- Lan! Lan ơi….
Đang cắm cúi giữa những người và người trong một khu chợ đông. Tôi nghe loáng thoáng như có ai gọi tên mình. Dừng lại ngơ ngác nhìn quanh, không thấy có ai là người đang gọi mình cả. Chắc là ai gọi trùng tên đó thôi. Tôi quay lưng bước tiếp. “Lan..Lan”. Hình như đúng là ai đó đang gọi tôi rồi, lần này tôi quay hẳn người lại nhìn về phía phát ra tiếng gọi. Một bàn tay đang giơ cao vẫy rối rít. Tôi chăm chú nhìn “A, cô Hòa”, cùng với tiếng thốt lên reo vui, tôi sải bước.
- Trời ơi ! Cô. Lâu quá rồi em mới được gặp lại cô.
- Đi vào đây ăn bún với cô, cô đãi em.
- Trời ơi! Bất ngờ quá.
Tôi vui như muốn bật trào cảm xúc ra hết đầu lưỡi vậy. Cô Hòa là cô giáo đã dạy tôi cả hai năm lớp bốn và lớp năm. Tính ra phải đến cả ba chục năm rồi tôi mới gặp lại cô.
- Cô đang ngồi ăn, tự nhiên thấy ai đi qua giống em quá, cô nhìn theo thì đúng rồi, nên chạy ra gọi em đó.
- Ba chục năm rồi, từ một con bé lếch thếch, mà bây giờ cô vẫn nhận ra em.
- Sao không nhận ra, học trò cưng của cô mà.
Tôi vui sướng. Quả đúng khi xưa tôi là học trò cưng của cô thật. Tôi ngay mặt ngắm cô một chút rồi kêu lên:
- Cô vẫn vậy, không khác nhiều.
- Khác nhiều rồi chứ, cô già rồi mà.
- Ba chục năm, cả một nửa đời người, đương nhiên là phải già hơn rồi, nhưng dáng nét cô vẫn như ngày ấy. Mái tóc cô vẫn nguyên kiểu cũ nên không làm gương mặt cô khác đi. Bây giờ cô làm gì ạ?
- Cô vẫn đi dạy thôi. Vẫn là chủ nhiệm lớp năm thôi.
- Vậy là cái mái chèo của cô vẫn bền bỉ khoát nước khai dòng cho những chồi xanh vươn tới.
- Đúng là học sinh giỏi văn của cô ngày xưa. Bây giờ em làm gì? Mấy con rồi?
- Dạ, em vẫn hai con mắt thôi cô.
- Sao thế? Kén kỹ vậy à?
- Em đâu dám kén, mà chỉ là thấy mình không hợp với cuộc sống hôn nhân thôi cô ạ.
- À, Mai Sơn giờ thế nào? Em có hay gặp không?
- Dạ Mai Sơn giờ là trung úy công an tỉnh cô ạ. Vợ cùng ngành, cũng hai con rồi cô. Bây giờ nhìn anh chàng bệ vệ lắm.
- Ừ thỉnh thoảng cô cũng có gặp mấy đứa, ra vẻ thành đạt hết rồi. Nhà em ở đâu?
- A, bữa nào chủ nhật, em đón cô vào chơi nhé. Em có một khu vườn cây ăn quả, một hồ cá, cô vào câu cá nướng ăn cô nha.
- Ui trời, thích thế. Ừ, vậy chủ nhật tới nha. Địa chỉ nhà cô nè.
Cô Hòa mở túi xách lấy ra một cuốn sổ, một cây bút, hý hoáy dòng địa chỉ rồi xé đưa cho tôi. Rồi cô quay bảo người bán hàng:
- Tính tiền đi em, à gói thêm cho chị cây chả quế này nữa nhé.
Khi người bán hàng đưa gói chả, cô đưa cho tôi:
- Em cầm về ăn này.
- Thôi cô…
- Thôi cái gì mà thôi. Vậy nha, chủ nhật lên đón cô nha.
- Dạ, giờ cô về ạ?
- Ừ cô về, còn kịp cơm cho em nó đi học nữa.
Cô trò chia tay, tôi còn đứng ngẩn ra mà nhìn theo dáng cô mãi. Tâm trạng xôn xang, một miền ký ức như cơn gió mùa hạ ùa về, tôi như thấy lại cả những lá vàng, hoa đỏ, ve râm ran, và cả bao gương mặt ngốc nghếch của một thời thơ dại.
Cái lũ học trò chúng tôi ngày ấy mà đem so với học trò cùng lứa bây giờ thì thật là vô cùng khập khiễng. Lớp bốn, lớp năm mà vẫn còn những bạn tè dầm, giận nhau đánh nhau là bù lu khóc mách cô, có đứa đi chân đất, mặc quần cụt đến trường. Các trò chơi thì con trai bắn bi, đánh đáo, con gái hái lá mì buộc túm để đá cầu, nữa thì nhặt lá chơi đồ hàng, nhặt đá chơi ô quan, đứa nào có trái banh da nho nhỏ mà chơi trò banh thẻ thì đã là giàu có. Quà vặt là những củ khoai, quả chuối luộc, hột mít luộc, cái bánh tráng nướng, bắp rang, bắp luộc… cứ có được thứ gì thì đùm dúm cất vào cặp, lên trường bỏ ra cho các bạn cùng ăn. Thì đó là những ngày vừa im tiếng súng, người lớn còn ngổn ngang bề bộn chuyện cái ăn, tấm áo. Trường học một phần cũng là nơi để cột chân mà tránh bớt những sơ sảy của lũ trẻ con hiếu động. Thầy cô lên lớp, một nửa tâm trí còn bận rộn với cái máng lợn, với cái cuốc trật trầy trên mảnh đất tăng gia. Không hiếm những giờ học thầy cô đi vắng, giao lớp cho “Ban cán sự” trông coi. Hồi đó có một bạn lớp trưởng là nữ, nhưng to con, và hình như hơn chúng tôi vài tuổi thì phải. Mỗi lần được giao nhiệm vụ quản lý, thì nàng mặc sức ra oai. Cây thước trong tay cứ veo véo vào mông các bạn, lại còn kiếm vỏ mít bắt bạn quỳ đến sưng cả đầu gối. Cùng là học sinh giỏi với tôi là Mai Sơn, hai đứa thường rinh về những giải thưởng nên luôn được đặc cách trong những lao động trường. Còn nhớ một lần cắm trại. Tôi và Mai Sơn bận rộn với các đề thi trong lớp, ngoài kia các bạn lăng xăng với xoong nồi chén bát. Khi ra khỏi phòng thi, tôi đói đến rủn người, cô Hòa phải bảo Sơn chạy đi mua cho tôi một ổ bánh mì. Đến giờ cơm, thầy trò túm vào, thì mới hay nồi cơm bự chảng đã thành hai lớp, trên sống dưới khê. Nhóm nhà bếp ngẩn tò te, một bạn nhanh ý bảo, đổ thêm nước vào cho thành cháo luôn. Thế là một lúc sau, một nồi cháo nâu nâu nóng hổi được bốn cậu khiêng ra. Thế mà hết sạch. Nghĩ cũng lạ cho cái thời trẻ con nhỉ. Sao cái gì cũng có thể ngon được, cái gì cũng có thể vui được. Lớn dần lên, xa dần đi, giờ nghĩ lại mới thấy những ngày tháng ấy thật thần tiên. Gặp lại cô, tôi như sống lại từng phân ly ký ức. Lũ bạn ngây ngô ngày ấy, giờ thi thoảng gặp lại đôi ba đứa. Chắc sẽ liên lạc rủ tụi nó để đi thăm cô mới được. Nhưng trước mắt là một ngày chủ nhật đầy ắp niềm vui đang đến kia.
- Cô đợi em lâu chưa cô? A, em chào thầy ạ.
- Ừ, chào em. Đến đón cô đi chơi đó hả?
- Dạ. Thầy đi luôn cho vui ạ.
- Thôi, hôm nay thầy bận, cô trò đi chơi vui vẻ nha.
- Dạ, em chào thầy.
Cô trò lên xe đi một đoạn, tôi nói:
- Nhìn thầy hiền quá cô ha. Chắc cô sống hạnh phúc lắm.
- Ừ, cũng tương đối, ngó hiền hiền vậy chứ cũng khó tính lắm đó em.
- Nhưng dù sao cũng yên ả hơn những người có tính gia trưởng, độc đoán, phải không cô? Khó nhưng hiểu tính rồi cũng dễ sống thôi.
- Thì cũng có lúc nọ lúc kia. Nhưng nói chung là ổn.
- Cô lập gia đình năm nào vậy cô ? Em nhớ hồi còn dạy em, cô chưa mà.
- Ừ, hình như sau em một khóa đó. Em biết không? Hồi đám cưới cô tụi học trò khóc quá trời, cứ sợ cô lấy chồng rồi không dạy tụi nó nữa. À, còn chuyện này nữa, mỗi lần nghĩ đến là cô lại tức cười. Em biết không? Có một cậu bé đi mừng đám cưới cô là một ổ bánh mì thịt.
- Ui trời! Vui vậy a cô. Đúng là trẻ con mà.
- Thì hồi đó bánh mì thịt là một món ăn cao cấp mà.
- Chắc cậu ấy rất thèm ăn món đó, nên nghĩ cô cũng thèm như vậy.
- Tình cảm trẻ con ngày ấy đơn giản mà đáng yêu đến vậy. Hôm lâu rồi, cô có gặp lại cậu học trò đó. Giờ là giám đốc một công ty rồi, nhắc lại chuyện xưa, cô trò cười nôn ruột. Cậu ấy bảo bây giờ mà em mang đến một ổ bánh mì thịt như vậy chắc cô cười em khùng quá.
- Em lại nghĩ, nếu cậu ấy mang đến, cô cười nhưng vẫn thấy tình cảm thầy trò sâu sắc, không dễ gì quên.
- Ừ, em nói đúng đó. Thà một món quà như vậy, nhưng cô lại thấy rất ấm áp, rất quý trọng. Không như các em học sinh bây giờ, mỗi năm vào ngày 20-11, cô chỉ muốn đi đâu đó để lánh mặt. Vì những món quà đắt giá mà vô cảm đến buồn không chịu nổi.
- Cái gì cũng có hai mặt. Ngày xã hội tôn vinh thì cũng đáng trân trọng, nhưng không phải ai cũng có một thái độ tôn vinh thực sự. Thời buổi vật chất hóa, cứ quy ra giá là xong tất. Đời bây giờ hầu như tất cả chỉ còn là những bán mua thôi cô ạ.
- Thế nên học trò bây giờ khó dạy lắm em ạ. Nhất là những đứa con nhà giàu, không hiểu cha mẹ chúng tiêm nhiễm cho chúng những ý nghĩ như thế nào, mà nhiều đứa rất hỗn láo khi thầy cô trách mắng răn dạy. Nhiều lúc cô buồn quá muốn nghỉ dạy luôn cho rồi.
Cô thở dài, tôi cũng buồn theo. Những lệch lạc cuộc sống ngày càng nhiều. Những người thuộc thế hệ trước như tôi và cô, chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục căn bản, nên không tránh khỏi sốc khi chạm phải những luông tuồng sống xử của một thành phần trong xã hội hiện nay.
- Nhà em kia rồi cô.
- Đâu?
- Chỗ có cái cây to và cao nhất ấy.
- À, cô thấy rồi, mải chuyện, chẳng mấy chốc mà đã đến nơi rồi.
- Gần mười lăm cây số, nhưng được cái đường nhựa không, nên đi xe máy cũng nhanh cô ạ.
Tôi dừng xe trước cổng. Cô Hòa bước xuống nhìn qua lại.
- Khu này có vẻ vắng người ở quá hả em?
- Dạ, vì đất ai cũng rộng, nhà nọ cách nhà kia cỡ trăm mét không à. Được cái an ninh khá tốt cô ạ.
Mở cổng xong, tôi chạy xe lên thềm. Cô đi vào sau.
- Ôi chà, cây mít sai quá hả?
- Dạ, mít Tố Lai đó cô, ăn ngon lắm, chừng nào có mít chín em đem ra cô ăn thử. Cô ra thăm hồ cá em đã cô.
Cô Hòa reo lên thích thú khi nhìn thấy cái hồ cá với những chú cá đang bơi lượn.
- Trời ơi, vầy thì có khác chi khu du lịch đâu.
- Để em vô lấy cần lấy mồi ra cô câu nha. Câu cá vui lắm cô.
- Thôi, ngắm thế cũng vui rồi, câu nó chi tội.
- Hổng sao đâu cô, câu vài con thôi, em nướng làm nước mắm gừng cô ăn mê luôn.
- Nghe em nói đã thấy mê rồi.
Tôi quày quả vào nhà đem mấy thứ vật dụng ra.
- Cá là món phụ thôi, với lại để cô vui, chứ em mua đồ nấu bún riêu rồi. Chừng nào ăn thì nấu, cô nha.
- Á, em muốn cô lại nấu bún riêu cho em ăn như ngày xưa đó hả?
Cả hai cô trò cùng cười. Ngày xưa, gia đình cô cũng tàm tạm không đến nỗi quá vất vả, thương đám hoc trò nhỏ bé, lâu lâu cô lại nấu cho một nồi bút riêu, rồi nhìn lũ trẻ xì xà xì xụp mà cười. Kỷ niệm nhỏ xa xưa nhắc lại như vẫn hiện rõ hình ảnh trước mắt. Bộ nhớ con người là một kho lưu trữ tuyệt vời thật. Móc mồi vào lưỡi câu, tôi đưa cho cô cầm.
- Lần đầu tiên cô câu cá đó.
- Chứ thầy chưa đưa cô đi bao giờ ạ ?
- Thời gian đâu mà đi em. Thầy cũng bận mà cô cũng bận. Lo cho mấy đứa ăn học đủ mệt phờ rồi.
Tôi chợt nhớ đến một chuyện.
- Cô ơi, có phải giáo trình bây giờ khác trước nhiều lắm phải không cô?
- Ừ, khác nhiều. Vì thế hệ trẻ bây giờ chỉ số IQ cao hơn trước, lại xã hội đang phát triển, nên giáo dục phải theo cho kịp chứ đâu thể tụt hậu được.
- Đành rằng phải nâng cao cho phù hợp với thời đại, nhưng em nghe bạn em than là có nhiều điều bất cập. Ví dụ, mới lớp năm mà đã đưa giáo dục giới tính vào rồi.
- Ừ, chuyện đó đang là một vấn đề đấy. Các em nó còn bé quá, đã nhồi nhét những điều của người lớn vào, quả là rất khó. Nhiều lúc, cô không biết phải giảng bài như thế nào để vừa với giáo trình mà các em lại dễ hiểu.
- Cô biết không? Có lần một người bạn gọi điện cho em, bảo là điên cái đầu vì chuyện học của con cái. Con gái cô ấy cũng đang học lớp năm, một hôm hỏi mẹ: “Mẹ ơi ! Xuất tinh là gì?”. Em nghe cũng choáng. Bộ giáo dục nghĩ sao mà bắt trẻ con phải biết đến những chuyện như thế? Bảo sao mà mới mười mấy tuổi đã phá thai ầm ầm rồi.
- Khổ lắm em ạ. Không dạy theo giáo trình thì không được, mà dạy theo thì… nhiều lúc cô cũng rất lúng túng không biết phải làm sao.
- Học sinh lớp mười trở đi biết đến vấn đề đó thì vừa, ai lại bắt đứa trẻ lớp năm đã…
- Có lẽ họ cho rằng, không biết thì chúng sẽ tò mò vì thông tin mạng đầy ra, nên phải giải thích cho chúng rõ thì chúng không thắc mắc nữa.
- Đó là họ chỉ nghĩ ở một góc hẹp. Vì chúng nó còn bé quá, phải giảng như thế nào thì chúng mới hiểu. Vì tế nhị, các thầy cô làm sao mà giải thích một cách tường tận được, chỉ có thể lướt qua, mà như vậy thì còn bất cập hơn nữa.
Cô Hòa thở ra một hơi dài:
- Chuyện giáo dục bây giờ nhiều cái đau đầu lắm em ạ. Nhiều đêm cô thức trắng, loay hoay soạn giáo án thế nào để có thể truyền đạt kiến thức cho các em mà không bị phản cảm.
Tôi bất giác nhìn mái đầu đã lơ phơ màu hoa mơ của cô, mường tượng những đêm dài cô trăn trở với bao khúc mắc chuyện đời, chuyện nghề.
- Chán quá cô nhỉ. Cuộc sống bây giờ quá đặt nặng những vấn đề vật chất, nên cứ dồn thúc rằng “nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên nữa”. Để những đứa trẻ chưa kịp sống với những hồn nhiên thì đã phải làm người lớn.
- Còn người lớn thì cũng phải nhanh lên để thấy mình mau già.
- Em cảm giác con người bây giờ như một chiếc máy ủi. Cứ cắm đầu ủi ủi xúc xúc, tâm cảm chỉ còn là một chiếc máy tính với bao chu trình toán học.
- Vì thế mà con người ngày nay sống khắc nghiệt với nhau hơn, người ta luôn phải phòng bị những nguy ngại, và tấm lòng thì không còn là một manh chiếu trải giữa sân đình nữa.
Tôi vừa định nối theo câu của cô thì…
- Á, phao động rồi kìa, cô giật đi cô…
Nghe tôi la lên, cô Hòa giật mình, giật nhanh cái cần câu, một chú cá toòng teng.
- A, cô câu được cá rồi. Trời ơi, thích quá.
Nhìn cô cười vui như đứa trẻ. Tôi gỡ con cá bỏ vào cái xô, móc thêm mồi khác vào. Lần này cô vung mạnh cái cần cho lưỡi câu phóng ra xa một cách nhanh nhẹ.
- Cô đã như một tay câu lành nghề rồi đó.
- Thì phải học nhanh vậy mới làm thầy em được chứ. Em có cái vườn này từ bao giờ?
- Cũng gần mười năm rồi cô. Hồi em mới mua, bao nhiêu người bảo em khùng, đang ở giữa phố lại chui vô rừng.
- Thì họ có phải là mình đâu mà họ biết mình muốn gì, cần gì.
- Dạ đúng đó cô, nên em mặc kệ ai nói gì nói. Mình cứ làm những gì mình thích, miễn không ảnh hưởng tai hại đến ai là được.
Hai cô trò cứ thế mà lan man mãi. Đến khi nắng đã khá gắt, tôi và cô mới trở vào nhà để lo cho cái dạ dày. Bún riêu và cá nướng là một bữa đại tiệc cho những tiếng cười giòn giã. Ăn trưa xong, nghỉ ngơi một lúc, tôi đưa cô đi dạo trong vườn. Cây xanh, gió mát, hoa thơm, trái lành, một không gian yên ả, thanh bình. Cô Hòa thả một ánh mắt lên cao thốt:
- Thiên đường quá em nhỉ. Ước gì cô cũng có một nơi thế này để được xả giãn mình mỗi khi mỏi mệt.
- Thiên đường nào có đâu xa. Nhàn tâm là thấy trong ta mỗi ngày mà cô. Lúc nào cô muốn, gọi cho em, em sẽ đón cô vào.
Cô nắm chặt tay tôi, mỉm cười. Chiều xê xế, tôi chuẩn bị đưa cô về. Lúc này tôi mới nhỏ nhẻ đưa cô một tập sách đã ghi sẵn lời đề tặng. Cô cầm, nhìn thấy tên tôi, cô trợn mắt nhìn tôi:
- Đây là sách của em hả?
Tôi cười gật đầu.
- Em phải giữ bí mật cho cô bất ngờ chứ.
- Chu choa, vậy là cô học trò giỏi văn của tôi đã đi đúng đường rồi. Cô chúc mừng em.
- Thì em đã dẫm những bước chân dầu tiên lên con đường này từ những ngày tháng mà cô dắt dìu em đó.
Cô chợt ôm choàng lấy tôi. Trong vòng tay ấm áp của cô, tôi bỗng như trở lại một con bé ngây ngô ngốc nghếch của những ngày…
Đàm Lan (Đắc Lắc)
No comments:
Post a Comment