầu, đã có cái để nhìn, ngắm, thấy yêu hơn quê mình.
“Thầy” tôi, cô bạn xinh đẹp nhà báo, đã nhấn mạnh: lạ mới hay, mới hấp dẫn. Lục bình trở thành sự lạ đầy lôi cuốn ở quê tôi, bây giờ. Lục bình miền nước mặn…
Bạc Liêu, 25 tháng 9 năm 2013
Nguyễn Thành Công
No comments:
Post a Comment