Sunday, September 29, 2013

GIÓ BẤC VỀ LẠI NHỚ QUÊ – Tuỳ bút Trần Duy Đức


“Gió bấc mang về nỗi nhớ nhung/ Bờ lau xơ xác dưới mưa phùn...”, tôi không nhớ là hai câu thơ của ai, nhưng cứ đến đông về thì càng nhớ quê, nhớ gió mùa đông- bắc mang hơi lạnh từ phương Bắc tràn vào phương Nam, đặc biệt là miền Trung. Cái lạnh như cắt da cắt thịt, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe, nhất là đối với trẻ con và người già là đối tượng có sức đề kháng yếu. Mùa đông mưa phùn gió bấc, có năm lạnh đến cóng người, súc vật cũng không chịu nổi, vì thế mà cứ mùa này thì người già chết nhiều, nên cuối năm có nhiều ngày giỗ.

Tôi chưa có dịp sống ở miền Bắc vào mùa đông rét, nên chưa hình dung được cái rét đến cá dưới nước cũng phải nhảy lên bờ, trâu bò cũng ngã lăn ra chết. Người miền Bắc gọi mùa gió tràn về từ phương Bắc khoảng độ tháng chín, tháng mười âm lịch năm trước đến tháng giêng, hai năm sau là gió mùa đông- bắc. Người miền Trung lại gọi là gió bấc, có lẽ do từ gió bắc mà trại thành gió bấc chăng! Ở Nam bộ, nhất là miền Tây còn gọi là gió chướng.

Đã gần bốn chục năm rồi, tôi cư trú ở cái phố huyện, nay đã là trung tâm thị xã, dưới triều Nguyễn là tỉnh thành Bình Định. So với những người đồng hương tha phương ngoài tỉnh, ngoài nước thì nơi tôi ở gần quê nhà hơn, vậy mà cứ mỗi mùa đông đến kèm theo gió bấc, mưa phùn rét mướt tôi lại nhớ quê. Nhớ cái rét ngọt giữa mùa làm ruộng cấy, quê tôi là nơi bắt đầu sông Côn rẽ nhánh, nằm lọt thõm giữa hai dòng sông, ba bề là sông nước ôm gọn xóm làng, đồng ruộng, đến mùa đông thì gió từ hai nhánh sông càng thổi mạnh vào làng. Những dáng nông dân đi làm đồng, người cày thì con trâu đi trước, cái cày cái bừa theo sau, kẻ gánh mạ non, phân chuồng ra ruộng, đàn bà khom lưng đi chà lui dưới mặt ruộng theo luống mạ cấy, trẻ con theo những đàn bừa để bắt cá, bắt cua.v.v...Ai nấy cũng mặt mày lấm lem bùn đất, chân cẳng mốc thếch, đầu đội nón cời, mang tấm ni lông mỏng, một ít người lớn tuổi choàng cái áo tời chằm bằng lá cứ run bần bật, trống trước hụt sau. Quần xắn quá gối, dáng người cứ như nhỏ bé trên cánh đồng mênh mông mưa dầm, gió dãi, thân hình nghiêng nghiêng trên cái bừa có hàng răng sắt vài chục chiếc nhọn hoắt, những người gánh gồng kẽo kẹt đi trên bờ ruộng càng mong manh, không ít người bị gió hất tung xuống mương, xuống ruộng. Những con người lam lũ bán mặt bán cho đất, bán lưng cho trời, đầu đội nón cời cứ chúi về phía trước, từng đợt gió rét cứ đẩy tấm lưng còm ướt đẫm về phía sau như một dấu chấm hỏi đặt ngược, mà đã bao nhiêu năm rồi tôi không dễ gì quên hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng quê mình vào mùa gió bấc, cùng với bao day dứt.

Hình ảnh những người phụ nữ kẽo kẹt gánh rau cải, bầu bí dưa củ, gạo, bắp... qua sông đi chợ lúc gà còn gáy. Những cô cậu học học trò, ngày hai buổi qua lại trên con đò nang giữa dòng nước bồng bềnh, gió bấc thổi ào ào làm cho đò cứ chao nghiêng, chòng chành, nước mấp mé mạng xuồng, bao phen mất hồn, hú vía. Những ngư dân ngồi trên chiếc sõng câu nhỏ trông như chiếc lá nổi trên mặt nước cứ nghiêng nghiêng trước gió. Ngày chủ nhật tôi cùng lũ bạn trong xóm thả bò ra gò, đứa nào cũng co ro trong chiếc quần cộc cuộn lên sát háng và áo mỏng phong phanh, chân mốc meo, cùng nhau tìm nhặt phân bò khô nhúm lửa rồi xúm tụm lại cho ấm, khi về nhà quần áo, tóc tai đứa nào cũng bay mùi khói phân bò ngai ngái.

Làm sao quên được những mái nhà tranh vách đất, vào mùa đông gió giật cuốn ngược đuôi tranh, có lúc tốc mái, nước thấm vách sạt lở. Đến hoàng hôn về, từng cơn gió lùa mang cái rét vào tận ngôi chùa đầu làng, nghe tiếng chuông ngân vang như cứ rưng rưng. Cái lạnh ùa vào nhà, vào bếp, vào những bữa cơm chiều của bà con ở quê, đang lúc cả nhà quây quần mâm cơm bên bếp lửa với nồi cơm thơm lựng mùi gạo giã lúa “Trì trì, Ba trăn, Ba triên...” với trách cá mòi hay cá trích kho muối tiêu, đĩa rau lang luộc chấm mắm cua đồng, đôi lúc có vài con cá rô nướng dằm nước mắm. Tối lại, bà nội bảo mẹ rang bắp nổ lúp búp rồi rưới nước mắm ớt có pha tý đường cho lũ trẻ tôi vừa ăn bắp vừa học bài đỡ buồn ngủ. Bắp rang vừa dòn dòn, vừa có vị mặn và ngọt, ngoài trời mưa bay gió dãi, tối đen như mực. Có hôm, ban ngày mẹ bưng gạo sang xay nhờ cối nhà bên đem bột về đúc bánh xèo, ngoài trời mưa tí tách cùng với những cơn gió lùa, trong nhà nghe tiếng xèo xèo của bánh vừa đổ bột lên khuôn trên cái lò đỏ lửa. Rau thơm, rau húng, khế chua chua ngọt ngọt có sẵn trong vườn, cả nhà quây quần ăn bánh xèo nóng hổi.

Dẫu ngày nay đời sống ngươi dân từ miền quê đến phố thị đã khấm khá. Nhưng ở nước ta, nhất là miền Trung, thì vẫn theo chu kỳ mưa- nắng- bão- giông- nóng- lạnh. Khác với gió nồm ngọt lịm của mùa xuân; gió tây nam nóng rát, khô hanh của mùa hạ; gió heo may- gió mà như không gió giữa thu; thì mùa đông tuy mỗi năm mức độ có khác nhau, nhưng vẫn gió bấc mưa dầm, vẫn rét mướt, vẫn là khoảng thời gian dành cho ta bao trăn trở, lo toan về những tháng ngày cuối năm khắc nghiệt, để rồi có được một mùa xuân ấm áp, đất trời quang đãng.

Dù sống ở phố thị, nhiều người có đời sống khá hơn, nhà cao cửa kín, nệm ấm chăn êm... nhưng sao khỏi chạnh lòng khi những cơn gió bấc mùa đông buốt giá làm lạnh run một tiếng rao khuya hàng rong, tiếng trở mình của kẻ không nhà trú tạm đâu đó dưới mái hiên, vỉa hè, lều chợ, sân ga... càng liên tưởng đến mùa đông gió giật, lũ dồi ở vùng sông nước làng quê. Bởi, dù ngày nay là người sống ở thị thành thì phần lớn cũng xuất xứ từ nông dân, từ đồng quê gốc rạ, nên càng có cuộc sống đủ đầy càng không thể quên ký ức một thời ở làng quê khi đông về, bấc đến.

Đã đi qua bao mùa mưa dầm gió giật, lạnh cắt da cắt thịt, tôi nhận ra dòng sông quê đã biến đổi cạn dần, bên lở bên bồi. Dù có giấu diếm những bất trắc tai ương thì mùa mưa lũ, gió bấc tràn về dòng sông cũng quặn thắt, cùng với quặn thắt lòng người dân lam lũ quê tôi để rồi sẽ có một sớm chớm xuân, những tia nắng vàng ấm áp nhảy nhót trải dài hai bờ sông, ùa vào từng ngõ ngách xóm làng, cùng với màu xanh của lúa non đang dậy thì, màu vàng của hoa cúc, hoa mai... và cả hoa cải đón xuân.

Tháng 10. 2012
Trần Duy Đức (Bình Định)



No comments:

Post a Comment