Trần Hữu Hội
Ngồi trong căn phòng tập thể dành cho giáo viên độc thân của trường, Khiên trầm ngâm nhìn ra ngoài hiên, chén nước trà vẫn còn nóng, hờ hững đưa lên môi nhấp một ngụm, anh tằng hắng rồi bỗng như ý thức ra cái thực tại: Mình đang cô đơn, nhưng là một cảm giác cô đơn dễ chịu, pha chút thanh thản, yên bình, vào cái tuổi năm mươi lăm!
Muộn màng duyên nợ. Khiên học Đại học sư phạm Huế, ra trường, anh xin vào Nam, về dạy môn Sinh cấp ba tới chín năm nơi cái trường cấp hai và ba này, anh mới lập gia đình. Chị cũng là giáo viên, nhưng là giáo viên cấp một. Hiệu trưởng Thành thấy anh một thân một mình., tuổi cũng đã lớn nên mai mối…
Ngày cưới nhau, anh Khiên ba mươi mốt tuổi, còn chị kém anh năm tuổi, hai mươi sáu.
oOo
Chuyện mai mối của thầy hiệu trưởng Thành chưa chắc đã có kết quả nếu cô Tuyến không chủ động… Bởi lúc này Khiên cũng đang có một giáo viên cùng bộ môn, mới ra trường ba năm, mến cái hiền của Khiên. Nghiệt cái là cô Lành cũng là người kín đáo, cả trường không ai hay biết gì về tình cảm mới chớm trong lòng họ!
Là một người chân chất, Khiên không đẹp trai nhưng thuộc loại nhìn được, anh cao ráo, vừa người, hiền và ít nói. Ngay sau khi thầy Thành giới thiệu hai người với nhau, cô Tuyến thân mật như đã yêu nhau từ lâu. Nào ghé nhà tập thể, nào mua trái cây, nào đi chợ và làm bếp giúp… Những chiêu trò “phổ thông”, cho Khiên cảm tưởng đây chính là “một người vợ hiền ngoan” .
Nhưng ngoạn mục nhất là chiêu chót, với chiêu này, cô Tuyến hạ gục một lúc cả cô Lành và thầy Khiên, đạt mục đích thật nhanh chóng.
Tối hôm đó có chiếu phim ở sân bóng xã. Nghe thông báo là thanh niên nam nữ trong xã xôn xao. Nghe cái tên phim cũng đã thấy lãng mạn: “Xô- nát bên hồ”! Thời này, mọi người đều khát khao một đêm giải trí! Một dịp hẹn hò…
Cô Tuyến đến nhà tập thể để rủ Khiên đi xem phim, đã thấy Lành ở đó. Lành trẻ và đẹp hơn hẳn Tuyến. Khiên vui vẻ, vô tình, mời cả hai đi coi phim. Hai cô gái cũng chị chị em em thật lịch sự. Phim hay và lãng mạn. Nỗi khát khao của tuổi trẻ với nghệ thuật phim ảnh làm cả sân bãi im phăng phắc, chỉ còn tiếng thuyết minh lập bập, câu trước lộn ra câu sau, nhưng họ vẫn hiểu được mạch phim. Đúng vào lúc cảnh phim hai người đang thong thả bơi thuyền trên hồ… Tuyến mượn chiếc bấm móng tay của Khiên. Đang mê mải theo dõi phim, Khiên móc túi đưa cho Tuyến.
Phim hết, mọi người trầm trồ tiếc rẻ, cả hai người, Khiên và Lành không thấy Tuyến đâu, tưởng là Tuyến đã về nhà cô ấy trước vì có việc gì đó.
Có thể cái lãng mạn trong phim làm Lành mạnh dạn thêm một chút, cô cùng Khiên về nhà tập thể. Cửa khép nhưng không khóa và có đèn. Khiên đẩy cửa, trố mắt, còn Lành thì hét lên thất thanh rồi chạy ngược trở ra đường.
Tuyến nằm gần như trần truồng với tấm đắp mỏng, đắp ngang phần giữa thân, như đang ngủ, da thịt của phần còn lại lồ lộ dưới ngọn đèn điện.
Lành vừa chạy vừa khóc. “Thì ra anh chàng Khiên này không vừa. Con gái vào nằm trong phòng tự nhiên như thế thì chắc cũng đã lắm lần, lắm cô. Lại có cả chìa khóa phòng nữa chứ!”
Tuyến vờ như hốt hoảng, cô kéo chăn lên cao một chút, phần ngực và hai đùi vẫn lồ lộ trước mắt Khiên.
- Ôi, thầy về rồi à… Đang xem phim em tự nhiên chóng mặt, mượn chìa khóa về phòng thầy định nằm một lúc, rồi ngủ quên.
- Cô Tuyến có sao không, tôi chở cô về nhà nhé?
- Em nhức đầu, người nóng lắm! Đây này, thầy xem, thầy xem…
Tuyến cầm tay Khiên đặt lên trán, lên bụng và ngực, rồi vòng tay ôm ngang lưng Khiên. Người Khiên cũng nóng ran, hơi thở anh dồn dập, mùi thơm da thịt của Tuyến đưa anh chơi vơi trong nỗi thèm muốn khát khao… Anh mơ hồ nhớ đến một cảm giác như thế từ rất lâu… Hồi ở quê, khi anh học cấp hai, chơi trốn tìm với cô bạn cùng xóm, vô tình tay anh chạm vào ngực, cả hai ngây ngất nơi đống rơm sau nhà. Lần đó anh còn bé dại, chỉ là cảm xúc của sự gần gũi khác phái. Bây giờ, ba mươi mốt tuổi, với nỗi rạo rực của thằng đàn ông, anh không cần gì phải kìm giữ…
Nhưng lần đó, đêm đó, lại đem đến cho anh nỗi hối hận dày vò hai mươi bốn năm.
Ông trời cho Khiên cái trí nhớ không bền, hay tại anh cũng không muốn lưu lại trong ký ức những nỗi đắng xót của mười mấy năm đầu sống đời hôn nhân với Tuyến. Khi anh thấy cuộc hôn nhân càng ngày càng tệ hại. Cách suy nghĩ, cách cư xử, lời ăn tiếng nói của Tuyến… Hôn nhân trở thành một sự đọa đày!
Năm tháng qua dần, khi anh mất hết kiên nhẫn để chịu dựng, có ý định ly hôn thì đã hai đứa con. Trai đầu mười tuổi và bé gái bảy tuổi. Chính chúng là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng… mà anh có được trong cuộc hôn nhân này.
oOo
- Ôi trời ơi, hơn mười một giờ rồi mà ông còn ngồi xem “phim séc” à? Tôi họp hội đồng giờ mới xong mà ông không chợ không búa thì trưa nay ăn cái gì? Đàn ông người ta sao hay ho, đàn ông mình thật chán hết chỗ nói, ai đời đi dạy hơn hai chục năm mà chỉ được cái chức tổ trưởng bộ môn. Thật xấu hổ!
Cô Tuyến túm sợi dây điện giựt một phát, chiếc máy vi tính tắt phụp, ba cái đề thi học kỳ hai của khối 10, 11, 12 anh soạn cả buổi sáng chưa kịp “save”, biến luôn.
Cô Tuyến lên chức thật nhanh, mới ngày nào chân ướt chân ráo từ ngoài Nghệ An vào với cái bằng 9+1, Hai đợt học bổ túc và đại học từ xa, cô đã có bằng đại học, mức lương cao hơn Khiên nhờ chức vụ, cô làm hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở mười hai năm nay rồi. Đang mon men cái chức phó phòng giáo dục. Cô thường đi họp với lão Tân, thường trực huyện, có khi gần sáng mới về đến nhà.
- Dạy với dỗ, ngày nhà giáo mà chẳng ai thèm quan tâm cho cục xà bông đừng nói chi đến cái áo sơ mi. Không có tôi thì cái nhà này chết đói.
- Đi dạy không xong thì làm kinh doanh buôn bán đi cho vợ con nhờ. Thằng Thạnh không có chữ đui nào, học không hết lớp ba mà buôn gỗ giàu có, xe này xế nọ. Con vợ cứ phổng phao càng ngày càng trẻ đẹp… Ông không nhìn qua cho tui nhờ.
Không biết họp Hội đồng sáng nay có chuyện gì không. Nhưng những khi không họp, cũng đều thế cả… Về nhà thấy chồng là la hét.
Hôm nay thứ năm, sáng nay anh đã đưa hai con về ngoại từ sớm, tranh thủ ra đề thi.
- Hai đứa về ngoại rồi, ăn tạm cái gì cũng được mà.
- Ăn tạm, ăn tạm cái gì là cái gì? Tui mệt ăn không nổi. Kiểm tra với kiểm trẻ, phòng với phiếc, cứ quay như con vụ… Anh đi mua cho tôi bát phở!
Khiên mặc áo, dắt xe đi…
oOo
Chuyện chức quyền của Khiên kể ra cũng chậm thiệt. Bản tính anh không biết nịnh nọt, không ngang bướng nhưng lại chuộng cái trung thực. Giáo viên toàn trường đều mến anh, học sinh nào cũng quý cũng thương… Khiên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi kiến thức, lại tận tình.
20 tháng 11 hằng năm, từ cái thời bao cấp, còn độc thân, các em đến thăm mang theo quà, khi thì bột ngọt, khi thì mét vải… Anh đều bắt đem về, không nhận:
- Nhà em nào cũng khổ, đem về, thầy một thân một mình, có tiêu chuẩn rồi… Em nào thương thì cho thầy chậu bông, cây hoa…thầy chưng cho vui mắt, vậy là thầy vui rồi!
Buôn bán. Những ngày kham khổ vì đã lập gia đình, bao nhiêu đêm anh trằn trọc với ý nghĩ bỏ nghề dạy học, đi buôn gỗ lậu như nhiều người. Có thầy vừa dạy, vừa buôn gỗ, giàu lên trông thấy.
Thời bao cấp qua, anh mua cái máy vi tính, mở cái photocopy. Nhưng cái gì cũng có phe có cánh. Thầy Toản phụ trách Công đoàn trường mua ngay cái máy “photo” mới cứng. In nhanh và đẹp, in luôn cả tài liệu thu nhỏ cho học sinh quay cóp. Vợ thầy Toản đon đả miệng mồm… Kinh tế nhà thầy Toản lên phới phới. Vừa rồi thay mực thế nào lại bị kẹt giấy, tháo ra thì hư mấy cái “ru lô”. Khiên chẳng buồn sửa. Thợ Nha Trang vào thay, bét cũng mất triệu bạc !
Cô Tuyến lại có dịp chì chiết anh:
- Sao anh không học nơi người ta mà làm cho tui nhờ, đồ hậu đậu!
oOo
Từ ngày sự quá quắt của cô Tuyến “leo thang”. Khiên có một cách “trả thù” sau mỗi lần cãi cọ. Nói là trả thù nhưng thực ra, chỉ là trấn an bản thân, xoa dịu cái uất ức trong lòng. Cũng chỉ như cái anh AQ của Lỗ Tấn, nhiều lần anh nghĩ vậy. Cách đó là: Ngồi vào máy thảo đơn ly dị.
Hơn mười năm nay, anh đã viết không biết bao nhiêu tờ… Mỗi lần viết, anh như được bộc bạch cùng ai đó, như tâm sự cùng trang nhật ký. Mỗi lần viết anh thêm một vài ý, một vài câu chì chiết cho hả dạ. Viết xong, anh đọc đi đọc lại vài lần, có khi để đến cả tuần, chừng nào cơn giận nguôi nguôi anh mới xóa. Xóa chứ không xóa thì làm sao mà gởi cho được, hai đứa con còn dại quá, mỗi lần nghĩ đến chúng, anh rươm rướm nước mắt, bấm “đề lét”!
Nhưng rồi cái ngày in tờ đơn ấy ra cũng đến. Cách nay sáu tháng, đứa con út tốt nghiệp Cao đẳng, việc làm tạm ổn nhờ một người bạn sắp xếp dùm…
Trước mặt hai con và cô Tuyến, anh nói ra ý nguyện của mình:
- Ba nói ra với hai con đều này chắc hai con cũng không ngạc nhiên, các con giờ đã lớn, hiểu tất cả những gì các con đã thấy, những gì mà hơn hai chục năm nay ba phải chịu đựng. Giờ hai đứa đã ổn, chuyện vợ chuyện chồng hai con sau này tính sau, ba hết nhẫn nại rồi. Ba ly hôn!
Cả ba sửng sốt. Họ tưởng Khiên sau bấy nhiêu năm chịu đựng, đã thành kẻ nhu nhược, khiếp hãi trước cô Tuyến.
Hôm ra tòa, chánh án là một học trò cũ, nghiêm giọng hỏi:
- Cô có muốn hòa giải không?
- Tôi không muốn, thưa tòa!
- Thầy thì sao?
- Em ạ… (những người có mặt tại tòa hôm đó cùng cười ồ khi Khiên cứ như nói với học trò!) Tôi xin lỗi. Thưa tòa, tòa hãy giải thoát dùm tôi. Không, tôi đã cố gắng hơn hai mươi năm nay, quá đủ rồi thưa tòa!
Tòa xử thật nhanh vì anh không màng gì đến tài sản.
Nhớ đền giờ phút tòa tuyên bố, “Thuận theo đơn ly hôn của hai người…Chiếu theo luật…” Anh sung sướng đến không còn nghe gì nữa.
Ánh nắng mai vừa xuyên qua giàn bông giấy, lọt xuống làm lỗ chỗ khoảng hiên, nơi căn phòng ngày xưa anh từng ở. Khiên nhấp thêm ngụm trà, anh vẫn đang trong cảm giác lâng lâng, thanh thản, yên bình.
Ninh Thuận, ngày 06 tháng 07, năm 2013
Trạch An – Trần Hữu Hội
No comments:
Post a Comment