Friday, September 20, 2013

MANG VIÊN LONG VÀ TÔI, VĂN KỲ THINH… - Bài của Trịnh Bửu Hoài


           Cuối năm 1970, khi còn đang học trung học ở Long Xuyên, tôi nhận được tập truyện Mùa Thu Trống Trải do anh Mang Viên Long gởi tặng. Đây là tập truyện thứ hai của anh, sau Trên Đỉnh Sa Mù, cả hai tập đều do Nhà xuất bản Nhị Hồng in ấn. Nhà xuất bản này do Mang Viên Long và Hoàng Đình Huy Quan chủ xướng. Và cái tên Nhị Hồng cũng thú vị lắm, Hoàng Đình Huy Quan nói với tôi cả hai anh đều có người yêu tên Hồng.

Tập Mùa Thu Trống Trải in khổ 12 x 18,5 cm, xinh xắn dễ thương, chỉ dày 114 trang với 6 truyện ngắn nhưng in chữ nhỏ, cỡ véro 10, tôi đọc vèo một buổi là hết. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc truyện Mang Viên Long, mà trước đó tôi đã đọc anh trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Vấn Đề… Và tôi rất thích văn phong của anh, gặp truyện của anh là tôi đọc. Anh là một trong vài người viết trẻ đáng đọc thời bấy giờ. Tôi rất vui khi được anh gởi tặng sách, dù chỉ biết tên nhau trên báo.

Từ đó chúng tôi coi như đã quen nhau, cho tới 40 năm sau, tôi và anh mới có dịp gặp mặt nhau. Tôi nghĩ mà thấm thía câu người xưa đã nói: “Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”

Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là trong một ngày mưa gió cuối năm 1971 ở giữa núi rừng Thất Sơn, trong cơn khát sách báo văn chương, tôi vô cùng bất ngờ khi nhận được tập truyện kế tiếp của anh gởi từ Tuy Hòa vào, tập Phố Người, Nhà xuất bản Đồ Bàn ấn hành. Lúc nầy tôi biết Nhị Hồng đã rã, Hoàng Đình Huy Quan thành lập Nhà xuất bản Đồng Dao, còn Mang Viên Long thì chủ trương Đồ Bàn. Phố Người cũng chỉ 6 truyện ngắn, cũng chữ véro 10, nhưng với khổ 13 x 19 và in trên giấy màu xanh nhạt rất đẹp, không biết đây có phải là bản đặc biệt?
Tôi như vớ phải manh chiếu trong cơn buồn ngủ, đọc ngấu nghiến Phố Người mà lòng thầm cảm ơn anh còn nhớ đến tôi và chịu khó gởi sách tới tận cõi biên thùy heo hút này. Thời gian sống như kiếp lưu đày ở đây, tôi không thể tìm được một tờ báo chớ đừng nói là sách. Cho nên, nhận được một cuốn sách của bạn bè nó quí biết dường nào. Và những nhân vật trong Phố Người đã sống cùng tôi một giai đoạn cuộc đời. Như Khắp của Một cõi đời riêngcùng tâm trạng tuổi trẻ trong chiến tranh, phải ra đi và đau đáu một nỗi quay về: “Khắp cũng mong được trở về, sống lại những chuỗi ngày phẳng lặng êm ả cũ để rũ sạch hết mọi vướng bận chằng chịt có hồi đã làm anh quẫn trí, điên cuồng. Bây giờ thì Khắp đã tự tay mở rộng đôi cánh cửa của một vùng nắng gió hoa lá kỉ niệm như cõi lòng mình mở rộng, đợi chờ…”. Cuối cùng, mình cũng mong được lạc quan như Khắp: “Tự dưng Khắp bỗng thấy như trong cõi đời riêng mình, một mặt trời thân yêu sắp mọc…”. Những con người rất đẹp, nhân hậu và thủy chung nhưng trong chiến tranh, họ có thể nào chung thủy khi một lần ra đi không dám hẹn ngày trở lại, một lần trở về cũng có thể là sau cuối. Một Cửu trong Nấm mồ còn lại, đã tới nơi: “Những con đường lẩn khuất dưới những tàn cây, ẩn hiện phai mờ trong cái vắng vẻ, nghèo khổ của một quận lỵ miền núi ít dấu chân người lui tới”, thì trái tim của anh nên để lại nơi này hay mang về cho người con gái quê xưa. Nhưng thực ra, anh không dám thực lòng yêu một ai, không để một ai vì mình. Tết này anh về quê chỉ vì những nấm mồ. “Giá không có những nấm mồ kia, thì miền đất anh trở về sẽ vô cùng trống trải, sẽ vô cùng hoang mang, sẽ vô cùng tủi thân cho anh biết chừng nào. Nấm mồ còn lại cho anh tuy là chứng tích của bao nỗi hãi hùng đứt ruột nhưng vẫn là nơi còn lại cho anh nghĩ tới để những giọt nước mắt được vỗ về. Những người còn sống (ngoại trừ người chị với đôi mắt còn trông chờ ở ông Trời), Cửu không tìm thấy chút nào gần gũi níu giữ gót chân anh, và buồn hơn là anh cũng không tìm thấy nguồn an ủi nào cho những giọt nước mắt…”. Hay là tôi trong Phố người, từ rừng sâu trở về thành thị gặp gỡ bạn bè và mỗi người một tính cách, một số phận khác nhau. Truyện của anh như tấm gương soi vào thân phận, tình yêu tuổi trẻ, khi “…mọi bả xa hoa sung túc đều làm thui chột hết mọi niềm tin, phấn đấu nơi con người…”. Khi đọc Phố người, tôi hiểu thêm cuộc đời bất hạnh của anh, và từ hoàn cảnh này, anh đã đi lên bằng đam mê và nghị lực. Anh “đã sống qua một thời tuổi nhỏ vô vàn đau xót: Cha mất khi hãy còn là một bào thai non yếu quằn quại trong bụng Mẹ. Tám năm sau, một giờ sáng ngày 27 tháng 10 (âm lịch) giữa mùa mưa bão mù trời thời kháng chiến, người Mẹ đã thở hơi cuối cùng vì bệnh lao bởi đã khổ nhọc và cô độc trong nửa đời góa bụa bị lường gạt. Từ đó, sống quấn quít nghèo khó bên anh và chị. Sống ngơ ngác lạc lõng giữa bà con họ hàng. Lớn lên như một thân cây rừng cô tịch…” (trích Phố người). Anh dạy học và viết văn. Những trang viết của anh đầy ắp tình người và khát vọng yêu thương.

                                              Nhà văn Mang Viên Long (bên trái) và nhà thơ Trịnh Bửu Hoài


Sau ngày hòa bình, tôi bặt tin anh. Đôi lần đến Tuy Hòa, tôi được gặp lại và đối ẩm với anh em văn nghệ cũ như Hoàng Đình Huy Quan, Khánh Linh, Trần Huiền Ân, Nguyễn Lệ Uyên, tôi có ý tìm anh nhưng các bạn nói anh ở Bình Định. Khi ghé Qui Nhơn, tôi mới được biết anh ở Bình Định nhưng là thị trấn Bình Định, thuộc huyện An Nhơn. Tôi không nhớ ai cho tôi địa chỉ nhà anh và từ đó tôi liên lạc thư từ với anh. Anh em mừng như được tái ngộ sau thời gian dài xa cách. Có in được gì chúng tôi đều gởi cho nhau đọc. Lúc chưa có điều kiện xuất bản, anh vẫn viết đều, rồi đánh máy vi-tính, đóng thành tập rất trang trọng gởi vào tặng tôi “để làm kỷ niệm”, như tập “Vầng trăng khuyết”, dày 120 trang khổ 14,5x20,5 với 10 truyện ngắn. Sau này, tác phẩm của anh được nhà xuất bản in ấn và phát hành. Tôi rất mừng cho những đứa con tâm huyết của anh được chào đời có tên tuổi nhãn hiệu đàng hoàng với hàng nghìn bản chớ không chỉ là vài ba bản gởi bạn bè kỉ niệm và đọc chơi. Dù có trong tay những cuốn sách còn nóng mực in, nhưng tôi vẫn giữ những quyển sách do anh tự tay đóng cuốn và dán bìa như một kỉ vật trong tủ sách của mình. Khi nhìn lại những quyển sách ấy, tôi hiểu được nỗi lòng của người cầm viết, sáng tác vì nghiệp dĩ, vì đam mê; dù biết rằng viết ra chưa biết in ở đâu, có nơi nào xuất bản không, nhưng vẫn viết, như có lần anh tâm sự: “Chúng ta đam mê trong chuyện viết lách chẳng qua cũng là… một cái “nghiệp”! Đã là nghiệp – là phải thọ khổ đến 90%. Sau đó, phần ít ỏi còn lại, là một sự thư giãn, giải trí để còn có thể… tiếp tục sống. Ở đời, có nhiều trò chơi – chúng ta tự chọn cho mình cái trò chơi “chữ nghĩa” – quả thật là nhiêu khê (và ít nhiều nguy hiểm/hy sinh). Đành vậy – biết sao? (trích thư riêng ngày 20-11-2007).

Có lúc anh gởi vào tặng tôi một bài thơ, tôi biết anh có làm thơ nhưng rất ít, chỉ in một hai bài ở Bách Khoa vào đầu thập niên 1970, sau đó không thấy nữa. Bây giờ anh làm thơ, có lẽ đang có một chút tâm trạng, một chút cảm xúc mà chỉ có thơ mới gởi gắm được. Tôi đọc và đồng cảm với anh: Ngó lại mình/Những năm tháng lang thang/Những năm tháng dài/Trên từng mái nhà rêu vắng/Gặm nhấm nỗi buồn/Trong từng vũng tối/Thênh thang… (Thơ khai bút đầu năm – mùng 7 tết Quí Mùi).

Một lần, khoảng đầu thập niên 1990, tôi nhận được bức ảnh chân dung anh mặc bộ quần áo nhật bình nâu vạt mẻ mà anh nói là Ngô Phan Lưu đã lên chùa Phi Lai thăm anh và chụp cho. Anh đã trở thành tu sĩ rồi sao? Đây là thời gian anh thường lên chùa, ít có ở nhà, cần việc gì tôi gọi điện gặp con anh làm trung gian giữa hai người. Anh ký thêm tên Huệ Thành trên một số bài viết hoặc thơ (đăng trên bán nguyệt san Giác Ngộ) với nơi sáng tác ghi là “Lập Tâm tịnh thất”- có lẽ là pháp danh; từ giai đoạn này, một giai đoạn cần thiết cho đời người qua lăng kính Phật giáo soi lại mình, mở ra một triết lý sống  khi chân, thiện, mỹ đang đơm hoa kết trái trong tâm hồn. Đó cũng là cơ duyên để anh mở cửa kho tàng nhân bản trong trái tim mình cho các tác phẩm thâm thúy sau này. Sau đó, trong một lá thư, anh gởi tặng tôi bốn câu thơ lục bát, chỉ vỏn vẹn 28 chữ, nhưng đã khái quát cuộc sống của anh lúc bấy giờ: Nguyện cầu xin được vô tâm/Mà sao hạt vẫn nẩy mầm thương yêu/Bâng khuâng một ráng mây chiều/Buồn tênh một mảnh trăng xiêu cuối mùa (tháng 8-1998).

Đến năm 2003, tác phẩm thứ sáu của anh (sau hơn 20 năm không có tác phẩm xuất bản) là một tập truyện ngắn có tựa đề đẹp như một bức tranh: Biển của hai người, được xuất bản trở lại sau ngày hòa bình. Có thể nói đây là niềm vui của anh và bạn bè sau 31 năm gián đoạn. Và đây cũng là bàn đạp để anh vượt lên, thể hiện tài năng và sự sung sức của mình. Trong vòng mười năm, anh cho ra mắt độc giả mười hai tập sách, trong đó có 10 tập truyện và 2 tập tiểu luận, tạp bút. Tổng số tác phẩm của anh hiện nay đã lên đến con số 17. Nghe đâu, anh còn hai tập truyện ngắn và một tập tiểu luận tạp bút (tập 3) trong dạng bản thảo và… chờ in. 
Hai tập tiểu luận và tạp bút Như những giọt sươngcộng lại dày gần 1.000 trang với nội dung phong phú và đa dạng, gồm các bài viết về đạo Phật, về văn học nghệ thuật, về đời sống. Nhận định sâu sắc, cảm xúc dồi dào, trải nghiệm chân tình… là những ưu điểm để anh chinh phục người đọc: Buồn thay, ai ai cũng có đôi tai (và khối óc), nhưng qua bao thế kỷ trầm luân, khổ đau vẫn “làm lơ” để tạo nhiều điều ác, nhiều khổ đau cho con người trên khắp hành tinh, chỉ vì “cái lợi nhỏ và vui nhỏ” giả tạm của riêng bản thân mình (Vài suy nghĩ về một câu kinh Pháp Cú). Những điều đơn giản ấy không phải ai cũng nghĩ ra. Trong phần Văn học nghệ thuật và tôi anh viết về bạn bè văn nghệ và những tác phẩm mà anh thích. Từ những người đã mất như Nguyễn Nho Nhượn, Yến Lan, Quách Tấn, Trần Phong Giao, Y Uyên, Võ Hồng, Trịnh Công Sơn, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Mộng Giác, Trương Thìn, Huỳnh Kim Bửu… đến các anh chị em vẫn còn sống và viết ở trong, ngoài nước như Tôn Nữ Hỷ Khương, Trần Huiền Ân, Đặng Tấn Tới, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung, Nguyễn Như Mây, Trần Vạn Giã, Hoàng Lộc, Đỗ Hồng Ngọc, Cao Thoại Châu, Chu Trầm Nguyên Minh, Lữ Kiều, Linh Phương, Nguyên Cẩn, Thích Thiện Đạo, Thích Giác Tâm, Tống Anh Nghị, Lê Phương Châu, Trần Minh Nguyệt… Những trang viết của anh đầy ắp kỉ niệm và tình cảm như rót ra tận đáy lòng. Quá khứ sống lại với từng dòng cảm xúc qua những câu chữ giản dị, chân thành nhưng bàng bạc một màu trăng sáng mãi hồn nhau. Anh không chỉ viết về bạn, viết cho bạn mình mà còn viết cho đời những trang hồi ức thủy chung rất đẹp. Một mình đau xót cảm nhận thêm một sự mất mát lớn trong đời. Cuộc vô thường của trời đất… Hôm nay, gần đến ngày giỗ thứ năm của Anh, nơi chốn quê nhà quạnh hiu nầy, tôi lại nhớ anh: “Một nhà báo chân chính, tài năng, và vô cùng độ lượng đã suốt đời hy sinh cho sự nghiệp văn học” (Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất nhà báo và người sáng lập tạp chí Bách Khoa Lê Ngộ Châu). 
Quê hương miền Trung nắng gió và những vùng đất anh đã đi qua, đã sống; trong đó có những việc, những người… để lại trong lòng anh những dấu ấn không phai, và bây giờ là sống cùng anh trên những trang viết mặn nồng tình nghĩa. Tôi thật sự không có “vợ” ở Phú Yên, nhưng lại có “nợ” với Phú Yên nhiều lắm. Sâu đậm và thiết tha lắm! Đó là món nợ với “Cuộc đất và tình người” Phú Yên. Bởi vậy, lâu lắm là một hai năm tôi phải trở về Phú Yên. Có năm đến hai lần ghé lại. Có lần chỉ kịp nhìn mặt con phố, gọi điện đến thăm vài người bạn, rồi ra đi. Có lần lây lất với Tuy Hòa cả tháng, hai ba tháng… Đó chẳng phải là “nợ” – duyên nợ, thì gọi là gì? Cái “nợ” ấy ám ảnh tôi, day dứt không nguôi, những lúc chưa “đủ duyên” để trở về. Bạn có tin rằng, trong nhiều đêm, tôi đã mơ thấy Tuy Hòa chập chờn trong giấc ngủ chăng? Tuy Hòa êm đềm, quyến rũ, đã thầm gọi trong tôi qua bao tháng năm xuôi ngược, gian khó (Phú Yên dễ ở, khó về).
Truyện ngắn và tiểu luận - tạp bút của Mang Viên Long như những thông điệp gởi từ trái tim của một con người đã đi qua thăng trầm của cuộc sống, qua vùng bóng tối và ánh sáng của đời người, để lại những giọt máu nở hoa trong cõi nhân gian quá nhiều bể dâu nhưng cũng không ít địa đàng…


Tây Nam bộ 17-9-2013

Trịnh Bửu Hoài 

No comments:

Post a Comment