Sunday, October 6, 2013

NGƯỜI ĐÀN ÔNG MANG MẶT NẠ CƯỜI – Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây


                                                                                                      

 Nàng vừa đi vừa thủ thỉ chuyện chồng con. Giọng nói, tiếng cười ấm áp và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc khiến tôi vừa xúc động vừa đau đớn.
          Tôi cô đơn, rất cô đơn! Dù tôi có vợ và con. Số lượng con cái của tôi nhiều hơn nàng gấp ba lần. Nhưng “chất lượng” lại kém hơn nàng cũng ba lần. Sáu đứa con của tôi, trai gái đủ cả. Chúng cũng thành đạt. Thế nhưng chúng là con số không tròn trỉnh, to tướng. Không đứa con nào của tôi còn nhận ra cha chúng còn sống và cánh cửa cuộc đời sắp khép lại sau lưng. Chúng không nhìn thấy mái tóc bạc trắng lưa thưa. Ánh mắt tôi không còn tinh anh. Và, đôi môi tôi từ lâu lắm thiếu vắng nụ cười thật sự. Chúng đâu nhận ra tôi cũng nhếch mép nhưng đấy là giả đò vui thôi. Để tự dối lòng ấy mà.
          Nàng không hề biết điều đó. Bởi bề ngoài của tôi vẫn dịu dàng, ánh mắt nhìn nàng cũng nồng nàn như thuở nào rất xa. Dù tóc đã nhuộm khói sương, nàng cứ hồn nhiên cười, nói. Tiếng cười trong trẻo, giòn tan như thời con gái. Giọng nói vẫn êm như tiếng gió khẽ khàng lướt qua khung cửa sổ. Nàng hạnh phúc! Tôi vừa mừng vừa ghen tị. Một nỗi hờn dỗi vô cớ âm ĩ trong lòng tôi suốt thời gian dự trại sáng tác văn học của thành phố. Nàng có hai con trai. Chúng cường tráng như cha chúng. Còn tâm hồn thì giống hệt nàng. Chân chất, giàu tình người và lãng mạn. Cả hai đều tốt nghiệp Đại học. Một đứa đã có vợ và sinh cho nàng hai cháu trai ngoan ngoãn. Vợ chồng chúng đã ra riêng,  đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng chúng bíết kính yêu cha mẹ và dạy hai đứa cháu trai lúc nào cũng phải thương quí ông bà nội. Khi nói về đứa con trai út, giọng nàng tha thiết hơn. Nàng bảo nó là món quà quí Thượng đế trao cho nàng. Là tài sản không gì so sánh được. Thằng bé. Nàng thích gọi thế dù nó đã hơn hai mươi lăm tuổi, là giảng viên một trường Đại học, là bí thư Đoàn khoa. Nó còn là một tay soạn kịch rồi tham gia biểu diễn luôn đạt thứ hạng cao. Bàn chân nó như có cánh khi vào sân cỏ thi đấu, nó luôn làm  rung lưới đối phương. Lúc nào trong óc thằng bé cũng nảy ra những ý tưởng sáng tạo. Nó và hai người bạn đã thiết kế, trang trí một quán cà phê Sinh Viên rất độc đáo. Ở  đó, sinh viên quản lý, sinh viên phục vụ và sinh viên tha hồ là Thượng đế   Đến với quán cà phê Sinh Viên là đến với một khung cảnh nên thơ, êm đềm, tiện nghi. Vừa được nhấp nháp từng ngụm cà phê thơm ngát, đậm đặc tê đầu lưỡi  lại rẻ tiền hơn nơi khác rất nhiều. Nàng khoe hàng tháng con nàng lời ít xịt nhưng nó nuôi được cả chục sinh viên  thông qua tiền lương quản lý và phục vụ và giúp rất nhiều sinh viên khác có chỗ để thư giãn, kết nối với bạn bè khác thông qua mạng internet.
          Đang đi, nàng dừng lại, bồi hồi nhìn vào mắt tôi rồi nói: “Anh à, điều làm em hạnh phúc nhất là con trai em yêu văn học, anh ạ. Nó cũng viết văn, làm thơ. Nó biết làm tan biến chai cứng lòng người trong thời đại kinh tế thị trường, vật chất đứng hàng đầu và biết thổi vào  tim mọi người cảm xúc yêu thương vô tận. Tuy chưa là cây bút điêu luyện nhưng bài viết của thằng bé đậm chất nhân văn, chân thật. Em hạnh phúc lắm, anh biết không?
          Tôi nắm lấy tay nàng dịu dàng bảo: “Anh biết. Anh nhận ra từ khi vừa gặp em, khi em chưa huyên thiên về chồng và những đứa con”. Nàng cười ngặt nghẽo: “Vậy à,  mà em quên. Còn anh, cuộc sống anh thế nào rồi? Anh hạnh phúc chứ?”
          Tôi cũng gật đầu  để nàng yên lòng và cũng để tự an ủi mình: “Chúng thành đạt cả em ạ. Năm đứa con anh đã có gia đình. Còn đứa con gái út thì mãi bôn ba. Chẳng hiểu bao giờ mới chịu đưa về nhà thằng rể quí. Nó là đứa có hiếu nhất. Như lần đi dự trại nầy, nó đã đưa cho anh năm triệu để tiêu xài”. Nàng Woo lên kinh ngạc. Nàng bảo thằng Út cho nàng hai triệu nàng tưởng là nhiều lắm. Nào ngờ tôi còn hạnh phúc hơn. Nhưng nàng đâu ngờ rằng tôi đã nói phóng lên gấp mười lần. Và chiếc máy ảnh tôi mang theo là của con gái cho mượn chứ không phải mua tặng tôi như tôi khoác lác. Mà khi đưa máy cho tôi, nó đã dặn đi dặn lại hàng chục lần là đừng làm mất, đừng làm trầy trụa, đừng cho ai mượn cả và cũng không được dùng máy  này chụp ảnh cho bất kỳ ai. Nàng đâu biết,  lại cười to: “Em thật là! Em cứ tưởng mình là nhất trên đời, nào ngờ anh vượt xa em đến thế. Từ dạo ấy đến giờ, anh luôn thắng em đó nhe.”
          Dạo ấy là dạo chúng tôi yêu nhau đấy mà. Cái dạo hạnh phúc nhất đời tôi mà mãi đến giờ tôi mới nhận ra. Sự nhận ra muộn màng, tức tối. Cái dạo cùng lên giảng đường Đại học bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Tôi gò lưng thồ nàng sau lưng. Trong lúc tôi mướt mồ hôi đạp xe lên dốc thì nàng giăng hai tay đón gió, cười nói không ngừng. và khi tụt dốc, nàng ôm chầm lấy tôi, ép khuôn mặt tươi hơn hớn lên tấm lưng gầy gò của tôi mà cười. Hai đứa thường có những ngày bụng rổng vì không tiền ăn sáng. Nhưng khi cha mẹ gửi tiền lên thì lập tức chúng tôi trở nên quí tộc, chiều ra quán cà phê ven sông ngồi nhấm nháp từng ngụm cà phê đặc quánh, thơm lừng, hay  sánh vai nhau ra công viên  ngồi bệt trên vệ cỏ mút kem  cây béo ngậy, thơm nứt mũi. Nhưng  sau lần về quê ăn giỗ, tôi trở lên với chiếc xe máy mới cáu cạnh. Tôi phóng xe như bay  qua mặt nàng. Rồi cùng nhóm bạn khác đến các tụ điểm ăn chơi, thản nhiên để một mình nàng  lặng lẽ đạp xe sáng chiều đi học. Vì trong lần về quê, tôi đã quen một người con gái khác. Cô ta không đẹp bằng nàng, trình độ  chưa qua hết bậc tiểu học nhưng cô ấy có đặc điểm là dám yêu và dám hiến dâng tất cả cho tình yêu. Tôi tha hồ hưởng thụ tình yêu ấy. Và tôi nhanh chóng vượt qua nàng bằng một đám cưới rình rang ở quê nhà.
          Những ngày ăn chơi dạo ấy đã để lại hậu quả tai hại là tôi rớt tốt nghiệp Đại học. Trong khi nàng đã ra trường đi dạy ở một tỉnh xa thì tôi lủi thủi quay về quê làm ruộng. Sau đó tôi có  thi lại mấy lần nhưng cái bằng tốt nghiệp Đại học như tờ giấy thông hành vĩnh viễn không dành cho tôi. Tôi biến thành nông dân và thỉnh thoảng làm dăm ba bài thơ ngạo… mình khi nhận ra lấy một người vợ   trình độ học vấn thấp lè tè, không ngang bằng mình  cũng dễ dẫn đến bất hạnh trong hôn nhân. Khi bắt đầu làm mẹ,  cô ấy không còn yêu chìu tôi nữa mà xem tôi như một gã sống bám vạt áo  vợ. Tôi như người thợ cấy gặt thuê trên ruộng đất nhà nàng. Thỉnh thoảng được cày xới lên da thịt nàng nhưng nỗi hưng phấn, hạnh phúc trong lòng tôi nguội lạnh. Tôi cứ sống âm thầm, cô đơn giữa vợ và sáu đứa con.
           
          Bây giờ, gặp lại nàng trong lần tham gia trại sáng tác văn học, đi bên nàng dọc bờ biển, nghe nàng tíu tít chuyện chồng con, lòng tôi như bị ai nghiền nát. Nàng không hề biết. Cứ chốc chốc reo lên khi chiếc điện thoại réo liên tục. “Anh đó hả? Em khỏe. Dạ vui lắm anh ạ! Em gặp lại nhiều bạn cũ. Hihi…em được làm quen với nhà văn X   anh à. Tuyệt lắm! Anh sao rồi, phải ăn uống đầy đủ nhe. Dạ, em chào anh. Em yêu anh!” . Rồi nàng xoay qua tôi: “Anh ấy vẫn thế. Em đã già rồi mà cứ tưởng như em là con nít không bằng. Cứ dặn đi dặn lại mãi.” Rồi nàng chạy đuổi theo con còng gió, quỳ xuống bãi cát ẩm, chổng mông nhìn vào cái hang bé tí, ríu rít gọi: “Anh ơi! Lại xem nè. Nó trốn trong này này. Hi hi….Dã tràng xe cát bể đông phải không ?” Tôi xúc động, sà xuống   cầm lấy bàn tay nàng đưa lên môi nhưng nàng đã vội rụt tay về rồi mỉm cười lỏn lẻn. Nụ cười khiến tôi bối rối giây lâu. Thuở đó, nàng cũng thế. Lúc nào cũng bẽn lẽn, rụt rè và cứ khư khư giữ lấy sự trinh trắng cho bằng được. Mỗi lần tôi không kềm lòng được, ôm ghì lấy nàng, chưa   gở được  cái nút  áo  ngực thì nàng đã vùng ra và chạy biến vào dòng người ngược xuôi ngoài phố. Để lại trong lòng tôi nỗi ấm ức, xen lẫn háo hức cả mấy ngày sau đó.
          Trái ngược với nàng,  người con gái quê tôi vừa nhác thấy tôi trong bữa ăn giỗ đã lúng liếng liếc mắt, đưa tình. Thoạt đầu tôi cũng muốn đùa cho vui nên nháy mắt với cô ấy. Vậy là cô ta lân la đến gần rồi ly thưởng, ly phạt với tôi cho tới khi nghiêng ngã. Đêm đó, khi tiệc tàn, mọi người về hết, tôi và nàng khoát tay nhau ra chỗ mấy cây rơm của xóm để tán chuyện. Nàng chủ động ôm hôn tôi rồi tự mở tung các cúc áo  mình để tôi tha hồ khám phá. Những ngày ở quê, tôi thật sự no đủ tình yêu xác thịt  và giàu có tiền của. Cô ấy dấm dúi vào túi tôi những tờ giấy bạc mới toanh và chiếc chìa khóa xe máy mới cáu cạnh. Nhưng sau những ngày hoan lạc, tôi bắt đầu gậm nhấm cô đơn. Mọi thứ tàn lụi nhanh chóng khi cái bằng Đại học vuột khỏi tầm tay. Tôi trở về quê với hai bàn tay trắng sống những ngày tháng vợ chồng cứ như những tờ lịch cũ kỹ  giống hệt nhau. Sáng sớm ra đồng, cắm mặt xuống đất đến tối mịt mới về. Thỉnh thoảng được bà xả cho ôm ấp rồi ngủ đến khi gà gáy. Lâu lâu, khi nông nhàn, những đêm trăng đẹp, tôi mò ra bến sông ngồi nhìn sóng nước ì oạp vỗ bờ mà nhớ tíếc một thời đã qua. Tôi tiếc ánh mắt dịu dàng, bẽn lẽn và cử chỉ e ấp của nàng. Rồi tôi dệt khát khao của mình thành thơ, thả trôi theo dòng đời vạn nẻo.
           Nàng đứng giăng tay trước biển. Nắng chiều phủ một tấm lụa vàng óng lên người nàng. Gió thổi mái tóc lóng lánh sáng phất phơ sau tấm lưng thon. Nàng kêu lên những âm thanh trầm bỗng gì đó nghe như tiếng hát xen lẫn tiếng hòa âm rì rầm của biển.  Nàng quay lại, thảng thốt kêu lên: “Anh sao thế, anh khóc hả anh?”.
Nàng nào biết tôi vừa đánh rơi xuống biển chiếc mặt nạ cười!

Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)




No comments:

Post a Comment