Mùa hè năm nay đến với Dung thật không dễ dàng gì. Mới nghỉ hưu được vài tháng, cô đã vướng vào một vụ vạ miệng. Đi đến đâu Dung cũng nghe bàn dân thiên hạ bàn tán về bài báo của cô trên một trang mạng, viết về vị sếp cũ của cô, nội dung chủ yếu là phê bình phong cách lãnh đạo của vị sếp và đám đệ tử ăn theo. Khi bài báo được phát hiện, dư luận khen chê đủ kiểu đến đau đầu. Chuyện chưa lắng xuống, Dung lại ngậm đắng nuốt cay, ôm một cục tức trong lòng vì tính cả tin, nghe theo lời ngon ngọt của một học trò cũ, cho mượn khoản tiền kha khá, rồi nó tuyên bố vỡ nợ, định xù. Ông bà xưa đã dạy “Hoạ vô đơn chí”, điều đó không sai. Vì tiếp theo những rắc rối ấy, Dung lại bị tai nạn giao thông. Khi đang đi xe máy trên đường, cô bị choáng, húc đầu vào một chiếc xe bán tải đang dừng bên lề. Hậu quả là Dung bị gãy tiện cổ tay trái, phải băng bột trong suốt sáu tuần, chưa kể đến những tổn thương trong bụng như vỡ lách, giập tụy... Những ngày nằm viện, Dung ngẫm nghĩ lại mọi việc, thấy vận đen cứ mãi đeo đuổi mình, cô chán ngán, có lúc bi quan cùng cực. Cũng may, trong sự chăm sóc tận tình của con cái cùng với sự động viên, thăm hỏi của đồng nghiệp, bè bạn, học sinh, cô đã vượt qua. Dung đã dần lấy lại nghị lực, coi mọi chuyện xui rủi như cơn gió thoảng. Dung tự an ủi mình “Sông có khúc, người có lúc”, cái chính là sau cơn mưa, trời lại sáng, đó là quy luật cuộc sống...
Trời không phụ lòng người, nhất là người ăn ở hiền lành như Dung, nên cô đã bất ngờ có được niềm vui sau những phiền lụy, rắc rối. Trước hết, nhân vật sếp cũ của cô đột ngột bị tai tiếng vì vỡ nợ lên đến hàng tỷ. Giờ đây, dư luận mới thấy bài báo của cô hoàn toàn có cơ sở, không phải là sự bôi nhọ sếp như một số người lầm tưởng. Dung đón nhận thông tin ấy thật nhẹ nhõm, vì tiếng oan của cô đã được giải tỏa. Rồi chuyện tưởng mất trắng số tiền đã cho học trò cũ mượn, cuối cùng gia đình chồng con bé chịu đứng ra thanh toán. Thêm một niềm vui nữa, tuy cô có bị tai nạn, nhưng nay đã bình phục, coi như tai qua nạn khỏi, hết cơn bĩ cực...
Trước khi nhận quyết định nghỉ hưu, Dung đã được nhiều người khuyên phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận cú sốc. Bởi những đồng nghiệp của Dung đều cho rằng những ngày sắp tới, một người năng động, nhiệt tình như cô, giờ phải xa trường lớp, xa đồng nghiệp, học trò, chắc cô buồn đến héo úa. Các bạn Dung lấy làm tiếc vì cô sẽ không còn đứng trên bục giảng để truyền dạy cho các thế hệ học sinh những tri thức vững vàng và biết bao kinh nghiệm cô tích lũy được sau ba mươi lăm năm gõ đầu trẻ. Tất cả rồi sẽ trở thành quá khứ. Chung quanh Dung, nhiều người nghỉ hưu lại trở nên bận rộn với việc nhà, rồi trông cháu, khác nào các ô – sin hoặc vú em. Với cô, việc nhà khá rỗi, chỉ có hai mẹ con, Dung và thằng cả, ăn uống cũng đơn giản. Con gái lớn đã có gia đình riêng, công việc ổn định. Cháu ngoại thì đã lớn, ở với ba mẹ nó. Còn thằng út hiện đang làm việc ở nước ngoài, năm ngoái vợ nó vừa sinh con nhưng cháu bé hãy còn ở nhà bên ngoại, Dung cũng chưa phải trông giữ.
Hồi mới cưới vợ cho con trai cả, Dung cũng đã tính đến việc khi nghỉ hưu sẽ thuê một căn nhà mặt tiền ở gần trung tâm hoặc gần chợ, có thể mở một shop quần áo hoặc cửa hàng bán chăn drap gối đệm, chủ yếu là để con dâu đứng bán, Dung chỉ quản lí chung, có công việc, có thu nhập cho đỡ buồn. Không may, kế hoạch đó bị phá sản, vì vợ chồng con trai cả ăn ở với nhau chưa tròn năm đã dắt nhau ra toà li dị. Một mình Dung không kham nổi việc quản lí cửa hàng, nên cô bỏ ngay ý định ấy. Và cô vẫn còn loay hoay với bài toán khó “Làm gì để vượt qua nỗi buồn chán khi nghỉ hưu?”
Hạnh phúc đã đến với Dung, từ từ, êm ả mà cô nhận ra nó quý giá biết bao. Số là sau gần bốn mươi năm xa cách, từ ngày ra trường, các bạn lớp 12B của cô ngày ấy, nay phần nhiều đã thành đạt, cuộc sống ổn định, nhiều bạn cũng đã nghỉ hưu, muốn tập họp nhau lại để gặp gỡ, ôn lại kỉ niệm xưa. Muôn vàn kí ức được hâm nóng, tình cảm xưa trở nên lung linh, xúc động. Từ lần họp lớp đầu tiên, các bạn cô đã lập một nhóm ở cùng thành phố, để thường xuyên tụ tập, rủ nhau đi ăn sáng, uống cà phê, nghe nhạc, tổ chức sinh nhật cho nhau, thăm hỏi, hiếu hỉ khi có việc xảy ra cho thành viên nào đó trong nhóm, họ gắn bó nhau như người một nhà. Và Dung nhận ra mình dường như trẻ lại, yêu đời giống cái thuở hồn nhiên áo trắng.
Nhóm bạn của Dung phần lớn đều là nữ, cá biệt chỉ có vài bạn nam nên họ tự gọi đùa nhau là “Hội xi – bi – ây”. Mấy anh bạn cũ của nhóm, vốn giỏi tiếng Anh, nghĩ mãi không ra đó là gì. Chỉ khi được giải thích, ai cũng lăn ra vì chết cười. Chẳng có gì ghê gớm “xi – bi – ây” là cách đọc theo kiểu chơi chữ của nhóm từ “CB eight” (CB8), nghĩa là “các bà tám”. Nói của đáng tội, nhóm bạn của Dung tuy thường gặp gỡ nhau, nhưng nào có phải để ngồi lê đôi mách, tám chuyện thiên hạ, chủ yếu là họ muốn được vui vẻ bên nhau, tận hưởng niềm vui tuổi xế chiều một cách lành mạnh, không phải kiểu đàn đúm, nhảy nhót “Hoàng gia” (già hoang) hay “Dã quỳ” (Qủy già).
Mới hội ngộ chưa đến một năm, nhóm bạn 12B của Dung đã tổ chức nhiều sự kiện đáng nể. Dung nhớ lại lần đầu nhận điện của Nguyệt, thông báo sẽ có lớp trưởng 12B về thăm dịp Tết. Gặp lại các bạn, đặc biệt là lớp trưởng - anh chàng họ Tào, người thành đạt nhất lớp - Dung bùi ngùi vì đã ba mươi bảy năm xa cách, nay mới gặp lại bạn xưa. Những mái đầu đã lấm tấm bạc, nhiều nếp nhăn ở đuôi mắt, trên vầng trán, vậy mà nụ cười vẫn toe toét, và trên khóe mi Dung ngân ngấn giọt nước mắt xúc động. Họ đã bàn nhau, thống nhất tổ chức cuộc họp lớp khá quy mô, có cả sự tham dự của cô giáo chủ nhiệm cũ và các bạn ở thành phố Hồ Chí Minh nhân kỉ niệm năm mươi lăm năm ngày thành lập trường. Tập thể lớp 12B hôm ấy thật hạnh phúc, chan chứa niềm vui, xúc động như thủy triều dâng. Sau đó, nhóm bạn lại tham dự lễ kỉ niệm “ba trong một” của Nguyệt, đó là kỉ niệm ba mươi năm ngày cưới kết hợp kỉ niệm sinh nhật đồng thời cũng là ngày chính thức nghỉ hưu của Nguyệt. Họ tắm mình trong bầu khí trang trọng mà không kém thân tình, hoan hỉ. Tiếp tục cao trào, các bạn lại tổ chức sinh nhật theo tháng cho từng người. Bắt đầu từ Dung, Đặng, Liễu, rồi lần lượt đến Phan, Xuân. Vui nhất là những lúc cả nhóm thuê xe đi dự đám cưới của con Phú Liễu, con Kim Liên. Đường trường xa ngái bỗng trở nên ngắn lại vì dọc cuộc hành trình họ không ngớt cười đùa, nói chuyện tiếu lâm. Trong tiệc cưới, họ trở thành các “Dành ca” nghĩa là không phải danh ca, mà chủ yếu lấn sân khấu, dành để được ca cho thỏa. Các giọng ca đã một thời vang bóng nay lại có dịp cất lên để tự động viên, khen ngợi nhau. Lần họp mặt mới đây chính là tổ chức sinh nhật cho hai bạn Hảo và Liên. Họ chọn một nhà hàng kiến trúc theo lối cổ, cảnh quan rất đẹp để còn chụp ảnh lưu niệm. Cũng bánh kem, cũng tặng hoa và rôm rả hát “Happy birthday to you” cùng những bài ca do nhạc sĩ của nhóm là chàng Phan đa tài sáng tác. Có một cậu học trò cũ của Nguyệt giờ cũng là thành viên của nhóm, nó vừa đảm nhiệm chức trách “phó nhòm” để ghi lại các khoảnh khắc đặc biệt của các bạn, đồng thời nó đảm nhiệm việc biên tập cho các sáng tác của nhóm. Họ gọi Phan là nhạc sĩ, Nguyệt là ca sĩ, Liên thi sĩ, Dung văn sĩ, Đặng tu sĩ, Dũng vệ sĩ. Cách gọi đó chỉ là đùa vui, bởi những bạn ấy khi ngẫu hứng có thể sáng tác vài bản nhạc, viết vài bài thơ mộc mạc, hay một câu chuyện tầm phào, rồi tự phong mình lên hàng “sĩ”... Nghĩ cũng lạ, tuổi đời của bạn nào cũng xấp xỉ sáu mươi, thế mà hồn nhiên, hoan hỉ, thích vui vẻ như trẻ thơ. Dung hiểu, ở độ tuổi của cô và các bạn, sự từng trãi cũng đã nhiều, có những khoảng thời gian ngất ngây hạnh phúc nhưng cũng không thiếu lúc bị roi đời quất cho ngã gục, đến chừng này đã đủ khôn để giác ngộ về ý nghĩa của đời sống. Hơn lúc nào hết, Dung và các bạn trở nên gần gũi nhau, chia sẻ mọi nỗi niềm, cảm giác như là sự cuống quýt, vội vã vì sợ quỹ thời gian không còn bao nhiêu, không đủ để yêu thương, gắn kết!
...Tiếng chuông báo thức vang lên từ chiếc điện thoại di động ở đầu giường đã đánh thức Dung sau một giấc ngủ chập chờn. Đêm qua, có lẽ gần sáng cô mới chợp mắt. Trong cái đầu nặng trĩu của Dung lúc này vẫn còn vọng lại những lời gay gắt, bực bội mà cô đã không kìm nén được khi tranh luận với Nguyệt. Thực ra, bình tĩnh suy xét, cô thấy không đáng để phải xảy ra to tiếng giữa họ. Có gì lớn lao đâu. Số là Nguyệt vốn tháo vát, năng động, khéo tay, tính tình phóng khoáng, nên cả nhóm mặc nhiên xem Nguyệt như trưởng nhóm. Nhà bạn ấy rộng rãi, đức ông chồng lại vui vẻ, lịch sự, dễ tính, nên cả bọn tụ tập thường xuyên coi đó là tổng hành dinh của nhóm CB8. Nguyệt vẫn hay làm cơm mời cả nhóm đến dùng, chuyện ấy không phải ít lần. Hôm qua, Nguyệt mời Dung và các bạn đến nhà ăn sáng, thực đơn là món bún giò do Nguyệt trổ tài. Trong khi dùng bữa, hầu hết các bạn đều khen ngợi tài bếp núc của gia chủ. Dung không có ý kiến, khi được hỏi, thực lòng cô nhận xét:
- Món bún giò Nguyệt nấu không ngon!
- Sao lại chê? – cả bọn nhao nhao phản đối.
- Thì giò chưa thấm, ăn không đậm đà, nước dùng lẽ ra phải trong, nhưng nó đục!
Nguyệt tự ái, dĩ nhiên, ai chả thế, cô phản pháo:
- Nếu Dung có giỏi thì bữa nào trổ tài cho bọn này thưởng thức, khen chê thì ai chả làm được...
Dung nóng mặt, cô nhận lời thách thức:
- Được rồi, ngày mai, tui sẽ nấu phục vụ cho nhóm. Bất cứ món gì các bạn yêu cầu, tui đáp ứng ngay, “Vua đầu bếp” đây!
- Chà chà, được rồi, thế thì ngày mai, các bạn nhóm mình nhịn ăn sáng, mời trưa mai đến nhà Nguyệt, thưởng thức tài nội trợ của Dung nhé. – Nguyệt thông báo.
- Mà các bạn muốn ăn món gì?
- Món gì gọn gọn mà thật đặc biệt nhỉ? – Cả nhóm bàn tán.
Kim Liên đề nghị:
- Dung gốc gác xứ Quảng, thôi nấu món mì Quảng đi, tụi này sẽ sẵn sàng làm giám khảo cho điểm, hì hì.
- Ok, vậy đi nghen, mai tui sẽ đi chợ sớm, đến nhà Nguyệt nấu. Mời các “lady” trưa mai đến rửa bụng coi tui vào bếp!
Về nhà, Dung cẩn thận xem lại các trang mạng hướng dẫn nấu món mì Quảng, để khỏi bị bẽ mặt với các bạn, cô muốn ấn tượng món mì của mình phải thật đặc biệt. Dung gọi điện hỏi Nguyệt cần chuẩn bị bao nhiêu mì thì đủ. Nguyệt bảo:
- Thì Dung cứ liệu mua đủ cho 8 phần ăn, sao hồi nãy nói mạnh lắm mà bây giờ phải hỏi mình.
- Mình hỏi để chắc ăn vậy mà, vì thấy Nguyệt vẫn thường nấu đãi các bạn.
- Dung chê tui nấu dở mà hỏi gì. Bây giờ mới biết bạn là người tự cao, coi thường người khác quá. Lại nữa, bạn viết chuyện đăng trên blog, rồi viết tặng người này, người khác, thế mà tụi này nhờ bạn viết cho mỗi đứa một bài thì bạn từ chối thẳng thừng, thử hỏi không “chảnh” thì là gì?
- Cái gì? Tui mà tự cao? Cả đời tui, gặp biết bao chìm nổi. Chưa bao giờ tui tự đánh giá mình là hơn ai. Nguyệt nói vậy, tui giận lắm nghen. Tại Nguyệt hỏi tui nhận xét, tui thực lòng thì bạn bảo là tui làm dóc, chê bạn nấu dở. Còn chuyện viết bài, tui chỉ viết theo ngẫu hứng, toàn những chuyện “Lời quê chấp nhặt dong dài”, đâu dám gọi là văn chương. Có vài người trong nhóm ta thấy vậy, bảo tui viết bài, nhưng tui chưa nghĩ ra cái cốt truyện hoặc tình huống gì, viết khó lắm. Đã vậy, nếu tui là “chảnh”, là người xấu, thì thôi, ngày mai, tui không nấu nướng gì hết. Từ nay khỏi nhóm nhiếc gì, “CB8” là cái gì ghê gớm, dẹp hết. Tui bye đây. – Dung hét lên trong điện thoại, cúp máy trong sự ngỡ ngàng của Nguyệt.
Nguyệt gọi điện nhưng Dung không bắt máy. Phải đến nửa tiếng sau, Dung thấy cơn giận đã lắng xuống, bình tâm nghĩ lại thấy mình sai quá. Trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã nhắc nhở rằng: “Chọn người tri kỉ một ngày được chăng”. Muốn có người tri kỉ thì không thể “chọn” trong một thời gian ngắn ngủi. Phải gần gũi, va chạm, chia sẻ, cảm thông, chấp nhận, nhường nhịn, buông bỏ những cố chấp hay thành kiến, rồi kính trọng và thương mến nhau thì mới trở thành tri kỉ của nhau được. Chân thành mà nói, Dung nhận ra bên trong con người mình ẩn chứa một phần mong manh, yếu đuối, mặc cảm. Góa bụa từ khi tuổi đời còn rất trẻ, cô vật lộn với nghèo túng để lo miếng cơm manh áo nuôi ba đứa con mồ côi. Khi các con khôn lớn trưởng thành, Dung lại mất đi người mẹ mà cô đã nương tựa trong những tháng ngày đau khổ nhất. Bây giờ khi đã đi qua bên kia con dốc cuộc đời, giã từ với bộn bề công việc, Dung nhìn lại thấy mình trắng tay. Có lúc cô đã hoàn toàn buông xuôi, tuyệt vọng. Nếu không hội ngộ các bạn, Dung sẽ chết rũ vì cô đơn trong những ngày nghỉ hưu này. Dung nhận ra, giữa những bận rộn cuộc sống, cô vẫn được trân trọng, đồng cảm bởi tâm tình chân thành, tha thiết mà các bạn đang trao tặng cho cô. Có thể nói Dung trở nên lạc quan, yêu đời, cô như được tái sinh chính là nhờ các bạn, trong đó công đầu phải kể đến Nguyệt, trưởng nhóm “CB8”. Thế mà cô lại toan đánh mất niềm hạnh phúc ấy ư? Cô lại toan quay lưng với người bạn tốt, tri kỉ của cô ấy ư? Cô thấy mình thật tệ. Dung nhớ lại câu danh ngôn rất hay của Henri Frederic Amiel: “Cuộc đời thì ngắn ngủi và chúng ta không bao giờ có quá nhiều thời gian để làm vui lòng những trái tim của những người đang bôn ba trong hành trình cuộc đời với chúng ta. Ồ, hãy nhanh lên để yêu thương, hãy vội vàng lên để là người tử tế.” Sau khi nhìn rõ vấn đề, tối đến, Dung trực tiếp gọi điện cho Nguyệt, cô cười xòa, nhận rằng lúc nãy mình đã nóng giận nhất thời, cô biết Nguyệt buồn. Vậy cô mong Nguyệt xí xóa bằng việc ngày mai cô vẫn phục vụ món mì Quảng cho các bạn thưởng thức.
Hôm nay, Dung đã đi chợ từ rất sớm, cô chọn mua nguyên liệu thật tươi ngon: Tôm phải còn sống, thịt tươi ngon, chả lụa mới ra lò. Đặc biệt cái món chủ đạo là mì, cô phải cất công đến tận lò, chờ họ vừa ra mẻ mì, lấy ngay, nóng hổi. Cô không mua gà, vì dạo này TV thông báo đang có dịch cúm gia cầm, thay vào đó, Dung chọn mua thêm món thịt heo quay giòn rụm. Trong gian bếp rộng của Nguyệt, hai người bạn đã quên đi những giận hờn, thắc mắc, họ lại xúm xít bên nhau, cùng chuẩn bị món ăn, cùng cười đùa rôm rả sau những câu pha trò duyên dáng của Nguyệt. Khi bữa ăn được dọn ra, cả nhóm đều công nhận tô mì mà Dung và Nguyệt chế biến thật là bắt mắt. Sợi mì vàng ươm, giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, bên trên là thịt heo nạc, tôm, thịt heo quay, chả giò cùng với nước dùng được nấu bằng nước dừa, xương heo. Dung còn bỏ thêm đậu phụng rang giã dập, hành phi giòn, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Cả nhóm vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Dung cảm nhận đó là lời khen thật tình, không phải chỉ để làm vui lòng cô. Tất nhiên Nguyệt cũng không quên kể lể với cả nhóm rằng món mì do Dung nấu, nhưng Nguyệt chính là người sơ chế nguyên liệu, công ấy là không hề nhỏ! Ai cũng thấy hài lòng, không khí đầm ấm, thân tình như gia đình. Họ trao đổi với nhau những buồn vui, lo toan cuộc sống, rồi lại chia sẻ, động viên nhau nếu cảm thấy khó khăn, vướng mắc. Tự nhiên Đặng tu sĩ nói một câu triết lí, dẫn lời của Luciano Decrescenzo: “Chúng ta là những thiên thần chỉ có một cánh. Và chúng ta muốn bay thì chúng ta phải ôm chặt lấy nhau.”Dung xúc động, cô hiểu cuộc sống giống như một kì nghỉ cuối tuần dài ngày vậy, dù có chọn lựa đến thế nào thì cuối cùng, chúng ta cũng phải giã từ cuộc sống này. Thế nên, cần phải trân trọng mỗi khoảnh khắc, phải biết sống hết mình trong niềm vui và tình thương yêu. Nguyệt ca sĩ bỗng cất lên lời bài hát của Đức Huy: “Và con tim đã vui trở lại Và niềm tin đã dâng về Người. Cho tâm hồn nguyện yêu mãi riêng Người mà thôi!”
Tạ Thị Hoa
No comments:
Post a Comment