Đã quá trưa, từ bệnh viện về, Ngọc không còn hơi sức nào nhưng cô không dám nghỉ ngơi, nếu chỉ cần đặt lưng xuống, cô có thể ngủ ngay tới mai, không chút trăn trở. Nhưng còn công việc, còn nhà cửa, đã mấy hôm nay bừa bộn thế kia, cô phải bắt mình cố gắng, cố gắng. Phải quét dọn nhà, giặt giũ, và còn đi chợ mua ít thức ăn tươi, nấu cháo ủ sẵn cho kịp khi đi làm về cô sẽ đem vào để Quan ăn tối. Quan là cháu trai, gọi Ngọc bằng cô ruột, nó cũng là đích tôn của dòng họ. Ba Ngọc chỉ sinh mỗi mình anh Hai Hùng - ba nó - là trai còn thì ba cô con gái, chị Đào, đến Ngọc rồi cô em út tên là Vân. Cả chị và em gái Ngọc đều đã có chồng con, con cái cũng đã trưởng thành hết, còn lại Ngọc vẫn độc thân cho tới giờ, cũng xem như là gái ế, lỡ thì. Nếu tính tuổi mụ, năm nay Ngọc đã hơn 50, chính xác cô đã 52 tuổi, thế thì chồng con gì nữa. Ở tuổi Ngọc, bạn bè cô có người đã lên chức bà. Sớm tối đi về một mình, Ngọc lủi thủi làm ăn, cũng không hay chưng diện nên trông cô già hơn tuổi. Hồi trẻ, Ngọc cũng có mối tình nhưng khi gã bồ bỏ cô đi lấy vợ trẻ đẹp, cô đâm ra sợ đàn ông. Có mấy người làm chung công ty toan mối mai cho cô, đối tượng thường là các ông sồn sồn góa vợ. Nhưng chẳng đám nào đi đến kết quả. Bây giờ thì Ngọc yên phận, không tơ tưởng gì đến chuyện lập gia đình. Cô chỉ cầu mong sao sức khỏe ổn định, cứ làm ăn, đến đâu hay đến đó. Nhiều lúc nghĩ đến khi về già cô quạnh, nếu đau yếu không có người chăm sóc, cô chạnh lòng, rồi lại tự an ủi “ Sống chết tại trời”, có lo cũng chẳng đặng.
Ở thành phố này, cô chỉ có người thân duy nhất là anh Hai Hùng, tuy mỗi người đều ở riêng, nhưng nhà anh trai có việc gì cô cũng đều chạy đến giúp đỡ. Vừa qua, xui rủi thế nào, thằng Quan chạy xe máy ra đường, mũ bảo hiểm mang theo nhưng chỉ móc ở phía trước, chẳng may bị hai thằng chạy bạt mạng tông phải, nó bị chấn thương sọ não rất nặng. Đã hai tháng từ ngày bị tai nạn, Quân vẫn hôn mê. Bác sĩ Tiến sĩ Phạm Tỵ, Giám đốc Bệnh viện và Bác sĩ Đồng, Trưởng khoa Ngoại – Thần kinh cột sống đã trực tiếp khám, mổ cho nó hai lần. Bây giờ thì một phần sọ não của nó được nuôi bằng kỹ thuật cấy ghép trong ổ bụng, đợi đến khi hồi phục, thường là nửa năm sau mới lại tiến hành phẫu thuật đặt vào đầu. Thằng nhỏ sống thực vật như vậy, nằm đó, mắt mở trừng trừng nhưng không thể nói, cũng không cử động được. Anh chị Hai tuổi cũng đã lớn, nên sức khỏe có phần hạn chế. Họ thay phiên nhau vào nuôi nấng con, anh Hai chủ yếu là buổi tối, từ cơ quan về, vào trực luôn đến sáng. Còn Ngọc và chị Hai thì người buổi sáng, người buổi chiều, liên tiếp đổi ca trông chừng người bệnh. Thời gian đầu, lúc mới mổ, việc trông nom nó rất cực, vì phải canh chừng các loại máy móc, từ máy trợ thở, máy theo dõi nhịp tim đến dây truyền dẫn nước, truyền máu… Gần tuần nay, không còn phải truyền máu nữa, nhưng thằng Quan lại bị nhiếm trùng sau mổ, nó cứ lên cơn động kinh, có lúc sốt cao, có khi người nó tím tái, đờm dâng lên cổ họng, suýt chết. Vậy là Ngọc phải xin nghỉ phép ở xưởng gỗ, để trực tiếp nuôi cháu. Có thể nói không ngoa, cô vất vả còn hơn ba mẹ thằng Quan. Thì đó, chị Hai đã nghỉ hưu, nên không bận bịu mấy, còn anh Hai chỉ canh chừng ban đêm. Riêng Ngọc, cô như con thoi chạy lên chạy xuống từ bệnh viện về nhà rồi lại chạy đến xưởng làm việc. Hàng xóm thấy cô vất vả quá, họ khuyên cô nên giữ sức khỏe, bảo cha mẹ thằng Quan thuê thêm người hộ lí, chứ cái điệu này thì đau xuống cả nhà còn chết dở. Thương cháu, Ngọc không nề hà, vẫn cố gắng tiếp sức cùng anh chị để ráng chăm sóc thằng Quan. Tội nghiệp nó, đã hơn 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ. Mấy năm trước, nó cũng ăn chơi đàn đúm, tiêu phá tiền của ba mẹ dữ lắm. Mới tu tỉnh lại, đi làm chưa được nửa năm, thì gặp nạn. Hồi còn khỏe, nó cũng có bạn gái, hai đứa mới tìm hiểu, con nhỏ cũng có vài lần đi với Quan đến nhà Ngọc. Gia đình hai bên chưa đặt vấn đề gì, bây giờ sự thể như vậy chắc con nhỏ bỏ thằng Quan. Càng nghĩ, Ngọc càng rầu quá trời. Thằng Quan cũng có em, nhưng lại là em gái. Con Hiền, em nó hiện đang học năm cuối ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa Báo chí. Nghe tin anh bị nạn, nó có về ít bữa, nhưng lại phải vào để kịp đi thực tập dưới miền Tây. Bà con ở quê hổm giờ cũng vào thăm nhiều, nhưng không ai ở lâu, thành ra cũng chỉ có anh chị Hai và Ngọc trực trong bệnh viện.
Tính ra, từ bữa thằng Quan bị tai nạn đến nay, đã hơn hai tháng, Ngọc chạy ra chạy vào nuôi cháu mà cô sút đến gần ba ký. Ốm tí cũng không sao, nhưng thực lòng, Ngọc cũng lo mình ngã bệnh. Nếu cô đau xuống thì không ai thay cô nuôi cháu cùng anh chị được. Ngọc đã định xin nghỉ việc ở xưởng gỗ một thời gian, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thời buổi kinh tế khó khăn, người ta thất nghiệp đầy ra đó, mình xin nghỉ lúc này là mất chỗ làm ngay. Thôi thì ráng tí, mai mốt thằng Quan khỏe lại, mọi chuyện lại đâu vào đó.
Cuộc họp toàn Công ty chiều nay thật căng thẳng. Ban Giám đốc sau khi thông báo việc chi trả lợi tức cổ phiếu hằng năm cho công nhân viên chức, hầu như phần lớn người lao động đều bất bình phản ứng. Hồi mới tham gia cổ phần hóa, ai cũng chạy vạy cho có số tiền kha khá để mua cổ phiếu, mong có dịp được chia lợi nhuận như kiểu gửi tiền Ngân hàng. Bản thân Ngọc cũng đã trút ống hai cái hụi, rồi tóm vén gần như tất cả số tiền, vàng để dành trước giờ để mua trên 1000 cổ phiếu. Tính ra, Ngọc đã bỏ vốn gần chục cây vàng, đó là cả một tài sản mà suốt đời cô chắt chiu, nhịn ăn nhịn mặc để dành. Thế mà chiều nay khi nghe công bố giá cổ phiếu cùng lợi nhuận được chia theo tỉ lệ, Ngọc thấy mình gần như mất hơn nửa. Chẳng phải công ty lừa đảo ăn chặn gì cả, cũng tại giá cả lên vùn vụt, đặc biệt là giá vàng gần như gấp bốn năm lần so với hồi cô bán ra mua cổ phiếu. Bây giờ nếu đem tiền được chia đi mua vàng, y như là của đổ hốt lại, chẳng bõ bèn gì! Ban Giám đốc cũng thông cảm với bức xúc của người lao động nên họ hứa sẽ tìm cách bù lỗ ít nhiều cho công nhân vào tiền thưởng cuối năm nếu doanh thu của công ty khấm khá.
Cùng với nhiều đồng nghiệp, Ngọc đành ngậm bồ hòn làm ngọt, thôi thì phóng lao đành phải theo lao! Nếu lúc này xin rút hoặc bán cổ phiếu lại cho người khác càng lỗ hơn. Ngọc tự an ủi thôi thì nước nổi tất bèo nổi, có lo cũng chẳng được, thời buổi kinh tế khủng hoảng, có người còn phá sản đầy. Mình một thân một mình, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, cũng chẳng lo đến việc nuôi ai, hoặc để tài sản lại cho con cháu thừa kế. Dù sao, Ngọc cũng có căn nhà đang ở, tuy nhỏ nhưng cũng là nhà mái bằng, một lầu một trệt, nhà tập thể nhưng đã hóa giá. Khu dân cư Ngọc ở rất yên tĩnh và an ninh. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đi tìm mua nhà đã đến hỏi, nhưng Ngọc đâu có ý định bán. Ngọc đã định bụng, cô sẽ viết sẵn di chúc để lỡ mai kia mình có chết đi, thì căn nhà dành cho hai đứa cháu trai là thằng Quan con anh Hai Hùng và thằng Khiêm con cô Vân em út. Bây giờ thằng Quan đang trong tình trạng nguy ngập thế, Ngọc nghĩ càng thương cháu. Từ xưởng gỗ về nhà, Ngọc tắm rửa, ăn vội bát cơm, chưa kịp dọn dẹp, cô chạy xe vào ngay bệnh viện để thay ca cho mẹ thằng Quan.
Thằng bé nằm điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại, phòng đặc biệt. Phòng này hầu như cách li, để tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân, rất hạn chế người thăm nuôi. Ngọc vào ra suốt hơn hai tháng nay nên các bác sĩ và điều dưỡng đều đã quen mặt cô. Thế mà tối nay cô bị chận ngay ở cửa phòng. Lo lắng, Ngọc hỏi cô điều dưỡng Lệ:
- Có chuyện gì vậy em, sao chận cửa không cho chị vô chăm cháu?
- Chị chờ chút, bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân. – Điều dưỡng Lệ khẽ trả lời.
- Sao ? Bộ thằng Quan bị gì hả em?
- Dạ, hồi chiều, sau khi mẹ ảnh bơm cháo, ảnh bị ho sặc, đờm lên cổ, ảnh tím tái rồi tim ngừng đập. Bác sĩ Dũng phải hô hấp và cho chạy máy trợ tim, có lẽ lúc này đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn phải theo dõi.
- Trời ơi, sao chị Hai không cẩn thận gì cả. Đã dặn rồi, bơm cháo thì phải bơm từ từ, cổ họng nó bây giờ teo lại, nó đâu nuốt kịp mà bơm cho lắm. Hồi giờ chị chăm nó, ngày mấy lần bơm cháo, bơm sữa có chuyện gì đâu. Trời ơi, rủi có chuyện gì…
- Thôi, chị bình tĩnh lại, để bác sĩ theo dõi. Ba anh Quan nghe bà vợ gọi điện báo tin, cũng đã chạy vô hồi nãy. Chị cứ đứng ngoài này, vô trong đó đông, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, bác sĩ la tụi em chết!
- Lạy Trời, lạy Phật cho thằng Quan bình an. – Ngọc lâm râm khấn vái.
Phải đến cả tiếng đồng hồ, sau khi Ngọc hết đứng lại ngồi rồi chạy lại chỗ tấm kính mờ bên ngoài chỗ nằm của thằng Quan, cố kiễng chân nhìn vào mà chả thấy gì, cửa phòng bệnh mới hé mở. Ngọc toan lao vào thì khựng lại vì cô trông thấy bác sĩ Dũng bước ra, lưng áo blouse đẫm mồ hôi. Theo sau vị bác sĩ là anh chị Hai Hùng, thất thần, ràn rụa nước mắt. Ngọc lờ mờ linh cảm chuyện chẳng lành. Cô sợ không dám hỏi. Anh Hai cô khóc òa:
- Ngọc ơi, thằng Quan….
- Trời ơi, nó sao hả anh?
Anh cô vẫn đứng đó như bị đóng đinh, mắt vô hồn. Chị Hai cũng nức nở:
- Nó bị sặc cháo, đờm lên chận cổ, rồi ngừng thở. Cháu đi rồi, cô ơi ! Hu hu!...
- Cháu ơi là cháu, sao cháu nỡ bỏ ba mẹ, bỏ cô mà đi vậy Quan ơi! – Ngọc gào lên.
Cô ào vào phòng bệnh, phủ phục trên giường thằng Quan. Nó nằm đó, người gầy đét như bộ xương, tay chân xuôi xị, hai mắt khép hờ, da thịt đã bắt đầu bạc tái.
- Quan ơi, hồi trưa cô mới vô thăm cháu, lau rửa mình mẩy cho cháu. Cô đút nước cam cháu còn uống được. Cô đi làm có một buổi, bây giờ về cháu đã vội bỏ cô mà đi! Quan ơi, dậy đi cháu, dậy để cô còn chăm sóc cháu, còn cho cháu ăn, thoa bóp, nắn nót chân tay cho cháu nữa. Sao cháu cướp công ơn của ba mẹ, cướp công cô vậy, Quan ơi!...
Anh Hai không cầm được nước mắt, cũng tức tưởi theo:
- Quan ơi, ba mẹ nuôi con mấy chục năm, chưa mừng ngày nào, chưa hưởng niềm vui thấy con nên vợ nên chồng, yên bề gia thất. Vậy mà giờ con lại bỏ ba mẹ đi thế này, ba sống sao nổi hả con?
- Con ơi, tại mẹ. Tại mẹ hết. Mẹ vụng về, mẹ hậu đậu. Mẹ đút cháo cho con mà để con sặc, mẹ đã làm con chết. Mẹ không đáng làm mẹ, mẹ chết đi mới phải. Quan ơi, con mở mắt ra đi, con tha lỗi cho mẹ, để mẹ chết thay con. – Chị Hai oằn người, đau đớn.
- Quan ơi, tre già khóc măng. Con còn trẻ quá, con bỏ ba mẹ mà đi sao đành hả con…
Ngọc xót xa lắm. Thương cháu quá, nhưng số phận đã an bài. Cuối cùng, Ngọc là người lấy lại bình tĩnh trước hết. Cô đưa tay vuốt mắt thằng Quan. Đôi mắt của nó bây giờ mới nhắm chặt. Có lẽ lúc cô chưa vào kịp, nó còn nuối, mắt nhắm hờ, chờ để gặp cô, người mà nó thương yêu như ba mẹ đẻ. Ngọc lặng lẽ thu dọn đồ đạc của cháu, nước mắt cô nhòa đi. Chuyến xe đưa thằng Quan về nhà khi đêm đã về khuya, đường phố không còn sự ồn ã, náo nhiệt, đây đó chỉ còn một vài chiếc xe lao vội trong đêm, những tiếng chó sủa chao chát một góc phố .
Sau đám tang của thằng Quan, Ngọc mất cả tuần mới lấy lại tinh thần. Nếu anh chị Hai đau buồn mười phần, Ngọc cũng đau đến bảy, tám phần. Cô không có công sinh dưỡng nhưng cô là người gần gũi, thương yêu cháu nhất trong mấy chị em gái. Cô đã chứng kiến thằng Quan lớn lên từng ngày, cô cũng vui buồn, lo lắng trước những thay đổi tâm sinh lí của cháu, kể cả những lúc nó ham chơi, lêu lỏng, ba mẹ nó bực tức đánh mắng, Ngọc là người cảm thông cháu hơn hết. Khi thằng Quan tu tỉnh, bắt đầu biết chuyên cần làm ăn, và khi nó có bạn gái dắt đến trình diện cô, Ngọc đã vui ra mặt. Chả thế, cô đã định viết di chúc để nửa căn nhà của cô cho cháu đấy sao. Giờ thì… Càng nghĩ đến, Ngọc càng xót xa. Thương cháu, cô cũng nghĩ lại phận mình. Độc thân, cô chỉ có mấy đứa cháu là nguồn an ủi. Trong thâm tâm, Ngọc cũng mong khi cô về già, các cháu sẽ chạy đi chạy về chăm sóc cô. Mà thằng Quan là cháu đích tôn, cô càng đặt niềm hy vọng vào nó nhiều hơn cả. Trời cao đất dày đã không ngó nghĩ, đem cháu cô đi khi tuổi đời còn rất trẻ, cũng là tước mất của cô niềm hy vọng lúc tuổi già.
Chị Đào, người chị thứ ba, em kế anh Hai Hùng, hiện ở quê. Tuy là chị em gái, nhưng cô và chị Đào không hạp nhau. Vả lại, chị Đào chỉ sinh toàn gái, nên Ngọc cũng không mặn mà lắm. Mấy đứa cháu gái đã lấy chồng, bận rộn với việc gia đình, có khi hằng năm dì cháu chưa gặp mặt. Ngọc chuyển hướng quan tâm đến hai đứa con của Vân, cô em gái út. Thằng lớn tên Khiêm, hiện học năm cuối Đại học Ngân hàng ở Bình Dương, chính là đứa cháu mà cô đã định để nó hưởng thừa kế nửa căn nhà của cô. Còn thằng nhỏ tên Cung, ở nhà vẫn gọi là Cu Ngố, mới năm tuổi. Vợ chồng Vân trước kia cũng ở quê, nhưng hiện nay đã chuyển lên Kon Tum làm ăn, sinh sống. Trên ấy, họ mở một đại lý thu mua nông sản của đồng bào dân tộc, thường là khoai mì, bắp, đậu… Khi kho đầy hàng, Vân sang lại cho các đầu nậu mang đi tiêu thụ, chủ yếu qua đường Trung Quốc. Việc làm ăn của gia đình Vân rất thuận lợi, mới lên Kon Tum mấy năm mà họ đã mua đất đai, làm nhà xưởng, sắm xe máy, xe con. Tuy vậy, nói thực lòng, có tiền nhưng việc ăn uống sao bằng dưới biển. Muốn có con tôm, con cá ăn cũng toàn hàng đông lạnh. Thương Cu Ngố đang tuổi ăn, tuổi lớn, hằng tuần, Ngọc lại tranh thủ đi chợ mua tôm cá tươi, bỏ thùng đá gửi xe lên cho cháu. Lâu lâu, khi xưởng gỗ ngớt việc, cô lại đóng cửa nhà, khăn gói lên thăm cháu. Thấy cô tất bật, hì hụi toàn lo cho cháu, hàng xóm cũng chỉ tặc lưỡi thương hại.
Đang mùa thu hoạch sắn khô, Vân kẹt vốn, sợ bỏ qua không mua thì mất mối hàng. Vả lại, mua bán với đồng bào dân tộc, họ thật thà nên lãi cũng khá. Vân gọi điện về nhờ Ngọc chạy cho ba trăm triệu, hẹn khoảng hai tháng sau, sang hàng, thu vốn xong Vân hoàn trả. Ngọc không sẵn tiền mặt, tiền dư dôi không có mấy. Cổ phiếu của công ty cũng phải đến cuối năm mới kết toán, chia chác lợi nhuận. Tính đi tính lại, Ngọc đành dùng nước liều, đem sổ đỏ căn nhà đi thế chấp Ngân hàng cho em mượn vốn. Cô tất tả chạy tới chạy lui lo thủ tục, đến khi Ngân hàng giải ngân, cô lãnh vừa đúng ba trăm triệu. Sợ gửi xe không an toàn, Ngọc xin nghỉ phép đem tiền lên Kon Tum cho Vân mượn, không quên mang theo một thùng cá thu và tôm rằn ướp đá cho thằng Cu Ngố.
Đón Ngọc, vợ chồng Vân cảm động vì sự nhiệt tình, hy sinh của chị. Cu Ngố mừng, reo hò vì biết dì Ngọc lên thế nào cũng sẽ có quà. Thấy vợ chồng Vân bận bịu vì đang mùa thu hoạch, Ngọc cũng xắn tay làm cùng em, hết cân sắn, cô lại đóng gói bao bì, chuyển kho. Lúc rỗi việc, cô không ngần ngại quét dọn khu trang trại, sao cho trong ngoài tinh tươm, sạch sẽ. Ngày về, Ngọc lưu luyến với thằng Ngố, hẹn mai mốt lại gửi tôm lên cho nó ăn mau lớn.
Trở về công việc thường ngày, Ngọc lại lủi thủi đi về một bóng, làm xong việc ở xưỏng gỗ, cô cũng ít đi chơi, bạn bè không có mấy. Cô tính từ giờ đến cuối năm, nếu công ty có việc thường xuyên, có lẽ cô sẽ dành tiền thưởng cuối năm để sửa chữa lại cái nhà, hiện cũng đã xuống cấp, hư cũ nhiều. Không ai học được chữ ngờ. Việc làm ăn của ba mẹ thằng Ngố đang lúc vượng nhất thì liên tiếp mấy chuyến hàng, bọn đầu nậu xù không thanh toán. Vân đòi tiền thì đầu nậu giải thích họ cũng đang điên đầu vì bị thương lái Trung Quốc không ăn hàng, hàng tồn ở biên giới cả tháng, phần lớn bị hỏng, coi như mất trắng, còn tốn tiền thuê kho bãi. Vân không có tiền trả cho Ngọc, vốn làm ăn cũng đang kẹt cứng. Vân đã bán chiếc xe con, cầm trang trại nhưng cũng không bõ bèn gì. Vân biết chị mình đã thế chấp nhà cho Ngân hàng để đưa mình số vốn ba trăm triệu, nhưng lúc này hoàn trả Ngọc là việc ngoài khả năng của vợ chồng Vân. Biết tin, Ngọc chết điếng. Cô không trách em, chỉ thương thân mình. Chẳng qua cái số của cô lận đận, cô không dám nghĩ đến việc căn nhà là tài sản cuối cùng của cô sẽ bị Ngân hàng tịch biên vì nợ quá hạn. Biết vay ai để trả nợ cho Vân lúc này. Anh chị Hai cũng chỉ là cán bộ Nhà nước, vừa rồi lo việc thằng Quan từ lúc tai nạn đến lúc nó mất, rồi lo tang chế, chắc cũng chẳng còn tiền. Chị Ba Đào làm nông, giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, lo cho mấy đứa con gái nên bề gia thất, làm gì có tiền nhiều như thế mà mượn. Ngọc đau đầu, ốm cả tuần.
Xưởng gỗ hôm nay mất điện, Ban Giám đốc cho công nhân nghỉ sớm. Mấy cô rủ nhau đi siêu thị, còn đám nam công nhân thì hú nhau đi làm vài chén giải mỏi. Riêng Ngọc vì đang có tâm sự, cô không hưởng ứng niềm vui của các đồng nghiệp. Ngọc lặng lẽ dắt xe, về trước.
Khu Công nghiệp được quy hoạch ở ngoại thành, xa khu dân cư. Từ xưởng về nhà, đoạn đường khá xa, phải đến hơn chục cây số. Thường ngày, cô vẫn đi về với mấy người bạn làm chung phân xưởng. Hôm nay, về một mình nên cô đi rất nhanh. Ngọc vừa chạy xe vừa suy nghĩ miên man. Bỗng Ngọc thấy đầu óc tối sầm, mắt hoa lên, cả người cô đổ về phía trước. Cơn choáng vì tụt huyết áp đến bất ngờ, cô không kịp xử lý. Chiếc xe máy đang trên đà chạy, nó rướn thêm một đoạn mới đổ. Ngọc bị một chiếc xe chở khách trờ tới, không kịp thắng, cán qua phần chân của cô. Khi những đồng nghiệp Ngọc đến nơi, họ nhìn thấy Ngọc nằm dài trên đường, máu chảy lênh láng từ đôi chân dập nát của cô. Phải đến mười lăm phút sau, xe cấp cứu mới đưa được Ngọc vào bệnh viện khi cô đã hôn mê. Một vài người bạn làm chung phân xưởng vội gọi điện báo về gia đình, rồi theo xe cấp cứu, cùng đưa Ngọc vào bệnh viện.
Bác sĩ trực đêm ấy dù đã quen với những trường hợp tai nạn, thương tật, nhưng khi thấy máu quá nhiều, ông lo cô bị sốc vì trụy tim mạch. Vết thương của Ngọc thực ra không nguy hiểm, nếu được chữa kịp thời, có khi cô chỉ phải bó bột hoặc bắt vít trong xương, có thể phải mang nạng một thời gian. Cùng lắm là cắt đi phần chân giập nát, tháo khớp. Nhưng lúc nằm trên băng ca phòng cấp cứu, người Ngọc đã xanh tái vì mất quá nhiều máu. Sau khi xác định loại máu của Ngọc, bệnh viện gặp phải sự cố vì hiện máu AB của cô đang hết. Anh chị em công nhân sẵn sàng cho máu, nhưng chẳng có ai trùng nhóm máu với Ngọc. Điều xấu nhất đã xảy đến: Ngọc trút hơi thở cuối cùng ngay trong đêm ấy. Cô nằm đó, thanh thản sau bao buồn vui, trăn trở của một đời lận đận…
Tạ Thị Hoa (Quy Nhơn)
No comments:
Post a Comment