“đếm đời người trăm năm
tôi rong chơi một khắc...”
Hai câu thơ mở đầu trong bài thơ Một Khắc Trăm Năm, như một câu nói bình thường, nhưng người-thơ Lê Phương Châu đã làm cho người đọc thảng thốt, rung động. Một Khắc hiện tiền gói trọn Trăm Năm? Câu-chuyện-thơ kể ngắn gọn trong 6 khổ thơ dung dị, bình thản về một nơi chốn quê nhà, nay đã trở thành kỷ niệm, hồi ức. Bài thơ như một khung nhạc trầm lắng, “đình làng mái phủ rêu/thánh thần mòn tróc lở/cây sung già cổ lổ/nghẹn lòng thở xiết rên...” Nơi chốn ấy vẫn còn trong tâm thức của người-thơ, âm vang như cơn gió nhẹ, thoáng chút ngậm ngùi bể dâu, để rồi lúc trở về, “lá rụng – cội về nguồn/tôi – chiều quê thong thả/lạnh lùng ngắm xung quanh/soi bóng mình giếng cạn...” À ra thế! Bóng mình giếng cạn, phải là một người đã từng trải, phiêu dạt gió bụi, mới nghiệm ra điều thiết cốt ấy. Vậy nên, “xin gửi lại ân tình/chút sinh linh – tôi/mùa đông – mùa bão rớt/trôi về biển sớm mai!” Khổ thơ cuối chấm dứt bằng một dấu chấm than mang âm vọng của một lời chào, chào Một Khắc Trăm Năm huyễn mộng nhưng tràn đầy lòng bi mẫn! Cuộc rong chơi trong tâm thức của người-thơ cũng là một cuộc hẹn-trở-về, biển sớm mai, một hình ảnh, một cách nói ẩn ngôn của sự hòa điệu trong nhịp sinh thành của vạn hữu. Bài thơ dung dị như hơi thở, nhưng đã cho người đọc một niềm cảm ứng sâu xa về một chốn quê nhà…!
Thơ Lê Phương Châu không ồn ào dậy sóng mà hiền hòa như những ngọn gió điền dã, giọng thơ như lời độc thoại với chính mình, “mình tôi khêu bấc đèn dầu/phút giây ẩn hiện sắc màu cao nguyên...” Thơ, với Lê Phương Châu như một ân sủng của trời đất, “một câu thơ nghiền ngẫm mãi chưa rời/đêm sắp thẳng hàng – thuyền vọng viễn khơi/đất nứt nẻ chôn vùi chữ nghĩa/vẫn chút nắng vàng – vẫn có tôi!” Thơ, với Lê Phương Châu như một niềm tín mộ,“lắng nghe trong chữ nghĩa/vô vàn ý thơ rơi/nhặt ba hồn chín vía/kết sợi thơm dâng đời!” Sợi Thơm ấy, khởi đi từ cội nguồn tinh mật của kiếp người là tiếng nói? Tiếng nói trong trẻo, trong veo nhất của kiếp Người là Thơ? “đội mưa mùa thu tím tái/lung linh tiền kiếp trổ hoa/man mác suối mơ xanh lục/ngập đôi bàn chân đi qua!”
Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng chất ngất hoài niệm, chiêu niệm,“đã qua rồi bão lửa chiến chinh/mất còn ai như bóng tượng hình/mắt rủ vọng âm – hồn chiêu niệm/hồng chung thức tỉnh lưới vô minh...” Nỗi chung và niềm riêng khôn nguôi,“thẩn thờ đếm bóng thời gian/thương giòng nước bạc - nhớ tràn điêu linh/về đây - cát bụi thâm tình/long đong muôn hướng có mình có ta/trăm năm hội ngộ cũng là/chuyến đò dang dở - ánh tà dương soi/một dòng trôi – một giòng trôi/chiều nay gió cuốn trên đồi thinh không/rất xanh một bóng trăng lồng/rất nhiều chiêu niệm trong vòng tay ôm.” Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng không bi lụy. Phải chăng người-thơ đã “thức tỉnh lưới vô minh”? Có chút gì tưởng tiếc dẫu rằng trong tỉnh thức, “ánh sáng vô tâm đồi cỏ cháy/đầy vơi tay níu lại ân tình/biệt xứ - cũng đành thôi gió tạt/cũng đành tiếng khóc giữa vô minh”
Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng vẫn ẩn dấu nét đẹp cổ điển, vững vàng, tài hoa về thi pháp:
ta biết tìm em ở hướng nào
tình say ý mộng ngỡ chiêm bao
mưa rơi gác vắng - trăng mờ khuất
nắng rụng thuyền khua - sóng gợn chao
thấp thoáng ai qua choàng lụa tím
mơ hồ kẻ ở ngóng trời cao
Đông Tây
thế nhé mai sau một tiếng chào!
(Phương Nao)
“em”,“phương em,” theo người-thơ bộc bạch tâm sự, đây là cuộc truy tìm bản ngã của chính mình trong những đêm tĩnh tọa giữa tịch mịch hư không. Tiếng-chào-tri-ngộ ở cuối chặng đường sinh tử há chẳng phải là niềm hoan lạc đấy sao?! Tiểu ngã trùng phùng đại ngã! Cuộc-trở-về với bản lai diện mục chính là niềm khát khao vô hạn của người-thơ. Còn niềm hỉ lạc nào hơn! “cám ơn đời cho tôi/đôi mắt nhìn khép mở/cám ơn lời dịu dàng/vần thơ tôi hoa nở/ - cám ơn người nhìn tôi/trái vàng hong nhịp thở/cám ơn em – vườn khuya/tôi dìu tôi thong thả.” Đó là Lời Cám Ơn Thật Thà của người-thơ. Thơ đã vượt lên chữ-nghĩa-ý-tứ-thi-pháp, chỉ còn lại trái vàng hong nhịp thở, nhịp hôn phối kỳ diệu của hiện-tiền-không-thời-gian. Đó cũng chính là sự kỳ diệu của Thơ!
Nguyễn Lương Vỵ
No comments:
Post a Comment