Saturday, August 31, 2013

KẾT QUẢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN "KẸO BẠC HÀ CHO TÌNH ĐẦU" TRÊN TẬP SAN ÁO TRẮNG



GIÓ CHIỀU LỒNG LỘNG – Truyện ngắn Đào Văn Đạt

                     
                                                               Tác giả Đào Văn Đạt        
                                          
Lời giới thiệu của Nguyễn Trí: Tôi có cơ hội được gặp Tác giả truyện Gió Chiều Lồng Lộng ở ngoài đời. Đào Văn Đạt là một người trực tính và rất hết lòng vì anh em. Thoáng, có thể nghĩ Đạt vô tư. Nhưng tiếp xúc và đọc những gì anh viết mới biết Đạt là một người có tầm nhìn cuộc sống khá sâu sắc. Là một người đàn ông mà diễn tả sâu và sát tâm trạng của một phụ nữ có chồng bị mất trí - tương đối gọi là có tài.  Niềm yêu thương tha thiết với chồng, cái thiếu thốn nhục cảm của con người được tác giả diễn tả một cách thần tình như mình là người trong cuộc. Truyện như vầy ta vẫn thường gặp đâu đó ở ngoài đời. Một người vợ yêu chồng hết mực. Chồng là một người lấy nhân ái làm trọng, cả hai cưu mang một cơ nhỡ, người chồng bị nạn, cơ nhỡ từ cảm kích đem lòng yêu… Thường tình thôi, nhưng qua ngòi bút của Đạt bỗng lung linh bảy sắc cầu vồng. Đây là một truyện ngắn hay, đáng để độc giả bỏ thời gian để đọc.
       Tôi nghe nói truyện nầy đã được chuyển thể thành phim. Không biết phim ra làm sao? Hy vọng phim chuyển được cái thần của truyện.

         Nguyễn Trí  (Hội viên Hội VHNT tỉnh Đồng Nai)




         Đút cơm cho thằng Bùm xong, chị vào trong vác búa ra phía sau chẻ củi. Mỗi lần đưa cái búa nặng trịch lên cao, tay chị run bần bật và những nhát búa bổ xuống khúc củi cứ trầy trật, nhọc nhằn hệt như cuộc đời của chị.
Mấy bà đi chợ sớm, thấy chị một thân một mình làm những việc của đàn ông, ai cũng xót thương. Số phận nghiệt ngã đã đưa đẩy chị vào con đường khốn khó. Anh Toàn, chồng chị, sau khi bị tai nạn giao thông, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa anh mới sống được nhưng hoàn toàn mất trí. Người điên điên dại dại, suốt ngày chạy tưng tửng theo lũ trẻ cười nói vô hồn. Ra chợ gặp cái gì thì lượm cái nấy, có khi là vài cọng thun khoanh, bịch nilon, lon bia... thậm chí anh còn lượm cả vỏ chuối, vỏ xoài mang về bỏ lênh láng từ ngoài sân cho đến trong nhà, có khi còn bỏ cả trên giường ngủ. Chị Phụng suốt ngày vất vả với gánh tàu hủ trên vai rao bán khắp xóm, chiều về lo cho má chồng già yếu, rồi cơm nước cho con cái đến tận chạng vạng tối. Đã vậy, chị còn dọn dẹp cho sạch mớ phế thải mà anh Toàn mang về. Nhiều lúc mệt quá, chị ngồi xuống bậc thềm khóc mướt. Nước mắt có chảy riết rồi cũng khô, chứ số phận “có chồng mà như không” thì không dừng đeo bám chị chẳng biết đến bao giờ. Thấy chị cực quá, má anh Toàn nói: “Mấy chuyện nặng nhọc vậy sao con không nhờ thằng Sơn nó làm cho!”. Nghe má chồng nói vậy, chị kéo vạt áo lau mồ hôi trên trán, đứng tần ngần hồi lâu. Anh Sơn là bạn thân của anh Toàn, lúc chưa bị tai nạn, thấy gia cảnh anh Sơn nghèo khó lại mồ côi cha mẹ, anh Toàn thương nên cho anh ở nhờ nhà mình để đi làm thuê cho xưởng mộc. Tiền chợ hàng tháng, anh Sơn đều phụ cho chị, có khi còn cho tiền thằng cu Bùm. Chuyện nhỏ nhặt trong nhà cái gì cũng nhờ người ta coi sao được. Chẻ xong củi, mặt trời lên khá cao, anh Sơn đi làm ca đêm cũng vừa về đến nhà, thấy chị ướt đẫm mồ hôi, anh cằn nhằn: “Sao không để đó tôi về chẻ cho! Làm việc nặng nhọc tay chân phồng hết còn gì!”. Chị không nói gì, vào trong xếp mớ chén vào gánh tàu hủ, quảy ra chợ.
Chiều, trước khi đi làm ca đêm, anh Sơn xách nước đổ đầy các lu, ôm mớ củi vào bếp xếp gọn gàng. Xay đậu nành cho chị Phụng xong, anh dặn dì Hai: “Ở nhà, má đừng đi lại chỗ giếng nước nhen! Nó trơn, dễ té lắm!”. Rồi quay qua thằng Bùm dặn đủ thứ chuyện, mà bé Bùm biết gì mà dặn với dò, nói đây là để chị Phụng đang rửa chén dưới nhà sau nghe: “Ở nhà, đừng cho mẹ chẻ củi xách nước nghe con!”. Như sợ chị Phụng không nghe, anh lặp đi lặp lại hai ba lần với thằng Bùm giọng thật lớn. Chị đâu có điếc nên dù ở nhà sau, chị vẫn nghe rõ, chị còn thấy anh ngồi xuống ôm thằng Bùm vào lòng hôn nhẹ lên trán nó rồi âu yếm như thể con mình. Nghe, thấy vậy thôi, chứ chị Phụng nào có quan tâm. Mấy tháng nay, ngày nào chị cũng nghe anh nói với thằng Bùm mấy câu ấy, nhưng thằng Bùm là con nít mới biết nói bập bẹ, đâu hiểu gì những lời từ tim anh gởi gắm, anh đi rồi, ở nhà chị làm rã mồ hôi mà nó có cản tiếng nào đâu. Chị chỉ lo giờ này sao anh Toàn đi đâu chưa về. Đám con nít cả xóm đã về nhà bưng cơm ăn hết rồi mà sao tiếng cười hoang dại của anh chưa vang ngoài đầu ngõ. Chị thương cho thân anh. Hồi nào tới giờ không quen sương gió, bây giờ vì bệnh tật mà dãi nắng dầm mưa. Hồi mới phát bệnh, ngày nào chị cũng đi tìm anh. Hỏi thằng Tèo thì nó nói thấy anh đứng nhai mía ở dốc Đình, chạy xuống dốc Đình không thấy anh đâu. Hỏi thằng Tí thì nó nói mới thấy anh đội cái bao bố lên đầu đi ra hướng chợ, chị chạy ra chợ, bà con nói thấy anh cười ha hả chạy theo đàn bò của chú Hai mới đuổi lên xóm trên, chị lại chạy lên xóm trên… Đôi chân chị mỏi nhừ vì chồng, tai chị nghe đầy những câu nói suông thương hại. Tất cả những thứ đó sao bù lại được những gì mà anh Toàn trước kia dành cho chị. Bởi vậy, chị không hề than khổ với ai. Ngay cả anh Sơn, người ở chung nhà gánh vác hết mọi chuyện phụ chị, anh cố làm vơi đi nỗi cô đơn, nỗi trống vắng trong chị, vậy mà chị vẫn một lòng chung thủy với tiếng cười hoang dại của anh Toàn. Ngày cũng như đêm, chị chăm lo thật tươm tất từ trong ra ngoài cho anh, mặc dầu chưa khi nào anh Toàn nhận ra chị là vợ mình.
Chủ nhật, anh Sơn sửa lại chỗ dột trên mái nhà. Chị đi bán về, thấy anh một mình lúi húi móc liếp tranh lên cây tầm vông bỏ lên nóc nhà, rồi bắc cái thang trèo lên cột lạt. Sợ anh té, chị đến vịn cái thang, anh Sơn ngoái đầu nhìn xuống cười ấm áp. Mấy người hàng xóm đi ngang thấy chị vịn, anh trèo thật tình tứ liền che miệng nói nhỏ với nhau: “Coi hai đứa kìa, hổng mấy xúi con Phụng bước thêm bước nữa với thằng Sơn cho đỡ khổ!”. Họ chỉ nói nhỏ với nhau vậy thôi, chứ chị Phụng cũng biết bụng dạ mình như thế nào mà. Nhưng làm vậy coi sao đặng, anh Toàn tuy điên điên, dại dại nhưng vẫn còn sống sờ sờ trước mặt. Làm vậy chị tội cho người đàn ông trong anh, tuy bây giờ anh mất trí nhưng thân xác trần trụi kia liệu có tha thứ cho chị khi đầu ấp tay gối với anh Sơn. Nghĩ đến đó, tự nhiên chân chị muốn trèo lên nóc nhà kêu anh Sơn xuống để chị cột lạt. Ngồi trên nóc nhà thấy chị bước lên thang, anh hốt hoảng: “Ê ê, coi chừng té! Mà làm cái gì vậy?  Để đó cho tui!”. Chị  vẫn trèo lên rút sợi dây lạt bó liếp tranh đang tấp tả phất phơ như thách thức phận tay yếu chân mềm. Hiểu tính chị, anh Sơn chỉ còn biết âm thầm trèo xuống lấy cây dù lên che cho chị. Anh sợ chị nắng, chị đen chứ chị mà có cần gì đến anh!
Càng ngày bệnh anh Toàn càng nặng. Ban đầu, anh có đi đâu chăng nữa thì chiều cũng về nhà cho chị Phụng tắm rửa thay đồ, riết rồi nửa đêm anh chưa về, rồi sáng đêm anh vẫn biền biệt. Chị Phụng đi tìm hoài mà không gặp, đêm về chị trằn trọc lo cho anh, nghe tiếng thở dài của anh Sơn dưới nhà sau, lòng chị chao đảo. Nghe anh Sơn trở mình, cái giường tre kêu lét két chị càng thương anh Toàn nhiều hơn. Chị nhớ ngày mới cưới, anh Toàn tay ngang đóng cái giường tre không chắc, hai đứa nằm mà nó cứ kêu kèn kẹt, má chồng nằm bên trong lãng tai tưởng nhà hôm nay nhiều mọt. Đêm nay, tiếng động quen thuộc đó lại vang lên từ giường anh Sơn, cộng với tiếng mưa đêm rào rào ngoài mái hiên, chốc chốc lại vọng lên tiếng tằng hắng cô độc của anh Sơn, càng làm cho chị Phụng lạnh thấu xương. Căn nhà trên, chỗ chị nằm, sao mà rộng quá, trống trải quá! Ôm thằng Bùm vào lòng, chị ứa nước mắt. Nằm bên trong dì Hai cũng trăn trở, bà ngồi dậy ngoáy trầu, mắt nhìn ra hiên trông ngóng: “Tụi bây đi kiếm thằng Toàn lần nữa coi, mưa lớn quá, tao lo!”. Chị Phụng vội ngồi dậy, thằng Bùm khóc thét, anh Sơn ở nhà sau cũng vội chạy lên. Với tay lấy cái áo mưa trên vách, anh Sơn nói với chị: “Ở nhà với thằng Bùm, để tôi đi!”. Anh Sơn đi rồi, chị Phụng lặng lẽ ẵm thằng Bùm vào trong với bà nội, rồi cũng nhẹ nhàng bước ra cửa.
Mưa rát rạt, trời tối đen, anh Sơn đi tìm một vòng từ dốc Đình ra đến chợ, rồi rảo bước lên đến xóm trên mà cũng không thấy anh Toàn đâu. Anh ngồi xuống lề đường nhìn màn đêm mà nghĩ đến chị Phụng ở nhà lo lắng rồi mất ngủ. Nhờ tia chớp của mưa đêm, anh phát hiện mờ mờ cái áo trắng của chị Phụng ở phía xa. Anh vội chạy lại, chị Phụng hứ một tiếng: “Sao không đi tìm anh Toàn mà quay lại với tôi chi?”. Anh Sơn không nói gì, choàng áo mưa qua đầu rồi kéo chị sát vào người nói khẽ: “Sao không ở nhà, ướt hết rồi, trời lạnh lắm!”. Chị Phụng thoáng rút vai lại định chui ra nhưng vòng tay anh Sơn rộng quá, vững chắc và ấm cúng quá, đã kéo chị bước đi như người mộng du. Chị đi mà như không định hướng được mình đang đi đâu, bàn tay rắn chắc của anh Sơn đã đưa chị rẽ vào căn chòi vịt hoang ngoài đồng vắng. Mặc anh Toàn giờ này đang ở đâu, mặc cho những lời dao búa của dư luận, lúc này chị chỉ còn thấy ngã nghiêng, bồng bềnh trong vòng tay trần săn chắc của anh Sơn. Dưới làn mưa đêm mù mịt, căn chòi nhỏ xíu trên đồng không che đủ hai thân thể đang cuồn cuộn khát khao tình cảm, họ gần nhau trong ngổn ngang trăm mối tơ vò... Ngoài trời, mưa vẫn ào ào, gió giật từng cơn làm ngã nghiêng những tàn cây trên đồng. Từ một khúc quanh phía xa, dáng anh Toàn thấp thoáng trong mưa đêm, vừa đi anh vừa nhảy tưng tửng. Một hồi lâu có lẽ vì thấm lạnh, vô hồn bước chân anh tìm đến căn chòi. Trời tối quá, anh lần từng bước nhẹ nhàng vào chòi. Bỗng tia chớp loé sáng, trước mặt anh hai cơ thể trần trụi đang mơn trớn lấy nhau, anh bước tới gần hơn rồi bất thần vỗ tay cười ha hả, tiếng cười của anh Toàn như xé tan màn đêm vốn tối tăm huyền bí. Chị Phụng đẩy anh Sơn ra, vội chạy vào màn mưa. Chị chạy thật xa. Xa lắm. Vậy mà tiếng cười ngây dại của anh Toàn vẫn văng vẳng bên tai.
   Sau lần đó chị Phụng cứ lầm lũi, cảm giác phạm một tội tày trời choáng lấy chị. Anh Sơn vốn ít nói, nay càng im lặng hơn. Suốt ngày, cứ lao vào những công việc nặng nhọc, gặp nhau trong nhà mà như người xa lạ. Còn anh Toàn, vẫn với tiếng cười hoang dại. Chị Phụng nghe tiếng cười ấy hàng ngày, vậy mà giờ đây tiếng cười ấy cứ xoáy vào tâm can như muốn nhàu nát ruột gan chị. Phải chi, anh đánh đập chị thì có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn. Chị nhắm mắt, những dòng nước tự do chảy dài xuống má, xuống môi để cho chị nếm hết cái mặn chát, đắng cay của một người vợ phản chồng.
   Đọc lá thư đoạn tuyệt và những lời từ sâu thẳm trái tim của chị Phụng, anh Sơn không nỡ làm người tình phải khổ đau và bị giày vò thêm nữa. Gom đồ đạc bỏ vào ba lô, cũng chẳng có gì đáng giá để mà gom, chỉ vài cái quần đùi, một bộ đồ bạc màu mà trước giờ anh vẫn mặc đi làm trong xưởng gỗ. Chỉ có đôi dép là mới vì tháng trước chị Phụng đi chợ thấy người ta bán đại hạ giá mua về cho anh. Anh không mang mà đem cất, định Tết này đem ra mang rồi chở thằng Bùm đi coi múa lân. Anh Sơn ngồi nhìn đôi dép nằm lẫn lộn với mớ đồ hồi lâu, cuối cùng anh móc nó ra khỏi ba lô đem để ngay ngắn dưới đầu giường chị Phụng, rồi trở xuống khoác ba lô lên vai. Trước khi đi, anh dúi vào tay thằng Bùm vài tờ bạc: “Chú cho con ăn bánh, ở lại nhớ ngoan nghe lời mẹ với bà nội nghe con!”. Anh bước ra ngoài trong cái nắng vàng hoe của một buổi chiều gió lộng. Chị Phụng đi bán về đến đầu ngõ, đứng nép mình bên bờ rào nhìn theo bóng anh Sơn khuất dần sau hàng tre. Chị đứng tần ngần thật lâu, màu hoa tím bên bờ rào như tràn ngập trong gió chiều lồng lộng. 

Đào Văn Đạt (Bình Dương)

                                                                             

TRANG THƠ CHỦ NHẬT: NGHE BẾN SÔNG XA SÓNG VỖ BỜ – Thơ Lương Sơn

                                                    Nhà thơ Lương Sơn


KHÔNG ĐỀ

Sinh ra đã thấy sông rồi
Sông của ân tình những lứa đôi
Lời yêu say đắm cùng mây nước
Trong tiếng chuông chùa ngân… chơi vơi.

CẢM THU

Lãng đãng mây bay gió chuyển mùa
Hình như trời đã chớm sang thu
Thềm trăng say ngắm hoa quỳnh nở
Nghe bến sông xa sóng vỗ bờ.

NHỚ NGƯỜI XA

Đôi mắt em giờ trong mắt ai
Buâng khuâng vườn vắng thoảng hương nhài
Tiếng chim biếng hót trong chiều lặng
Hoa nhớ người xa sắc chớm phai.

THU ĐÃ TỚI CHĂNG EM…

Mùa thu đã tới ru em?
Không gian thánh thót êm đềm tiếng ca
Em đang dệt lụa trồng hoa
Hay đang đứng giữa trời xa nắng hồng

Mùa thu đã tới mênh mông
Với hương chân lý với lòng thanh cao
Em ơi vui biết nhường nào
Vườn thu hoa lá xôn xao đón chờ

Thu về xanh thắm ước mơ
Dáng em đi với hương mùa thu say.

Lương Sơn (TP. HCM)


Friday, August 30, 2013

THÈM VỀ NGÀY ẤY- Tuỳ bút Vĩnh Thông

                                                     Vĩnh Thông 

 Vĩnh Thông
Sinh năm 1996
Quê quán: Cù lao Năng Gù (An Giang)
Sáng tác từ năm 14 tuổi. Có nhiều tác phẩm văn, thơ đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Góp mặt trong 10 tuyển tập văn thơ nhiều tác giả.
Tác phẩm đã xuất bản: Và quá khứ thấy ta (tập thơ, NXB Văn học 2012)



Ta và bạn ngẫu hứng hẹn cà phê cùng nhau trong một ngày trưa ngập nắng - cái nắng miền Nam hắt vào thịt da rát bỏng. Vào thời điểm gần cuối năm học, lại là những năm cuối cấp, hầu như ai cũng không có nhiều thời gian rãnh rỗi để ngồi bên nhau như thế nầy. Ta và bạn cũng vậy, mỗi ngày đều phải tất bật bên đống sách vở chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng, mệt lả người. Hôm nay có được thời gian cà phê tán dóc thế nầy cũng đã là may mắn rồi.

Ta và bạn trầm ngâm bên ly cà phê nâu, nhìn nhau mà chẳng nói được câu nào, nhìn nhau thôi cũng đủ hiểu nhau rồi. Dường tư cả hai muốn thời gian chùng lại, muốn được cảm giác nhẹ nhỏm mãi như lúc nầy, muốn rằng… Ta nói với bạn rằng dạo nầy sao con người ta trở nên lười biếng hơn trước nhiều quá, cảm thấy mệt mỏi và chán nản quá chừng! Bạn gật đầu, nói rằng bạn cũng chẳng khác gì ta, thi cử tới nơi rồi mà tự dưng cũng có cảm giác chán lắm, mệt mỏi lắm. Bạn thở dài, nghiêng cặp mắt tròn giấu sau lớp kính cận nhìn ra phía xa xăm, rồi chợt nói bây giờ tự dưng thèm được trở về những ngày xưa. Ta ngỡ ngàng, hỏi ngày xưa là ngày nào. Bạn không nhìn ta, bảo rằng đó là thời thơ ấu, là khi tụi mình còn nhỏ, còn nhỏ, là khi…

Ôi! Khi nào bạn nhỉ? Sao ta thấy mênh mông quá chừng. Ta ngỡ ngàng không phải vì ước muốn của bạn lạ lẫm, mà vì sao câu đó hay quá, có lẽ ta cũng từng hơn một lần nghĩ đến, nhưng chưa từng có thể nói mạnh dạn như bạn. Sách vở, bài học, chữ nghĩa, dự định… bỗng dưng rủ nhau bay mất. Trong đầu ta dường như trống rỗng. Còn lại chăng là chút nắng vàng nhè nhẹ hắt vào khung cửa sớm mai, khi ta trèo lên xe đạp tung tăng đến trường. Còn đây là những gốc cây, mảng tường, sân gạch mà ta hay chơi trò trốn tìm bịt mắt. Còn những cánh phượng giả làm bướm, những lá thuộc bài ta ép vào trang vở (cái trang vở còn lốm đốm những dấu chéo màu xanh đỏ khi chơi cờ ca rô cùng lũ bạn mà lúc nào ta cũng là người thua cuộc). Và, từ trong một góc nào đó - rất sâu - của ký ức, chợt một ý nghĩ lóe ra và bừng sáng trước mắt ta, rằng ta cũng thèm, thèm lắm được về với tuổi thơ.
Dường như, con người ta sinh ra trên đời nầy hầu hết ai cũng mắc phải chứng “sợ già” (có lẽ ngoại trừ các vị thiền sư). Sợ - không chỉ đơn giản là sợ mất đi vẻ đẹp trong giai đoạn sung mãn nhất của đời người, mà còn sợ nhiều thứ khác. Ta sợ rằng khi thời gian càng trôi qua, ký ức về tuổi thơ ta sẽ không còn giữ được nữa, sợ rằng những ngày tháng bên nhau rồi cũng là gió là mây trôi tít mù, sợ ngày mai ta sẽ lạc nhau giữa thành phố ồn ào, sợ ta quên mất một cái tên nào đó mà ta từng gọi… Và, sợ…
Một ngày nào đó ta cũng chợt hỏi mình liệu đã có bị… “lây lan” chứng bệnh nầy chưa? Và, đâu đó, mang máng trong đầu, hình như ta cũng đã có nỗi sợ nầy rồi, dẫu mình vẫn còn đang rất trẻ. Nói đúng hơn là ta sợ rằng ngày mai, cũng ngay lại chỗ nầy, ta không còn được là ta của hôm nay nữa.
“Chỗ nầy” là khoảng sân gạch rất rộng, nằm giữa ba dãy phòng xếp thành hình chữ U ngay ngắn. Đã có lúc nào đó ta từng nấp sau lùm cây và nhìn trộm cô gái đang tung tăng rời trường. Cũng có khi ta ngồi tỉ tê cùng lũ bạn những chuyện trên trời dưới đất, để rồi cùng nhau phá lên cười giòn tan, vỡ cả nắng trưa hè. Ta cũng đã từng ngồi giữa khoảng sân nầy để đợi một ai đó, biết chắc rằng họ sẽ không đến, nhưng ta vẫn chờ và lặng lẽ mang về nỗi buồn mênh mang.
“Chỗ nầy” là gian phòng nhỏ gọn, vừa vặn chứa đủ 30 cái đầu tinh nghịch, quỷ quái. Đã có lúc nào ta giấu chiếc dép mà thằng bạn bàn trên vừa bỏ khỏi chân, để rồi hắn la oái oái lên làm rộn vang cả lớp. Có khi nào ta tặng một món quà nho nhỏ cho cô bạn học mà chỉ lén để dưới ngăn bàn chứ không dám đưa tận tay. Và, ta cũng có bật khóc trong phòng nầy trong buổi học cuối cùng với câu nói: “Ngày mai thầy về hưu”.
“Chỗ nầy” là cái bục dài vài mét, đủ để thầy đứng giảng bài và trò lên làm bài tập. Rất khiêm nhường như nó lại là nơi thiêng liêng nhất trong đời người học sinh. Có lúc nào đó ta bỗng thấy dáng vẻ thầy cô bỗng cao lớn phương phi, còn ta thì nhỏ nhoi, bé bỏng và khờ khệch. Ta đã từng sướng rân lên khi tại cái bục cao cao ấy, thầy cô đã hướng dẫn gọn hơ cái bài tập mà ta còn đang lúng túng. Vậy mà cũng có đôi lúc, tại nơi ấy, ta thấy thầy cô rơi lệ.
“Chỗ nầy” là con đường ốm teo, dài ngoằn, dẫn từ quốc lộ vào trường. Nơi đó có những chiều tan học ta cùng lũ bạn dầm mưa đùa nghịch. Cũng có những chiều buồn hẹn nhau cà phê, chia sẻ những câu chuyện vặt. Những đêm học tối, ta lang thang tìm quán vỉa hè tán dóc cùng lũ bạn. Rồi sáng sớm mai ta lại mỉm cười cùng nhau đi trên con đường đó vào trường. Con đường ta qua suốt bao năm, quá quen thuộc, thậm chí biết cả từng nhánh cây bên đường. Vậy mà xa rồi vẫn nhớ!
Và ta còn nhiều “chỗ nầy” khác nữa. Nhưng, ngày mai, khi ta trở lại những “chỗ nầy” ấy, ta có còn được trở về với thời áo trắng ngày xưa không?
Bởi vậy bạn ta (và cả chính ta nữa chứ) đều sợ già, đều muốn trở về tuổi thơ. Vì khi con người qua đi khoảng thời gian đẹp nhất nầy, ta không bao giờ tìm lại được. Cũng sân trường cũ nhưng chỉ có thể ngắm nhìn, không còn được nghịch phá như thuở ấy. Cũng bàn ghế cũ nhưng chỉ có thể ngồi, không còn được nghe tiếng thầy cũ, bạn xưa. Cũng con đường cũ, nhưng chỉ có thể lang thang ăn uống, không còn cái cảm giác la cà, chia sẻ ấm cúng nữa.
Một ngày trở về trường cũ, thời áo trắng đã xa, tuổi thơ đã xa, ngày tháng bên bạn bè đã xa, và chính ta - ta cũng đã xa ta của ngày xưa. Thèm mùi ấu thơ và muốn trở về với tuổi thơ là điều mà nhiều người muốn, nhưng có ai làm được? Mai nầy, khi ta chông chênh sẽ không còn thầy cô, bạn bè để nương tựa, chỉ còn chăng những ký ức nhạt nhờ là niềm an ủi cuối cùng cho ta. Ta và bạn, hơn ai hết, là những người chỉ còn lại khoảng thời gian ngắn ngủi trên ghế nhà trường, nên càng thèm được dừng thời gian lại, được quay lại lúc mới bắt đầu. Để ta còn là đứa học trò hồn nhiên bên bạn bè!
Yêu thương xưa ơi, bao giờ quay trở lại? Bao… giờ…
Vĩnh Thông (An Giang)





CA DAO CỎ - Thơ Nguyễn Ngọc Thơ



Cỏ hồng
       tựa gót hoang vu
 nghe sương rớt hạt phù du
chạnh buồn
         
Mắt nhung
          đọng ướt mi đàn
         ru em vào mộng cho vàng…
                                  lãng du!
     
 Nửa khuya
         động gió vi vu
  cỏ rơi về chốn hiên thu
nẩy mầm
                      
Ngàn năm
      đất hát thì thầm
          mưa xuân rụng xuống xanh thềm…
                                  ca dao!

Nguyễn Ngọc Thơ (TP. HCM)


NHẸ NHÀNG TRONG CÕI VÔ THƯỜNG - Bài của Nguyên Tâm


Cùng với thời gian, cùng với những hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si đời người đã trải qua - những điều đó lắng lại. Tận thẳm sâu trong tâm hồn, những ngọt ngào, đắng cay ấy luôn cất lên tiếng nói. Những nghĩ suy chắt lọc qua thời gian thành con chữ trên trang giấy đến với bạn đọc. Đó là tiếng nói của sự trải nghiệm, của những “gạn đục khơi trong” dành lại cho đời cái giá trị đích thực cuối cùng mà qua năm tháng mới tìm ra. Giá trị ấy không chỉ là của cá nhân mà nó sẽ trở thành tài sản chung của mọi người. Những điều đó, tôi đã nhận được từ tập thơ Mắt chiều của Phạm Như Vân.

Không phải đến tập Mắt chiều, thơ Phạm Như Vân mới chạm tới cõi vô thường của cuộc đời, mà ngay từ những tập thơ trước đây như Hương xưa (Nhà xuất bản Văn nghệ 1998); Mênh mông lòng mẹ (Nhà xuất bản Trẻ 2000); Giọt nắng (Nhà xuất bản Văn học 2002); Xanh lá bồ đề (Nhà xuất bản Văn học 2012) và Cánh hạc trong mây (Nhà xuất bản Văn học 2006). Phạm Như Vân cũng đã cho thấy nhân cách sống của một thi nhân trong trường đời vô vi.
Ai đã nếm đủ đắng cay mới nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc sống. Nỗi niềm rất riêng mà cũng rất chung ấy, chị đã nhờ câu thơ nói hộ.
Câu thơ chất đầy tâm sự
Tình đời dại giấc chiêm bao!
(Mắt chiều 2)
Độ nặng của thơ nhiều khi không phải dùng những mỹ từ to tát, mà câu thơ với ngôn ngữ như thoảng qua, nhẹ như gió như mây chất chứa biết bao tâm sự của người. Đến giấc chiêm bao, chỉ là một hình ảnh ảo cũng còn có khôn, có dại, thì với điều thực, cái đang hiện hữu trong cuộc sống, tránh sao được những khờ dại trước đời. Đau mà không thể nói, buồn mà không thể than, tủi mà không thể kể. Tất cả giữ lại trong dòng thời gian, như con sông đời kia vẫn chảy. Nhưng những ký ức của một thời, tưởng như đã lùi xa, nằm sâu trong quá khứ vẫn vẹn nguyên. Từ sự lặng yên như thế đã đưa trả cuộc đời bao vất vả tảo tần về với chân giá trị của cuộc sống. Đó chính là cái ngày:
... tôi thức trước bình minh
Yên lòng đợi nắng lên
Quên hôm qua trời đầy giông bão
(Có một ngày)
Tâm phải tĩnh, tình phải lắng, ý nghĩ phải sâu và lý trí phải làm chủ thì trước những toan tính những bon chen của người và những chua chát trên đường đời mới có đủ sức mà quên một khoảng “trời đầy giông bão” đã trải. Nếu nói theo lối nói của nhà Phật là phải đạt đến độ căn cơ của đời, trái tim đủ độ lớn, đến độ “tính bản thiện” của kiếp nhân sinh mới có thể làm được. Cũng phải đạt đến độ nhất định, người ta mới có thể quên đi những tháng ngày gian khó. Phải đến độ vô vi trước những tham, sân, si mới có thể từ, bi, hỉ, xả.
Mượn gió trời lau những giọt mồ hôi
Tôi tìm tôi nơi đài sen Phật pháp
Vứt đi đôi giày vạn dặm ngày xưa
                              giờ te tua rách nát
Và những ước mơ vơ vẩn hão huyền
(Về với chánh tâm)
Chỉ khi đã đạt đến được cái ngưỡng “gió trời làm quạt”, biết được đâu là hão huyền, đâu là cái thực, thì khi đó, trước những cám dỗ của đời mới có thể tránh, có thể vững và có thể trụ được. Chỉ khi con người đã nhận thức đúng, đủ và cặn kẽ, hiểu đến tường tận mới có thể giữ được sự thanh thản trước những cám dỗ của đời.
Khuôn mặt nào cũng quen
Nụ cười nào cũng đẹp
Sao có thể hồn nhiên cho phép
Lọt vào tai mình những chuyện ghét ghen?
(Cánh cửa con tim)
Để có thể nhận được đúng chân giá trị của cuộc đời, người ấy đã phải trải qua những đau đớn, thậm chí đau đến tận cùng mới có thể nhận ra.
Từng bơi giữa dòng sông cuộc đời
Biết nơi nào nước trong nước đục
Chỗ cạn chỗ sâu
Chỗ lành chỗ độc...
(Lẽ nào)
Vẫn biết, đời là biển khổ nhưng không phải ai trong biển khổ ấy cũng biết sống như thế nào cho ra sống nếu trái tim không biết tự cháy lên. Có thể làm được điều đó, là khi, trong biển khổ biết chấp nhận, biết tìm ra trong sự vất vả, trong nỗi đắng cay những điều làm điểm tựa cho ta. Điểm tựa duy nhất của cuộc đời chính là tình yêu, một tình yêu cuộc sống đã có, đang có, như dòng máu cha mẹ cho vẫn chảy trong huyết quản. Nói cách khác đó chính là: biết sống và biết yêu cuộc sống.
Dang tay đón lấy
Chiếc lá vàng bay
Lá mang hương say
Ấm tay gầy guộc
(Lời tình gửi lá)
Cuộc sống hiện tại, có biết bao bộn bề lo toan mưu sinh. Trong đó, lại có biết bao trái ngang cơ cực, mấy ai nở được nụ cười. Người có thể nở được nụ cười là người đã trải nghiệm, và nhận đủ đầy những vui buồn, những ngọt bùi cay đắng đã nhân ra một phần của nhân kiếp. Phải có sự lắng lại, lắng đến tận cùng của cuộc sống thì mới có cái nhìn như thế. Những điều lắng đến tận cùng ấy sẽ đưa con người đến với cõi vô thường. Một chân giá trị thực sẽ hiện ra đủ đầy và nguyên vẹn.  
Khoảng trời quanh ta dẫu có lúc mây đen
Sau mây tạnh sắc cầu vồng
                      sẽ theo mây trôi về mọi phía
Và em có quyền ngắm nghía
Chân dung mình rất thực, rất quen                            
(Em cứ ngồi một mình)
Hiểu được cuộc sống, đi được đến tận cùng của lẽ sống, làm chủ được cuộc đời và làm chủ được con đường sẽ đi và sẽ qua là cả một quá trình nhận thức, quá trình rèn luyện. Phải biết chấp nhận song cũng biết hóa giải những điều tưởng như gánh nặng của đời. Chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải được hận thù. Sách Cổ ngữ có câu: “Tương tâm tỉ tâm tiện thị Phật tâm; dĩ kỷ chi tâm độ nhân chi tâm”. Nghĩa là: Đem cái lòng của mình ví với lòng người khác. Được như thế đã là có Phật tâm rồi (như lòng nhân từ của Phật). Hãy đem cái tâm của mình mà đo lấy cái tâm của người, như thế mới là tốt. Đó chính là cõi vô thường mà đời người ai cũng mong đạt đến, mong có được.
Vô thường rộn rã tim say
Ta ngồi hát giữa vòng quay vô thường.
(Hát giữa vô thường)
Suốt tập Mắt chiều Phạm Như Vân sử dụng một lối viết, một cách thể hiện những cảm xúc thực, những trải nghiệm thực và với một ngôn ngữ thực từ chính cuộc đời của thi nhân. Điều rất thực đó đã làm nên sự dẫn dụ để bạn đọc hiểu hơn cuộc đời giữa những bộn bề ngang trái, thấy được cái đích cuối của hành trình nhân kiếp rồi ai cũng sẽ đến. Tất cả, những hỉ nộ ái ố, những tham sân si của đời rồi cũng như con tàu trong hành trình sẽ về đến ga cuối. Và ga cuối ấy chính là cõi vô thường, cõi tâm của đời người. Trong hành trình ấy, Phạm Như Vân cũng đã đi, đã qua, đã trải, đã nhận ra, tất cả rồi sẽ  thành hư vô, tất cả rồi sẽ chỉ là kiếp phù du. Và bạn đọc hiểu hơn, cùng sẻ chia với Phạm Như Vân: trong cõi vô thường người thi nhân “ngồi hát”.
Có một Phạm Như Vân đang hát giữa cõi vô thường và một Phạm Như Vân đang hát giữa đời thường với trái tim tịnh độ, vô vi. Một Mắt chiều trong ngan ngát cõi người.


Hà Nội, tháng 6/2013
Nguyên Tâm (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)


Thursday, August 29, 2013

THƠ PHỔ NHẠC: DỊU DÀNG ƠI! (thơ Lê Thiếu Nhơn, nhạc Phú Quang)

Nhạc sĩ Phú Quang
                                                                              Nghệ sĩ ưu tú Quang Lý thể hiện

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

THƠ PHỔ NHẠC: MỘT KHÚC CA DAO (thơ & nhạc Phú Xuân)

Nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân



Ca sĩ Hạnh Nguyên thể hiện

VĂN CHƯƠNG CỦA CÔ BÁN BÚN CHẢ - Truyện ngắn Nguyễn Hiếu

                                                    Nhà văn Nguyễn Hiếu

HQN: Người ta thường nói, phàm sự đời để đến được với nhau thì cũng phải có duyên. Với tôi, gặp được nhà văn Nguyễn Hiếu trên Facebook như là có duyên với nhau vậy. Tôi mạo muội ngỏ lời xin bài của anh để post trên Hương Quê Nhà, thật bất ngờ là anh đồng ý và chuyển  ngay cho tôi 6 tác phẩm (văn & thơ). Hôm nay xin giới thiệu với các bạn một truyện ngắn của anh: VĂN CHƯƠNG CỦA CÔ BÁN BÚN CHẢ 

Nhà văn Nguyễn Hiếu họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiếu, sinh ngày 15.10.1948, tuổi Mậu Tý, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoá 12 (1970) Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Namnăm 1971. Từ năm 1971-1973, ông được biệt phái sang làm biên tập, phóng viên tại A7-CP90 (Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng). Từ năm 1974-2009, ông làm việc tại Ban kinh tế - khoa học - công nghệ (VOV) Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông viết văn từ khi học lớp 10 phổ thông. Bài thơ in báo đầu tiên là Xung quanh một chiến công trên Văn Nghệ năm 1973. Truyện ngắn in báo đầu tiên là Hai chị em cùng nghề trên báo Lao Động năm 1976.
Nguyễn Hiếu là hội viên: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản:
Tiểu thuyết: 21 cuốn.
- Có hai tiểu thuyết hài Những mảnh trần gian và Tây, tây. Ta, ta
- Tiểu thuyết huyền thoại Chuyện tình người điên
- Một bộ tiểu thuyết 2 tập Dòng sông màu máu vẫn chảy
Các tiểu thuyết mới nhất:
- Con ngố (NXB Lao Động 2007).
- Tình nhân (NXB Hà Nội 2009)
- Mặt nạ để đời (NXB Công An 2011)

Truyện ngắn: 7 tập
- 2 tập truyện hài Chuyện cái vòi nứơc và Cười dành cho tất cả (NXB Thanh niên 1992)
- Tập mới nhất Trên mặt đất lại có người (NXB Hà Nội 2009)

Kịch bản:
- Phim truyền hình: Con tầu lại ra khơi (VTV- 1993); Chuyện đột ngột của làng ven sông (VTV-1996); Vòng quay định mệnh (TH Bình Dương 2000)…
- Kịch bản sân khấu:  Đã dựng  6 kịch bản trong số gần 50 kịch bản đã viết.
- Kịch bản dựng mới nhất  Linh hồn đông lạnh (Nhà hát Kịch nói Việt Nam) đạo diễn Đỗ Kỷ 2008; Dàn mồng tơi gẫy rập” (Nhà hát Kịch nói Việt Nam) đạo diễn Lê Hùng 2011.
- Đã in ba tập kịch bản, mới nhất Trong chiến tranh không có huyền thoại trong Tuyển tập Nguyễn Hiếu (TTNH), NXB Hà Nội 2010.

Thơ:
- Tuyển thơ Hư ảo trong TTNH, NXB Hà Nội 2010

Bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu. NXB Hà Nội 2010 nhân Đại Lễ 1000 Thăng Long, gồm 10 tập, tuyển 19 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, 8 kịch bản và gần 300 bài thơ.

Giải thưởng:
- 2 giải thơ: Giải của Bộ Nội thương và Hội Nhà văn Việt Nam trao cho bài thơ Người đứng giữa ước mơ và mơ ước năm 1973; Giải Thuỵ Điển tài trợ đề tài giáo dục trao cho bài thơ Bốn đứa trẻ bên bờ sông Hàn năm1999.
- 4 giải tiểu thuyết. Mới  nhất: Giải B cuộc thi của Hội Nhà văn VN và Bộ Công an trao cho Mặt nạ để đời, 2010. Giải C văn học đề tài Công nhân và ngưòi lao động với Biển toàn là nước 2010.
- 2 giải truyện ngắn. VNQĐ 1988 với Nhãn lồng nhà ông cả Đoạt; Báo Văn Nghệ - báo Nông nghiệp Việt nam – Đài TNVN TN với Chuyện quan trọng của bà cả Đào.
- Giải bút ký: Giải nhất cuộc thi ký và truyện ngắn Công an Hà Nội với Bố tôi - ngưòi công an Hà Nội
- Giải kịch bản: 2 giải kịch dài cùng một số giải cho kịch ngắn. Giải B của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Kịch Nguyễn Hiếu 2003; Giải B Hội NSSK Việt Nam cho kịch bản Dàn mùng tơi gẫy rập, 2010.
      



               
    LTG : Đầu phố tôi có một gian phòng bung ra từ tầng một của khu nhà tập thể được xây từ thời bao cấp. Căn phòng này được chủ nhà cho thuê để bán hàng ăn. Hai chị em dâu thuê chung. Buổi sáng cô chị gầy nhẳng bán phở bình dân. Đến xêm xêm 11 giờ thì cô em phốp pháp bán bún chả. Một trưa vì nóng bức, vì lỡ bữa tôi ra ăn ở quán. Cô bán bún chả vừa thấy tôi nhỏn nhẻn cười duyên bảo: “Tuần trước cháu đi phô tô kết quả đề thấy thằng Nịnh híp đang in bài của chú, cháu mới biết chú là nhà văn. Thỉnh thoảng rỗi hay là không ngủ được cháu cũng viết lăng nhăng một ít. Hôm nay cháu liều mang ra. Chú đọc cho cháu nhé. Lúc nào thích chú cứ ra đây ăn, không phải trả tiền mà cháu lại cho chú uống bia chai Hà Nội. Coi như cháu giả công đọc của chú. Được không? Tôi suýt bật cười khi thấy cô bún chả lôi từ dưới tấm cao su kê rổ đựng rau sống một tập giấy nhầu nhĩ, loang lổ những vết mỡ. Tôi vốn nể nang không tiện từ chối, vả cũng tò mò xem cô bún chả viết gì nên cầm tập giấy. Càng đọc càng thấy cô bún chả viết hay hơn ối nhà văn trong đó có cả tôi. Tôi xin phép cô được công bố bản thảo này. Cô bún chả cười tít mắt hỏi: “Công bố là gì hả chú ?”. Tôi bảo: “Là in ấy mà. Nếu được in thì cháu còn được nhuận bút”. “Eo ơi, chú có quyền thế kia á. Nhưng cháu biết rồi nhé. Nhuận bút là tiền đúng không?”. Tôi gật đầu. Cô bún chả hỏi: “Chỗ này được độ bao nhiêu?”. “Chú cũng chưa rõ lắm bởi còn tùy từng báo. Nhưng chí ít cũng được từ ba trăm trở lên”. “Thế kia á?. 17 nghìn một xuất thế là chỗ  viết được gần 23 xuất. Vậy thì thỉnh thoảng cháu phải viết mới được. Hơn chán vạn bán bún chả . Chú tính còng lưng bốc bún, toét mắt nướng chả mà cả ngày lãi không nổi một trăm. Viết ba lăng nhăng lại được những ba trăm. Thích thật. Thảo nào nhà văn các chú hay đi quán, uống bia chai là phải thôi”.  Được sự đồng ý của cô bún chả tôi công bố ghi chép này.

     Ngày đầu tháng:

      Cho con Liệu đĩ ấy biết thế nào là khách hàng kiêng. Mày tưởng mày đẹp, mày đưa mắt lúng liếng, mày mặc áo cổ rộng mà khách hàng họ ào vào quầy hàng của mày đấy. Hôm nay ngày đầu tháng con dở hơi ạ. Đầu tháng nên chỉ có thằng thần kinh, thằng chết đói đến mờ mắt, chẳng còn biết nghĩ suy gì, thằng nứt từ đất lên mới dám lao vào hàng thịt chó. Mày bán hàng bao nhiêu năm mà sao ngu thế không biết. Con này đã nói rồi, mà mày có nghe tao đâu. Bạn bè thân thiết tao mới nói chứ không rỗi hơi. Ông, bà bô tao lúc rỗi chả tua đi tua lại cuộn băng rằng. Ngày xưa đói mốc lên thì bạ cái gì, bất kể ngày giờ người ta chả xơi. Nhà nào, thằng to con bé đều giống nhau cái tem phiếu cứ thế mà dùng không phải cạnh tranh nên kiêng khem cũng chẳng mang lại cái gì. Chứ bây giờ ý à. Làm ăn, buôn bán, mánh mung, chạy dự án, chạy chức tước như cái nhà lão Thịnh dở người ngày xưa lăm le định tán mày nhưng bây giờ làm đến chánh văn phòng ủy ban quận khi thấy mày đứng chém thịt chó bôm bốp lại giả vờ không quen biết ấy thì các vàng cũng không dám xơi thịt chó đầu tháng. Con này có là bạn, có thương mày, mới khuyên nhủ hết lời mày không nghe, tao đành chịu. Lại còn bảo vì thằng chồng nó đang yếu khoản ấy nên cần cật chó. Nói thế mà nghe được. Cần một cái cật chó mà đi mua cả những hai con chó. Mà sao mày ngu thế không biết. Thằng chồng nào chả hay giả vờ. Lấy chồng gần chục năm trời phải biết chất lượng mặt hàng của chồng chứ. Chả nhẽ tao lại nói toạc ra là tay Long mắt cá trê chồng mày (mà tao cũng lấy làm lạ, mày người ngợm đến nỗi nào, đấy là chưa kể hồi thiếu nữ chắc cũng mịn màng, trơn lông đỏ da lắm thế mà ăn phải bùa phải bả thế nào lại đâm đầu vào cái thằng trông đã không muốn ăn). Thôi đành đổ cho số phận vậy, thằng chó chết ấy đang giả chết bắt quạ đấy. Thôi để khi nào có dịp tao kiểm nghiệm lại đã. Hôm kia tao nhìn nó đèo một con mặc áo hai dây, da trắng tởn. Con ranh ôm riết lưng Long cá trê. Hai đứa cười tít mắt nên không nhìn thấy tao. Nhưng tao sợ hôm ấy trời nắng quá, mắt hoa lên. Ngoài đường những hơn 40 độ chứ ít đâu. Nên tao sợ nhìn không rõ lại nhầm thì oan cho nó. Lại làm tan cửa nát nhà mày ra. Cứ cho là tao nhầm là mày may đấy. Chứ cái giống chồng thời nay chẳng chung thủy lắm đâu. Nhà nghỉ, quán mát xa, phòng ka rao kê đầy. Chẳng thế mà đến thanh niên còn ngại lấy vợ nữa là. Túng mình, ngứa ngáy, rậm rật một chút là chúng bỏ ra hai, ba trăm hay cùng nhất năm trăm là có ngay một con nằm ngửa ra ngay. Huống hồ thằng chồng nhà mày chiều nào chả xơi thịt chó. Không có thịt ế thì mày lại phải để dành cho nó. Nốc tì tì cái thứ thịt rừng rực như nuốt phải lửa như thế  thì cứ gọi là… Cái lão ngu nhà tao lại sợ thịt chó thế có hãm không cơ chứ. May lão lại khoái khẩu món thịt dê nên tao cũng đỡ. Đầu tháng chê thịt chó nên dân chúng lao vào bún đậu, giả cầy, bún chả là đúng rồi. Mà nghe nói giống đàn ông năm thì mười họa ăn đậu cho đỡ chán mồm thì được, chứ chơi món này liên tục thì dễ thành sư lắm. Món giả cầy cũng vậy, có phải ai cũng chịu được món giềng mẻ đâu. Thành thử món bún chả của tao mới có số đông người vào. Giá cả tầm tầm nên già, trẻ, gái, trai, người sang, đứa hèn, thằng khôn, thằng dại đều mê tơi là phải. Con dở hơi kia, cứ ngẫm mà suy ra. Trên đời này cái gì để đỡ chán, đỡ lộ cái dở, cái ươn ra đều phải thêm gia vị hết. Mày cứ xem trên ti vi đấy. Trước cuộc họp nghiêm trang đến đâu chả có tí hát hò, nhảy nhót. Bún, rồi chả mà cứ trần cù xì chấm nước mắm thì có ma nó ăn. Phải có dấm ớt, tỏi vào. Thịt vụn, thịt rẻo dù ôi đến đâu mà tẩm khéo. Nước chấm tao pha, rồi xà lách, tía tô, kinh giới…  thì cứ gọi là. Mấy thằng khách trông bề ngoài trí thức ra phết vào đầu tiên ra điều cẩn thận, hỏi đi hỏi lại xem rau có rửa sạch không. Nhưng chỉ được một lúc thì quên sạch ngồm ngoàm chén tất. Dân Việt nam là thế đấy. Dễ nuôi, dễ lừa lắm. Chúng nó dùng đủ mánh khóe bóp cổ, bóp hầu.  Hết tăng giá nọ, giá kia, thít nghẹt lè lưỡi chán nó thả lỏng ra một tí (y như trò tăng giảm giá xăng) thêm mấy câu nước đường thổi vào tai là im thin thít. Mà cái giống rau bẩn này có tọng vào cũng chẳng chết ngay đâu mà lo. Ăn bẩn sống lâu. Người tầu bảo thế.

 Ngày 10 chưa đến rằm
      Bọn kĩ tính vẫn kiêng. Mấy thằng trông vẻ trí thức vẫn mết bún chả. Chúng nhìn mình thì thào. Ừ cứ thoải mải lầm rầm đi. Tai con mẹ này thính lắm, làm như không biết gì nhưng nghe được hết. Á à, các chú đang nhận xét chị đúng không. Cái thằng để ria rậm rì, tay nổi bắp cuồn cuộn vừa liếc vừa lắp bắp, mày tưởng chị mày không nghe ra những lời nói đểu của mày đấy hả. “Trông mụ ta như mâm cố đầy, món nào cũng ứ tràn, hấp dẫn đến vãi nước bọt. Loại này, thôi thì tiện món nào chén món ấy vậy. No, chán thì  đứng dậy. Tội gì. Bỏ thứ gì cũng tiếc. Cốt là có sức”. Thằng chân dài lòng khòng, ngực lép, lông mày xếch ngược chỉ nghe những câu lầu bầu của nó cũng đoán, vợ cu cậu cũng chả nhẹ cân hơn mình “đàn bà ăn nhau ở cái thon thả, chứ ụt à, ụt ịt lúc ệch ra chỉ thấy đống thịt lút mắt. Chưa ăn đã thấy ngấy đến cổ”. Ấy thế mà khi mình mang đĩa bún đến nó lại xòe cái miệng thớ lợ “bà chị trông phúc hậu quá nhỉ. Thế này ông anh tha hồ phát”. Chỉ thiếu một chút mình đổ đĩa bún vào cái mặt lưỡi cầy của nó nhưng may con này chẳng những kìm được mà còn nhăn nhở cười với nó. Thế mới biết cái giống người đứa nào cũng giả dối, đứa nào cũng diễn sự giả dối ấy một cách thành thạo. Mình cùng thế thôi. Có thế mới trôi được hàng bà. Thằng ria rậm xem ra trực tính hơn, bĩu môi: “Nó nịnh bà chị để tí nữa xin thêm nước chấm đấy. Chị cho nó thật chua vào. Thằng này nghiện dấm lắm đấy. Nó muốn vợ nó ăn thật nhiều của chua cho eo ót, dễ ôm nhưng cô ả lại chỉ mê của ngọt thành thử nàng ỉn quá mức. Thành ra cu cậu…”.  “Thôi làm nhanh lên, về còn nghỉ tí cho tỉnh. Chiều họp căng đấy”. Thằng thứ ba thấp, chắc lẳn. Mắt đảo lia lịa như mắt rắn. “Hạ bệ nó chứ?” . Thằng ria rậm  “Còn sao nữa? Thằng ấy chuá tham, nó mà lên trưởng phòng thì bao nhiêu dự án nó ăn sạch. Nuốt  không hết lại dúi cho con em nó bên tài vụ”. Thằng chân lòng khòng giơ cao cọng tía tô lên như soi rồi thủng thẳng: “Tôi sợ nó có ô là ông bí thư”. “Ô cũng chơi. Thời dân chủ rồi, cứ móc thật mạnh vụ nó khai khống mấy tờ công lệnh”. “Xin ông. Dân chủ con khỉ. Trên đã quyết thì giời thay đổi. Với lại đưa mấy tờ công lệnh vào vụ việc chả bõ nó bảo là tủn mủn”. “Thế chả nhẽ để thằng đểu đớp hết của mình à?”. “Thôi làm chai bia cho hạ hỏa đi, bức quá”.  Nghe chúng nó biết ngay là đang tranh ghế. Dân nhà nước là thế. Cứ có ghế là có ăn. Chả thế mà lại vỡ đầu sứt tai tranh giành, mua bán chức quyền. Chứ thả ra như bọn tự lo này có mà khối. Thôi kệ xác chúng mày. Muốn bàn gì thì bàn, bà chỉ cần khách nào cũng bức bối như thế để bà bán được bia thôi. Dạo này bia lấy đã bảy rồi, bên kia bán lẻ lên tám. Mình coi như công nọ công kia lấy tám rưỡi. Cũng hợp lý thôi. Cửa hàng cà phê của con mụ Thịnh chấm phẩy còn quát mười lăm có khách nào ỉ eo đâu, cứ thản nhiên rút tiền ra soàn soạt.

Ngày 16  ta

        Biết ngay. Qua rằm y như rằng khỏi vòng là cong đuôi ngay. Hàng thịt chó của con đĩ Liệu lại tấp nập hẳn lên. Con ranh được thể vênh váo tợn. Thỉnh thoảng giả bộ nghếch sang nom hể hả lắm. Thôi mình là bạn nó cũng chẳng hẹp bụng gì. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hai thưng vào một đấu cả. Mày giỏi lắm một tháng được mười lăm ngày, còn mình thì vô tư đi. Bún chả muôn năm. Chỉ bực mụ chị dâu gầy nhẳng. Chả biết nói thật hay giả mà tối qua sang ổn thót “trưa nay thím cố bán xong độ ba rưỡi, bốn giờ cho chị nhận lại quán bán thêm mấy cân bánh”. “Đã chia buổi như thế mà chị?”. Mình cố nhũn nhặn mặc dù đã thấy sôi sùng sục. Rõ là đồ tham. Hôm nào cũng lạm đến gần 11 giờ mới giao quán, thành thử mình cập rập bỏ cha. Nướng chả thì cũng phải có thời gian mới chín, chứ làm qua loa, miếng sống, miếng chín để khách nó cuốc mặt ra. Thế mà. Mặt mụ chị dâu chảy dài “khổ qua, chị biết giờ ấy cũng chẳng mấy khách nào ăn phở, nhưng chị vẫn cố kiếm được đồng nào hay đồng ấy đỡ mẹ chị. Mấy hôm nằm bệnh viện tốn quá”. Đã nói thế thì đây chịu. Coi như làm phúc vậy. Vừa mở cửa đã thấy con mụ khách vào. Nom ăn mặc thì có vẻ văn minh, chịu chơi lắm. Váy ngắn trắng, áo hai giây hồng nhưng vừa mở mồm thì may quá mình giả vờ đưa tay lên gãi mũi, bịt mồm được. Hơi mồm con mẹ này nặng thật. Tẩm bao nhiêu nước hoa và cả mùi son phấn mà vẫn không át được thứ mùi đáng sợ đó. Thứ hơi khủng khiếp ấy mà có thằng đàn ông áp môi vào được thì một là tịt mũi, hai là dũng cảm đáng phong là anh hùng. Ừ mồm miệng thế mà mụ ta diện thế. Nhìn bề ngoài chắc thằng nào cũng muốn chén, nhưng có ở gần mới biết cái nõn nà mông má bên ngoài thế nào vẫn khó che cái bên trong. Như nhà con mụ Thịnh chấm phẩy cả phố này đều bảo gia đình ấy lý tưởng đáng học tập. Phường còn tặng cả bằng gia đình văn hóa cơ mà. Nhà mình ở cạnh nên thấy cả tổ chấy nhà mụ ta. Có đêm nào sứt đâu. Cứ đợi hai đứa con đi ngủ là hai vợ chồng lại giở rói chửi bới nhau. Từ khi sửa được cái sân thượng rộng rãi thoáng thì đêm đêm lôi nhau lên hết chửi bới, lại thượng cẳng chân cẳng tay với nhau. Hình như vợ chồng nhà con mẹ ấy làm lại sân thượng để đấu võ mồm, võ chân, tay với nhau cho kín thì phải. Con vợ ghen thằng chồng bồ bịch. Thằng chồng thì nghi vợ dúi tiền cho đứa em giai nghiện hút. Hôm nọ hai thằng con đi vắng nên tay chồng choảng thật lực con vợ. Rõ ràng mình nghe tiếng huỳnh huỵch, giả vờ sang xin mẻ, thấy rõ nước mắt còn đọng trên mi mà chị chàng còn nhoẻn cười bảo: “Có tí bụi vào mắt nhặm quá thành thử nước mắt nước mũi dàn dụa”. Đúng là cái giống người thời buổi này. Bóng bẩy ngoài da, trong thì tim la tám tầng. Đi vào buổi tối, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy cứ như thành phố tây thế mà ban ngày nhìn sông nào cống nào cũng đen kịt, thối inh, rác rưởi lều bều mới hay thành phố này bẩn và lộn xộn chả khác gì bãi rác. Chẳng thà cứ như thằng chồng mình. Trần cù xì, mộc như thế lại hay. Nó mà hứng lên thì bất chấp hết, mình mệt chết nó vẫn không cho yên. Làm thằng bảo vệ, thân phận thấp hèn, cứu lại được cái tốt tính. Mình tin cu cậu .. Ô. A mà con Liễu nó cũng bảo nó tin thằng chồng nó một trăm phần trăm nhưng mình thì lại từng trông thấy thằng chồng nó. Hi vọng hôm ấy nắng quá nên mình quáng gà, nhìn lầm.

Ngày 20 ta rơi vào chủ nhật 

            Vừa trả cửa hàng cho bà chị dâu khôn khéo mồm miệng đỡ chân tay, suốt ngày kêu “anh chị mỏng phúc nên lộc vào không nhiều như chú thím” định tắm một cái cho mát thì con Lụa cháo lòng, con Lương phở gà ta ập vào. Lụa cháo lòng nhếch hàng mi nối lên, mắt đảo, đôi môi rõ ràng vừa phớt nhẹ tí son nâu mấp máy:
- Thằng chồng mày có nhà không?
- Hôm nay trực chiều.
       - Cẩn thận đấy. Thằng nào bây giờ cũng hay bịa lý do để lang thang lắm. Cảnh giác vẫn hơn.  
       - Ôi dào, lão chồng tao. Cù lần lắm. Nhưng thôi nói về các lão ấy làm gì mất thời gian. Dạo này làm ăn phát tài hay sao mà nối mi liền tục thế .
- Nỡm. Bây giờ có hai mươi bảy đồng một hộp mười cặp. Hỏng đâu thay đấy .
       -  Thôi thôi vào chuyện đi. Lương phở gà ta giơ bàn tay có những móng tô hồng nhạt đính cườm lóng lánh, nhưng mu loang lổ nhiều vết hình búp giáo chém chém vào không khí như đang chặt thịt gà .
       - Thì đợi bà Nhã nem chạo một tí, đi đâu mà vội. Gì thì gì chị em mình là đàn bà con gái, lại cùng cánh chân đất mắt toét này phải dựa vào nhau, bảo vệ nhau chứ còn biết trông vào ai.  
- Mà cái mụ Nhã cũng thật lạ. Đã hẹn như thế…
       - Tôi đây, tôi đây. Gớm mấy cô dạo này cũng đổi mới gớm thật. Đúng giờ hơn cả họp phường. Dạo này chắc hàng họ tăng trưởng mạnh hay sao mà máu thế.
         Chị chàng Nhã nem chạo lóe xóe bước vào. Khuôn mặt bầu bình, tươi mưởi của bà nem chạo bỗng căng cứng khi nhìn bàn tay có những móng hồng đính cườm quen chặt thịt gà của Lương loang loáng lên xuống liên tục, phụ họa giọng bực bội :
- Trong cái nhóm của mình bà chị là cao niên nhất.
- Gớm mày cứ làm như tao via lắm ấy.
- Phải nói là chị tài nên mới chài được ông anh trẻ măng…
       - Cái con này. Lão ấy nhỏ xương hóp, nên trông thế thôi. Ông ấy hơn tao tuổi rưỡi cơ đấy nên cũng ọp lắm rồi. Giá người mà cũng cho hàn the vào để giòn để dai hơn một tý thì cũng hay ra phết.
- Khiếp. Bà chị còn phởn gớm nhỉ .
        Lụa cháo lòng bật cười rung rúc, đôi mi giả thiếu chút nữa bong ra. Chụm hai ngón tay lên vừa dán nhẹ vừa lầu bầu:
 “Rõ đồ của rẻ của ôi”, trong khi đó Lương phở gà ta sồn sồn:
- Thôi vào chuyện chính .
       Mình quả tình không biết đầu cua tai nheo có chuyện gì nghiêm trọng mà bỗng nhiên chỉ thiếu con Liệu thịt chó là coi như gần hết bọn hàng ăn của dẫy phố này hẹn hò nhau ào vào nhà mình để bàn bạc ra điều quan trọng Mình nói gần hết là vì dân bán hàng có dính dáng đến ăn ở phố này còn bà Vượng tương cà. Nhưng bà này phần thì già, phần vì lúc nào cũng vênh vênh. “Ông nhà tôi về hưu gần chục năm. Làm đến vụ trưởng nên ông ấy bảo dù là bán dưa cà cũng tạo ra mầm mống tư bản. Nên cấm. Gần đây tôi nói mãi, bảo bán cho vui ông ấy mới đồng ý. Chỉ có điều ông ấy dù có rỗi chết cũng chưa bao giờ vặt hộ núm cà, thái hộ mớ dưa”. Còn con ranh Thủy trứng vịt lộn nữa. Nó cũng chẳng phải đứa khó chơi gì, gặp các đàn chị  cũng ngọt ngào, ăn nói lễ phép dễ nghe chỉ có điều quán nó một tuần thì giỏi lắm mở bán được hơn hai tiếng vào sáng thứ hai sáu ngày còn lại thì bố nó ngồi bán nước hè quen gọi là năm xu nhưng bây giờ đã lên một nghìn một chén rồi. Những ngày ấy con bé đi biền biệt. Thủy trứng vịt lộn cũng mê bún chả nên mỗi khi về quẳng đồ, thay quần áo là ra quán mình ngay. Mình chả hỏi con bé cũng hơn hớn “em vừa đi Hạ Long về. Nghỉ hè có khác. Dưới ấy cái gì cũng đắt. Tôm hùm những triệu rưởi một cân”. Dân phố thì đồn con này đang là gái bao hợp đồng gì đấy. Giá phù hợp là nó đi. Mình không tin lắm. Thủy trứng vịt lộn không xinh. Được cái trẻ, chân dài, da mịn. Mắt thì khỏi nói long la long lánh. Mắt ấy liếc trai thì bụt cũng đổ. Thôi thì ai làm gì  sống được thì kệ người ta.
- Có chuyện gì thì nói đi. - Lụa cháo lòng có vẻ sốt ruột giục khẽ.
       - Sao con Liệu thịt chó không đến nhỉ? - Bà Nhã nem chạo há hốc mồm ngạc nhiên hỏi.
- Thì vì chuyện của nó nên em mới mời các mẹ đến đây.
- Được rồi. - Lụa cháo lòng cố nén nhỏ nhẹ.
        Bàn tay hình búp giáo loang lổ của Lương phở gà ta nâng lên chém xuống:
        - Nó là thế này. Thực ra con Liệu thịt chó cũng không muốn làm to chuyện. Nó chỉ mới tâm sự với tôi. Nhưng tôi thấy nó khóc sụt sùi rồi nó lo nếu vợ chồng nó bỏ nhau thì hai đứa con nó sẽ khổ. Kiểu gì thì tòa nó cũng xử mỗi người nuôi một đứa…
- Nhưng làm sao mà vợ chồng nó bỏ nhau?
       Bà Nhã nem chạo kênh cặp mông chảy bè lên bồn chồn.
       - Thế ra chuyện ấy có thật à? Tôi biết ngay mà. Hóa ra mắt con này cũng tinh ra phết. Mình không nén được nói ngay.
       - Nhưng vợ chồng nó đã xẩy ra chuyện gì để đến nỗi khốn khổ thế. Mà con này nữa. Đã biết rồi sao mày không nói.
       Lụa cháo lòng quay sang tôi. Bàn tay của Lương phở gà ta lại vung lên:
- Có im để tôi nói cho mấy mẹ nghe không. Cứ sồn sồn ra. Khiếp.
- Ừ ừ, mày kể xem nào. Ghê quá thôi mất.
       - Nó là thế này. Tối hôm qua, con Liệu thịt chó sang nhà tôi. May lão dở hơi nhà này đi bia bọt ngay chỗ quầy thịt chó của con Liệu ấy. Nó vừa khóc vừa kể là bắt gặp thằng chồng nó đi vào nhà nghỉ với con bồ đâu như nhân viên phát hay bán thuốc gì ấy bên 108. Con này ế chồng nhưng giầu lắm.
      - Bọn bán thuốc bây giờ phải biết. Vừa không bẩn thỉu, lấm lem hôi mù như mình mà lại lắm tiền. Lũ ấy với cánh bác sĩ cùng ruộc. Ai không may phải vào bệnh viện thì chắc chắn bị chúng nó luộc chín dừ. Hôm nọ bà bô chồng nhà này…
 Lụa cháo lòng than thở.
- Im nghe cái Lương nó kể tiếp đã nào.
       - Con Liệu trông thế nhưng cáy phải gọi bằng cụ. Phải tôi ý à, lành làm gáo vỡ làm môi. Tôi lao ngay vào bắt quả tang trai trên gái dưới thì có mà chạy đằng trời.  Rành rành ra thế mà lại bỏ về nhà sụt sùi. Hỏi thì bảo vì đi một mình sợ bọn bảo kê nhà nghỉ. Tối về nó mới tế thằng chồng. Thằng này mới đầu còn chối, sau con Liệu nói đúng quá thằng này vặc lại, thách “cô không chịu được thì cô làm đơn đi”
       - Rõ là đồ chồng khốn nạn. Ăn cháo đái bát. Hỏi ở cái phố này có ai yêu chồng quí chồng như Liệu thịt chó không. Lụa cháo lòng nổi cáu.
       - Đã bảo rồi, nhìn bề ngoài là biết ngay Long mắt cá trê là thằng hai lòng.
       - Mình không nén nổi buột miệng. Lương phở gà ta hùng hổ.
       - Đàn ông thì thằng chó nào chả cả thèm chóng chán. Làm con đàn bà phải biết giữ. Bọn chồng thích mềm thì cho mềm, thích cứng thì cho cứng.
       - Tự dưng mình nhầy vào cũng khó khó. Đây lại là việc riêng nhà người ta. Mình là người ngoài, thương thì thương con Liệu thịt chó thật. Cơ mà… bà Nhã nem chạo than thở.
       - Nhưng nó ngang tai chướng mắt quá thể. Vả lại con Liệu cùng hội cùng thuyền nên chị em mình phải có trách nhiệm. Cái nữa, mình  làm mạnh vụ này để những thằng chồng khác nhìn vào mà tởn. Trông các bà này lành hiền thế thôi. Nhưng đừng có trêu ngươi mà thiệt.   
- Vẫn biết thế nhưng làm cách nào? Lụa cháo lòng bần thần.
         Lương phở gà ta bặm đôi môi đã nhạt lớp son nâu phớt nhẹ, cúi đầu xuống thì thầm:
       - Nó cũng như vặt lông gà ấy. Muốn gì cũng phải làm thật kĩ, cái lông măng bé nhất cũng phải nhổ. Có thế khách người ta mới tin.
- Biết rồi.- Nhã nem chạo thở dài buột miệng.
       - Theo tôi. Đầu tiên cả bọn mình kéo đến nhà con Liệu thịt chó nói hết nhẽ với thằng chồng nó. Gì thì gì mình cũng phải làm thật tợn để thằng này hết cái thói giăng hoa đi. Vợ con vẫn là trên hết.
       - Nhỡ thằng ấy không nghe, nó lại đuổi mình ra thì sao? - Lụa cháo lòng băn khoăn.
- Thằng mắt cá trê dám đuổi chị em mình á. Các vàng.
       - Đuổi thì nó không đuổi nhưng nó giở bài ngoan ngoãn “tôi xin các bà về xử lý việc nhà các bà đi” có phải tẽn tò không. Mình cố gợi ra sự khó khăn xem ý Lương gà ta thế nào.
       - Tôi đã bảo đấy là sách thứ nhất. Sách thứ hai ác hơn nhưng phải công phu là dò cho bằng được con thổ tả, bồ bịch của thằng Long rồi mấy chị em mình cùng đến. Đầu tiên cứ lấy tình đàn bà con gái với nhau khuyên giải hết nhẽ đã. Nếu con này ngoan cố mấy chị em mình sẽ cho nó biết thế nào là tranh vợ cướp chồng.
- Nhỡ nó báo công an thì sao? - Nhã nem chạo rụt rè.
- Các vàng. Ba bốn chị em, mình nó lại dám à?   
       - Tôi thì tôi nghĩ thế này. - Lụa cháo lòng nuốt khan một cái rồi hạ giọng - Có lẽ nên đến con chết dẫm kia trước. Chuyện này thì bố bảo nó cũng chẳng dám báo công an đâu vì cô nàng cũng biết làm như thế là bậy rồi. Ta cũng cứ mềm trước rắn sau cho hết nhẽ. Làm thế nào bắt con này không chỉ hứa miệng mà phải viết ra giấy càng tốt. Rằng từ nay cạch đến già không tơ vương gì thằng kia nữa. Sau đem cái giấy đó đến đưa cho thằng chồng con Liệu thịt chó.        
      - Bà này thế mà giỏi. Đúng. Đúng.
 Bàn tay loang lổ có những móng tô hồng nhạt dát cườm lại vung lên
      - Tôi cũng thấy thế là hợp nhất. Ta chặn gốc trước rồi xử lý ngọn nó thuận hơn. - Nhã nem chạo gật gù.
       - Cơ mà mình đã biết nhà con phải gió kia đâu. Lụa cháo lòng căng hết mắt gườm gườm nhìn ra cửa.
       - Việc ấy khó gì. Để tôi. Tôi sẽ hỏi con Liệu thịt chó. Không được thì tôi có cách. Lão chồng tôi cũng hay bia bọt với tay Long ấy lắm. Bia ngà ngà thì bọn đàn ông thích kể cho nhau những chuyện kín lắm. Tôi sẽ bảo lão nhà này dò bằng được rồi chọn ngày tốt mình sẽ kéo đến. Được chưa?

18     ta ngày tốt

          Vào đúng ngày cả cả bọn cho là ngày tốt. Lúc ấy lưng lửng chiều. Thời gian chưa mấy bà nội trợ ra mua bán. Lương phở gà ta xem ra sốt sắng nhất. Điện thoại của mình réo liên tục. Hai lần trước còn đỡ, lần thứ ba thì mụ ta gắt om lên. “Làm cái gì cũng phải có giờ giấc chứ. Đã hẹn rồi”. Ra đến đầu phố thấy Lụa cháo lòng đang nghếch mắt về phía hàng nem chạo của Nhã. Lương phở gà ta thì đang rít lên trong máy “có nhanh lên không. Để lão ấy trông cũng được”. Ả phở gà ta vừa dứt lời thì Nhã nem chạo sồng sộc đi ra. Cái áo cổ bèo lắc lay. Mắt cười, mồm bả lả “lão cứ tra mãi đi đâu. Tao phải bảo về mới nói được. Lão nhìn tao chằm chằm rồi bặm mồm bảo: “Cứ liệu hồn đấy”. “Chồng ghen thế là tốt rồi. Thế không mang xe à?” - Lương phở gà ta hỏi giật giọng. Nhã nem chạo cười hị hị: “Đứa nào đèo chị cái. Thằng con lấy xe đi với bạn nó từ trưa. Đã về đâu”. “Thôi lên đây. Lão nhà này trưa hôm nay cũng điện về bảo cơ quan họp. Chắc lại bia rượu với mấy thằng bạn cũ vừa ở miền Nam ra chứ chó gì. May nhà này xe cộ chả ai dính vào ai. Thôi đi đi. Bà lên đây vậy. Khiếp, lại bôi cả nước hoa đấy à? Giời nóng bỏ cha”. “Nó cũng quen đi đấy, tắm xong bao giờ cũng xịt tí”. ”Đang trưa lại tắm. Chắc con đi, vắng nhà. Anh chị lại tí tởn chứ gì”. Lụa cháo lòng tít mắt: “Vợ chồng phải thế chứ. Chả bù lão nhà này. Cứ dửng dưng như không. Chắc công việc cơ quan”. “Cẩn thận đấy”. Tự dưng mình buột miệng trêu Lương phở gà ta. “Tao dính một cái cứ gọi là phăng luôn. Nhưng thôi. Lên xe, nổ máy đi. Bám sát xe tôi vào không lạc đấy. Chỗ nhà con ở… ”. Ba chiếc xe máy rung lên chở bốn ả bán đồ ăn lướt trên đường. Dừng lại một chỗ đèn đỏ, rồi lại thêm ba cái ngã tư, một cái ngã ba, rồi ngoặt vào một ngõ nhỏ ngay cạnh quầy bia vào giờ này chỉ có lờ phờ mấy gã còn sót lại từ trận bia trưa. Chiếc wave tàu xanh nhạt của Lương phở gà ta von vót đi trước. Con mẹ quả là tài luồn lách. Mình vừa đi đến quãng giữa ngõ thì  cô ả đã khuất sau dẫy tường ngõ. Mình đang sợ mất hút thì bất ngờ xe Lương phở gà ta quay lại. Đằng sau xe, bà Nhã nem chạo túm chặt lấy vạt áo mụ Lương. Lương phở gà giơ tay làm hiệu cho mình và Lụa cháo lòng dừng lại “Gì thế ?”- Lụa nhanh mồm hỏi. “Tao cũng chẳng hiểu nữa đang đi thì nó vòng lại”. Nhã nem chạo lào thào. Lương phở gà ta tắt máy, mặt lầm lầm. Bàn tay loang lổ giơ ra. “Bây giờ các bà cứ đứng đây. Bốn chị em mình nên chẳng việc gì phải sợ gì hết. Để tôi vào, nếu đúng xe của lão chó chết ấy thì cùng ập vào. Ba mặt một nhời có mà chạy đằng trời, chối bằng mắt. Họp à, họp gì mà lại…”. “Nhưng mà cái gì thế?”- Nhã nem chạo có vẻ hơi nhát hỏi khẽ. Lương phở gà ta không nói, đút chìa khóa vào túi sau quần bò rồi phăm phăm rẽ vào căn nhà đang mở cửa. Một chiếc ôtô con biển số 45 nép dưới bức tường đối diện, trong nhà có gần chục chiếc xe máy xếp hàng. Mình ngước lên và nhận ra tấm biển đỏ nhạt viền vàng “nhà nghỉ Yên Bình. Có chỗ cho ôtô”…

LTGTập ghi chép của cô bún chả đến đây là hết. Không hiểu là vô tình hay cố ý. Nếu đây là sự chủ định thì  cô bún chả quả là một nhà văn đã biết xử lý thành thạo thủ pháp gây tò mò, hấp dẫn cho người đọc. Tôi cũng không thoát khỏi sự cuốn hút của câu chuyện vì thế nên trưa hôm sau dù không muốn ăn bún chả lắm tôi vẫn ra hàng. Khi tôi hỏi đoạn tiếp cô bún chả toét cười: “Cháu cũng viết được hơn một trang nhưng tay chồng nhà cháu tối hôm kia đi về thấy cháu hí húi viết, nổi cơn ghen. Chưa biết đầu cua tai nheo gì đã rằng lấy xé nát. Tí nữa chú cho cháu mượn lại để cháu phô tô cho nó xem, không lão ấy cứ nghi nghi ngờ ngờ. Sau lúc tỉnh tay chồng cháu cũng hiểu ra. Cháu còn bảo chỗ viết ấy nếu chú nhà văn cho in còn được cả tiền, bét nhất cũng ba trăm. Tay chồng cháu ân hận lắm hỏi, thế còn nhớ mà viết không? Cháu cười bảo vô tư đi. Chỗ cháu viết làm thằng chồng cháu xé ấy cháu kể đúng là xe của tay chồng Lương phở gà ta thật. Chúng cháu tuy cáy nhưng cậy đông cũng ùa vào. Con mẹ kia lạy như tế sao”. “Thế  còn chuyện nhà Liệu thịt chó thế nào rồi?”. “Mấy hôm nay hình như hoà hoãn rồi. Chồng nó xuống nước xin nó. Con Liệu trông thế  cũng thương người. Nó vừa ở đây lúc nãy, nó bảo, vì hai đứa con nên đành nhắm mắt. Thằng chồng nó không biết có phải biết ân hận hay không mà mấy hôm nay toàn đứng hàng, chặt thịt chó bán cho khách. Lúc nãy lại mang cả xe ra đón con Liệu về. A, chú ăn chả riêng hay chả lẫn như mọi khi. Chú uống bia nhé. Chú đọc tài thật đấy. Chỉ khổ cho mấy đứa con nhà Lưỡng phở gà ta. Mấy hôm nay ăn vạ ăn vật . Cơm không nấu mà hàng quán cũng không thấy mở”. “Căng thế kìa”- Tôi hỏi nhỏ . “Chứ sao nữa. À chú này nếu chú cho đăng thì đăng báo An Ninh hay Công An gì đấy, báo ấy cháu và cả chồng cháu hay đọc các vụ án lắm. Khi đăng chú làm thế nào, không có mấy con bà cô đọc được thì …”.  “Đổi tên chứ gì”. Tôi tủm tỉm. “Đúng rồi, chú tài thật đấy. Nhà văn có khác. Chúng nó cáu lên thì mất bè mất bạn chú ạ!”.


Nguyễn Hiếu (Hà Nội)